Dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh
Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại Hà Tĩnh đã xuất hiện và bùng phát ở 34 xã ở tám huyện, thành phố, thị xã. Công tác khoanh vùng, khống chế dịch bệnh mặc dù được các địa phương, ngành chuyên môn triển khai nhưng dịch bệnh vẫn đang có chiều hướng phức tạp.
Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại Hà Tĩnh đã xuất hiện và bùng phát ở 34 xã ở tám huyện, thành phố, thị xã. Công tác khoanh vùng, khống chế dịch bệnh mặc dù được các địa phương, ngành chuyên môn triển khai nhưng dịch bệnh vẫn đang có chiều hướng phức tạp.
Ngày 15-12-2020, một dịch bệnh lạ với các triệu chứng với những triệu chứng: sốt cao, chướng bụng, nổi nhiều cục sần trên toàn thân, có những nốt sần lâu ngày bị hoại tử… đã xuất hiện trên 14 con bò của 11 hộ dân ở thôn Đông Thắng, xã Mai Phụ (Lộc Hà).
Theo phản ánh của các hộ chăn nuôi, qua hàng chục năm chăn nuôi trâu bò trên địa bàn nhưng người dân chưa bao giờ thấy đàn gia súc có biểu hiện bệnh như thế nên bà con đã tự điều trị bằng thuốc tím và các loại thuốc trợ sức, trợ lực nhưng tình hình diễn biến ngày càng phức tạp hơn.
Theo kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng 3 (thuộc Cục Thú y), các mẫu bệnh phẩm được lấy trên các con bò của người chăn nuôi ở Mai Phụ mắc bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Từ xã Mai Phụ, đến nay ổ dịch đã xuất hiện tại tám xã ở Lộc Hà với 160 con bị bệnh, trong đó địa phương đã tiến hành tiêu hủy 25 con.
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà Phan Văn Thanh cho biết, trước diễn biến phực tạp của dịch bệnh, địa phương đã kiện toàn ban chỉ đạo chống dịch tại các xã, tổ chức ký cam kết nuôi nhốt tại nhà ở vùng có dịch, thông tin rộng rãi tình hình dịch bệnh với bà con, cử cán bộ theo dõi sát tình hình để có hướng xử lý, khoanh vùng các ổ dịch.
Đồng thời. cấp phát hóa chất, vôi bột, tiến hành tiêm phòng thí điểm vaccine viêm da nổi cục được nhập từ nước ngoài. “Tại các xã đã được tiêm phòng thí điểm tình hình dịch bệnh có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên tại các địa phương khác, dịch bệnh vẫn đang có chiều hướng phức tạp do ý thức phòng, chống dịch bệnh của nhiều hộ chăn nuôi ở một số địa phương vẫn còn rất hạn chế, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông. Ngoài ra, do đây là loại dịch bệnh mới nên vẫn chưa có phác đồ điều trị cụ thể, chi tiết khiến công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn”, ông Phan Văn Thanh cho biết.
Sau Lộc Hà, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lần lượt xuất hiện ở Thạch Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Can Lộc… Thời điểm này, huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa bàn “nóng” của tỉnh về dịch bệnh viêm da nổi cục. Các ổ dịch đang lây lan trên quy mô rộng hơn, số lượng trâu bò nhiễm bệnh tăng liên tục.
Đến nay, dịch đã xuất hiện tại 10 xã, thị trấn gồm: Cẩm Mỹ, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, thị trấn Cẩm Xuyên, Yên Hòa, Cẩm Lộc, Cẩm Vịnh, Nam Phúc Thăng, Cẩm Duệ, Cẩm Quan. Tổng số trâu bò bị bệnh đến thời điểm này là 146 con (chủ yếu là bò), trong đó, có tám con bị chết buộc phải tiêu hủy.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Dương, ngay sau khi xuất hiện ổ dịch, chính quyền xã đã triển khai các biện pháp theo hướng dẫn như thành lập ban chỉ đạo, rà soát lại tổng đàn, phun tiêu độc khử trùng, phân công cán bộ đi kiểm tra tại các thôn có nhiều hộ bị nhiễm bệnh…
Tuy nhiên, vì đây là dịch bệnh lần đầu xuất hiện nên quá trình chỉ đạo còn hạn chế, lúng túng, hơn nữa, xã lại là địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn, đứng tốp đầu của huyện (hơn 3.700 con), mật độ chăn nuôi này. Đặc biệt, thức ăn dự trữ tại xã cạn kiệt do trận lũ lịch sử vào tháng 10-2020 nên việc yêu cầu người dân thực hiện nghiêm nuôi, nhốt vật nuôi ở nhà, nhất là ở các vùng có dịch, càng khó khăn hơn.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, qua theo dõi nhận thấy, diễn biến bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh khá phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh, tỷ lệ chết khá cao (tỷ lệ chết chiếm 7% tổng số gia súc mắc bệnh) và nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan trong thời gian tới là rất cao. Với điều kiện chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi đa số ẩm thấp, khó áp dụng triệt để các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, là điều kiện để virus lưu giữ, phát triển trong môi trường và lây nhiễm nhanh thời gian qua.
Bệnh viêm da nổi cục do virus gây ra, trong khi đó vaccine viêm da nổi cục đang sử dụng ở diện thí điểm, chưa sử dụng tiêm phòng đại trà cho đàn trâu bò trên địa bàn, khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, dịch viêm da nổi cục là bệnh mới, nên việc giám sát, phát hiện của người chăn nuôi, thú y cơ sở còn chậm. Do đó, từ một ổ dịch được phát hiện ban đầu, sau chưa đầy hai tháng, dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã lan rộng ra 91 thôn ở 34 xã, tại tám huyện, thành phố, thị xã, với gần 600 con gia súc mắc bệnh, trong đó đã chết và tiêu hủy 38 con.
Được biết, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp vaccine phòng, chống bệnh viêm da nổi cục để tiêm thử thí điểm cho 5.000 con trâu, bò ở Thạch Hà, Lộc Hà, trang trại bò sữa Vinamilk ở Hương Sơn.
Qua theo dõi, vật nuôi sau khi được tiêm thí điểm vaccine phòng, chống dịch viêm da nổi cục sức khỏe tốt, phát triển ổn định. Vì vậy, việc đánh giá hiệu quả toàn diện của loại vaccine này đang được các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp thực hiện nhằm kịp thời ngăn ngừa dịch, khống chế dịch bệnh một cách toàn diện.
Theo chia sẻ của những người trong cuộc, từ thực tiễn quá trình phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò nói riêng và công tác phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, một số địa phương bố trí cán bộ kiêm nhiệm phụ trách chức danh cán bộ thú y xã nhưng không được đào tạo chuyên môn về chăn nuôi, thú y nên công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở gặp hàng loạt khó khăn, bất cập.