Dịch tay chân miệng: Nguy cơ xuất hiện nhiều ca nặng
Trước diễn biến số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh trong những tuần gần đây, Sở Y tế TP HCM khuyến cáo, trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và tử vong nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch và điều trị hiệu quả.
Nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng
Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, tính đến hết tuần 23 vừa qua, toàn khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng (TCM), trong đó có 4 ca tử vong với chẩn đoán TCM độ 4 và có xét nghiệm dương tính với virus Enterovirus 71 (EV71).
Tương tự, diễn tiến chung của khu vực phía Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) ghi nhận, số ca mắc TCM tại thành phố bắt đầu tăng từ tuần thứ 19 và tăng nhanh từ tuần thứ 21 đến nay. Trong 23 tuần đầu năm, số ca mắc tích lũy của thành phố là 2.407 ca; chưa ghi nhận ca tử vong.
BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, hiện bệnh viện đang điều trị 14 ca TCM nặng và 28 ca nhẹ, trung bình. Tổng số ca bệnh TCM không nhiều, nhưng ca nặng chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, tuần qua Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận thêm 4 trường hợp trẻ mắc TCM nặng. Đơn cử trường hợp bệnh nhi nam N. G. L. (8 tháng tuổi, ở Vĩnh Long) nhập viện với biểu hiện lơ mơ, mạch nhẹ, sốt cao liên tục, được chẩn đoán mắc TCM độ 4, xét nghiệm men tim tăng cao, men gan tăng nhẹ. Kết quả sau 2 ngày điều trị tình trạng trẻ có cải thiện bớt sốt, được tiếp tục theo dõi điều trị tích cực… Trước đó, bệnh nhi nhập bệnh viện địa phương chẩn đoán mắc TCM độ 3, điều trị theo phác đồ tình trạng không cải thiện nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
BSCKII Duy Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, hiện bệnh viện đang điều trị cho 58 trường hợp, trong đó có 20 ca nặng độ 2B – 3. Đa phần bệnh nhi mắc bệnh TCM đến từ các tỉnh, thành khác. Có trường hợp trẻ 2,5 tuổi từ An Giang chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 với biến chứng độ 3, sau 2 ngày mắc bệnh. Do đó, khi trẻ sốt liên tục nhưng không hạ cùng với nổi ban lòng bàn tay, bàn chân, chảy nước miếng,... cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời. Cũng theo bác sĩ Quy, có nhiều trường hợp, phụ huynh nhận biết dấu hiệu bệnh TCM sai nên trẻ chậm được thăm khám và điều trị ngay từ đầu.
Sẵn sàng điều trị nếu ca mắc tăng cao
Thông tin về công tác thu dung điều trị Sở Y tế TPHCM cho biết, tính từ đầu năm đến nay tổng cộng đã có 936 ca TCM điều trị nội trú tại các bệnh viện của TPHCM. Trong đó có 46 ca nặng và đã có 4 trường hợp tử vong (là các bệnh nhi nặng chuyển từ các tỉnh về). Đơn cử, tổng số ca nhập viện trong ngày 17/6 là 41 ca, trong đó 8 ca có địa chỉ tại TPHCM (chiếm 20%). Tổng số đang điều trị nội trú là 147 ca, tất cả đều là trẻ dưới 6 tuổi. Có 18 trẻ mắc TCM nặng đang điều trị tại các khoa hồi sức tích cực của 3 bệnh viện nhi đồng, trong đó có 1 trường hợp ngụ tại phường Tân Thới Nhất (quận 12), còn lại là các trường hợp chuyển từ các tỉnh về; 14 trường hợp trong số này đang trong tình trạng nguy kịch phải thở máy, 1 ca lọc máu.
Theo Sở Y tế thành phố, trước diễn biến số ca mắc tăng nhanh trong những tuần gần đây, dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và tử vong nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch và điều trị hiệu quả. Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh TCM trên địa bàn thành phố theo 3 kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng.
Tình huống thứ nhất dự kiến khi có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca đang điều trị nội trú và dưới 20 ca nặng tại các bệnh viện. Theo đó, tổng quy mô giường bệnh điều trị TCM trong tình huống này là hơn 200 giường, với 30 giường phục vụ hồi sức tích cực, các bệnh nhi TCM được ưu tiên tập trung điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố. Khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50 - 100 ca, hệ thống y tế phục vụ 200 - 700 ca đang điều trị nội trú và 20 - 70 ca chuyển nặng tại các bệnh viện với tổng số giường điều trị TCM sẽ cần 700 giường, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi TCM được điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Và dự kiến được triển khai khi thành phố có từ 100 - 200 ca TCM nhập viện mới mỗi ngày và các cơ sở y tế có 700 - 1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 70-140 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường điều trị cần chuẩn bị ở tình huống này là 1.400 giường với khoảng 150 giường hồi sức tích cực.
Ngoài việc chuẩn bị giường bệnh khi ca bệnh nặng tăng cao, Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ trợ tìm thêm nhà cung ứng thuốc đặc trị, kiến nghị Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm sinh phẩm y tế liên quan cần thiết cho điều trị TCM, kịp thời cho lưu hành thuốc nhập, phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh trong tình hình dịch bệnh diễn tiến nhanh hiện nay.
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh TCM đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh…
Bên cạnh đó, thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ mắc TCM phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác. Cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Nhận biết các dấu hiệu bệnh tay chân miệng nặng
Trẻ sốt 39 - 40 độ C nhưng uống thuốc mà không hạ xuống 37,5 độ C hoặc 37 độ C thì phải đưa trẻ đến bệnh viện. Dấu hiệu thứ hai, trẻ hay giật mình chới với là đã ảnh hưởng đến thần kinh trung ương. Ngoài ra, các trẻ thở bất thường như: thở nhanh, thở mạnh, thở rút lõm ngực, thở không đều, thở rít khi hít vào là dấu hiệu cảnh báo nặng do đã ảnh hưởng đến trung khu hô hấp. Thậm chí, trẻ còn bị run tay chân, đi loạng choạng, đứng không vững, ngồi mà muốn ngả nghiêng. Đáng chú ý, trẻ bị TCM còn bị rối loạn thần kinh thực vật (rất nặng) thường vã mồ hôi 1 bên, da xanh tái, trẻ rất mệt. Ngoài ra còn bị nhức đầu, trẻ phù phổi cấp, ho và khạc bọt hồng, co giật tím tái,... đây là những trường hợp quá trễ rồi. Phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của trẻ, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện ngay từ những dấu hiệu ban đầu như loét miệng, khó nuốt, nôn ói,...