Dịch trong cộng đồng cơ bản được kiểm soát

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ quản lý người nhập cảnh trong 1 tuần nữa để nghiệm thu, đưa vào hoạt động bởi nhu cầu đưa đón chuyên gia, người Việt Nam về nước rất lớn

Chiều 8-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), đã chủ trì cuộc họp của ban.

Chuẩn bị giải pháp từ sớm

Tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đến thời điểm này, tình hình cơ bản đã được kiểm soát.

Bộ Y tế nhận định trong những ngày tới, tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới do nhiều trường hợp đã bị phơi nhiễm từ trước, hầu hết đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa, số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng chững lại. Vẫn có thể ghi nhận một số trường hợp mắc đơn lẻ tại một số địa phương khác từ những người nhập cảnh trái phép hoặc từ những trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh tại một số ổ dịch cũ.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (thứ 2 từ trái sang, hàng trước) quan sát qua màn hình tình hình ca bệnh chiến sĩ công an P.C.Đ. (Ảnh của Bệnh viện Chợ Rẫy)

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (thứ 2 từ trái sang, hàng trước) quan sát qua màn hình tình hình ca bệnh chiến sĩ công an P.C.Đ. (Ảnh của Bệnh viện Chợ Rẫy)

Các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh một trong những vấn đề đáng lo nhất hiện nay là dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp (KCN) nhưng không được phát hiện nhanh. Cần tích cực chuẩn bị các giải pháp từ sớm để trong tình huống dịch xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại các KCN, thì tổ chức xét nghiệm ngay từ những ngày đầu. Bộ Y tế phải khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tập huấn cho công nhân, người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để đề phòng trường hợp xấu, cần lấy số lượng mẫu xét nghiệm rất lớn.

Phân loại đối tượng nhập cảnh

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã nghe báo cáo về quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo về chấn chỉnh công tác đưa đón chuyên gia, người Việt Nam từ nước ngoài về thành khâu, quy trình khép kín.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ quản lý người nhập cảnh trong 1 tuần nữa để Bộ Y tế nghiệm thu, đưa vào hoạt động chính thức, bởi nhu cầu đưa đón chuyên gia, người Việt Nam từ nước ngoài về rất lớn. Hệ thống công nghệ này kết hợp với quy trình, quy định đang được Bộ Y tế hoàn thiện, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, sẽ tạo thành chu trình quản lý khép kín từ khi tiếp nhận nhu cầu nhập cảnh của người Việt Nam, người nước ngoài, nhập cảnh Việt Nam, cách ly tập trung, đến hết thời gian theo dõi y tế tại nhà; xây dựng hệ cơ sở dữ liệu tập trung về người nhập cảnh của Ban Chỉ đạo để phục vụ phòng chống dịch.

Dự kiến, các đối tượng nhập cảnh sẽ được phân loại thành nhóm khác nhau, trong đó những người nhập cảnh đã được tiêm vắc-xin Covid-19 sẽ được kiểm tra bằng những xét nghiệm khác nhau để khẳng định việc tiêm vắc-xin đã có tác dụng sẽ được rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống khoảng 1 tuần.

Thêm 174 ca mắc Covid-19

Ngày 8-6, Việt Nam ghi nhận thêm 175 ca mắc mới Covid-19 gồm 4 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 171 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (98),

TP HCM (39), Bắc Ninh (25)...

Trong ngày, có thêm 40 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng số ca điều trị khỏi lên 3.549 ca. Số ca tử vong là 55 ca. Hai ca tử vong mới nhất liên quan Covid-19 công bố ngày 8-6 đều là bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh mạn tính.

Tại TP HCM, hầu hết các ca nhiễm liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ngoài ra có một số trường hợp đang điều tra dịch tễ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết tính từ 18 giờ ngày 7-6 đến 18 giờ ngày 8-6, TP ghi nhận 39 trường hợp nhiễm mới. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, từ ngày 26-5 đến hết 5-6, TP đã lấy 457.342 mẫu xét nghiệm, trong đó 5.855 tiếp xúc gần, 451.487 tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm. Kết quả trong 5.855 mẫu tiếp xúc gần đã có 5.476 mẫu có kết quả âm tính, 379 đang chờ kết quả. Tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm đã có 265.347 mẫu có kết quả âm tính, 186.140 mẫu đang chờ kết quả.

Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng Thiếu tướng Cao Đăng Hưng, Phó Giám đốc Công an TP HCM, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đến động viên đội ngũ y - bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và thăm hỏi tình hình chiến sĩ công an P.C.Đ mắc Covid-19 vừa từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM chuyển sang. Bệnh nhân P.C.Đ nhiễm Covid-19 tính đến nay là ngày thứ 7, đang được hỗ trợ cả về tuần hoàn, về hô hấp và thận.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, sau hơn 1 tuần thực hiện việc cách ly và giãn cách toàn TP, đến thời điểm này về cơ bản kiểm soát được sự lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, số người bị cách ly tại TP đã tăng rất nhiều so với các đợt dịch trước, số ca bệnh nặng cũng nhiều hơn trước. Ông gửi gắm niềm tin và hy vọng đội ngũ y - bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy bằng kinh nghiệm điều trị những ca nặng trước đây có thể giúp bệnh nhân P.C.Đ vượt qua hiểm nghèo.

"Tôi tin tưởng với sự đoàn kết, quyết tâm cao nhất của tất cả các lực lượng, TP sẽ chiến thắng Covid-19" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Thiết lập vùng cách ly y tế toàn bộ TP Hà Tĩnh

Sáng 8-6, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết qua xét nghiệm vừa phát hiện thêm 1 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh. Bệnh nhân là nhân viên làm việc trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh này. Lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời toàn bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và nơi ở của bệnh nhân. Việc điều tra, truy vết các trường hợp có liên quan để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm được tiến hành khẩn trương.

Như vậy, từ ngày 5 đến 8-6, Hà Tĩnh có 10 ca dương tính SARS-CoV-2. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định từ 12 giờ ngày 8-6 thiết lập vùng cách ly y tế toàn bộ TP Hà Tĩnh, gồm 14 xã, phường (trừ xã Thạch Bình) với gần 24.760 hộ gia đình, hơn 100.000 nhân khẩu.

Đ.Ngọc

Tạo mọi điều kiện nhập khẩu vắc-xin

Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết tại Công văn số 4433/BYT-QLD về việc tăng cường tiếp cận vắc-xin Covid-19 mới nhất, một lần nữa Bộ Y tế khuyến khích các địa phương, các tập đoàn, các doanh nghiệp, cá nhân... nếu tiếp cận được vắc-xin Covid-19 thì Bộ Y tế sẵn sàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ về các thủ tục nhập khẩu.

Để tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc nhập khẩu vắc-xin Covid-19 cho nhu cầu cấp bách, Bộ Y tế đề nghị trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất hoặc cung ứng vắc-xin, các đơn vị lưu ý một số nội dung sau: Với các vắc-xin Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp (từ các cơ sở sản xuất: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Johnson & Johnson...), Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vắc-xin Covid-19. Với vắc-xin đã được các quốc gia khác phê duyệt nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc khi nhận được đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vắc-xin Covid-19.

Khi làm thủ tục nhập khẩu vắc-xin vào Việt Nam, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ chất lượng theo quy định (bao gồm: giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất và/hoặc giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý) để Viện Kiểm định quốc gia Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (NICVB) thực hiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xưởng trong vòng 48 giờ theo khuyến cáo của WHO để bảo đảm chất lượng, tránh việc nhập khẩu vắc-xin không rõ nguồn gốc.

Trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức chưa có kinh nghiệm nhập khẩu vắc-xin, đề nghị liên hệ với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu vắc-xin để phối hợp hoặc liên hệ Cục Quản lý dược để được hỗ trợ. Đối với các đơn vị không có khả năng tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế tổ chức tiêm chủng cho người dân.

Cũng theo ông Cường, riêng đối với các địa phương, đơn vị có khả năng nhập khẩu, tiếp cận nguồn cung vắc-xin Covid-19 nêu trên, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định và chỉ đạo tổ chức công tác tiêm chủng bảo đảm tiến độ, an toàn, hiệu quả. "Tuy nhiên, thêm một lần nữa, Bộ Y tế cũng cảnh báo đến các tổ chức, cá nhân cũng như các địa phương về việc tiếp cận nhập khẩu vắc-xin phải bảo đảm đúng xuất xứ, nguồn gốc và phải có hồ sơ chất lượng để tránh bị lừa đảo về vắc-xin" - ông Cường lưu ý.

Đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế chưa nhận được thông tin về bất kỳ đơn hàng nhập khẩu vắc-xin Covid-19 nào của các địa phương, tập đoàn, công ty... gửi về Cục Quản lý dược. Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết ngoài các vắc-xin Covid-19 được phê duyệt khẩn cấp là AstraZeneca, Gamaleya (Sputnik V), Sinopharm, ngày 7-6, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế đã họp và thống nhất thông qua việc đề nghị Bộ Y tế phê duyệt vắc-xin Covid-19 của hãng Pfizer.

Nhóm Phóng viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dich-trong-cong-dong-co-ban-duoc-kiem-soat-20210608231726321.htm