Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: Cập nhật tình hình sáng 5/11

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Buenos Aires, Argentina. Ảnh: AFP/TTXVN

* Phát hiện tác dụng của thuốc ức chế beta trong điều trị bệnh COVID-19

Theo trang thống kê worldometers, tính đến 8 giờ sáng 5/11 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 48.411.304 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.230.099 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 34.656.709 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 239.819 ca tử vong trong tổng số 9.798.764 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 124.354 ca tử vong trong số 8.363.412 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 161.170 ca tử vong trong số 5.590.941 bệnh nhân.

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (14.038.311 ca), trong đó Ấn Độ đứng đầu. Với gần 11.670.000 ca, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Âu với 10.985.454 ca và Nam Mỹ với 9.816.234 ca. Châu Phi (hơn 1,8 triệu ca) và châu Đại Dương (hơn 39.000 ca) là hai khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Hiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại châu Âu, trong đó các nước như Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Anh đều ghi nhận trên 1 triệu ca nhiễm.

Nhiều nước vẫn đang tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Ngày 4/11, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này sẽ đóng cửa hầu hết các cửa hàng tại những trung tâm mua sắm, cũng như các nhà hát, rạp chiếu phim và bảo tàng, nhằm kiềm chế dịch bệnh. Người đứng đầu Chính phủ Ba Lan đưa ra tuyên bố trên sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới theo ngày ở mức cao kỷ lục, lần lượt là 24.692 ca và 373 ca.

Trong khi đó, Hungary đang đứng trước nguy cơ các bệnh viện ở nước này rơi vào tình trạng thiếu giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 vào giữa tháng 12 tới nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan tồi tệ. Ngày 4/11, Hungary ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày ở mức cao kỷ lục với lần lượt 4.219 ca và 90 ca. Hungary đã đóng cửa các quán bar và trung tâm giải trí, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ nửa đêm 3/11 nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của đại dịch.

Tại Litva, chính phủ nước này ngày 4/11 đã ra lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần, bắt đầu từ ngày 7/11 tới, nhằm giảm tốc độ lây lan của đại dịch. Chính phủ Litva đưa ra tuyên bố trên sau khi chứng kiến sự tăng vọt các ca nhiễm mới trong những ngày gần đây. Riêng ngày 4/11, Litva ghi nhận 639 ca nhiễm mới, gấp 3 lần số ca thông báo ngày 20/10 (205 ca). Hiện Litva có tổng số 18.092 ca nhiễm, trong đó 182 ca tử vong.

Do dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã ban hành các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch bệnh. Sau cuộc họp nội các, Tổng thống Erdogan tuyên bố các cơ sở kinh doanh như nhà hàng và quán cà phê trên cả nước sẽ phải đóng cửa từ 22 ngày 4/11 (giờ địa phương).

Trong khi đó, Thủ hiến bang Bayern, miền Nam nước Đức Markus Söder ngày 4/11 đã có cuộc thảo luận trực tuyến với Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babiš, trong đó hai nhà lãnh đạo cùng nhất trí tiếp tục duy trì mở cửa biên giới ngay cả khi số ca mắc COVID-19 ở hai quốc gia này tăng cao.

Giữa tháng 3 vừa qua, biên giới giữa Đức và Cộng hòa Czech đã bị phong tỏa sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, Cộng hòa Czech là một trong những nước đầu tiên vào tháng 6 mở lại biên giới với các nước láng giềng, trong đó có Áo và Hungary.

Cộng hòa Czech, giáp biên giới với bang Bayern và bang Sachsen, miền Đông nước Đức, là một trong nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 ở châu Âu. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy trong 24 giờ qua, Czech ghi nhận 12.089 ca nhiễm mới, trong khi số ca nhiễm mới ở bang Bayern của Đức là 2.845 trường hợp.

Tại Nga, từ ngày 30/10 đến 3/11 đã ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày dao động ở mức 18.000 trường hợp (từ 18.140 đến 18.665). Trong ngày 4/11, số ca mắc mới COVID-19 ở mức kỷ lục với 19.768 trường hợp trên toàn LB Nga. Trước đó, đã có thông tin phát hiện đột biến nguy hiểm ở virus SARS-CoV-2.

Phó Giám đốc phụ trách công tác khoa học của Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương trực thuộc Cục bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người LB Nga, ông Alexander Gorelov dự báo số trường hợp nhiễm mới hằng ngày ở nước này có thể sẽ giảm vào mùa Xuân năm 2021, như mức của mùa Hè năm nay.

Tại Trung Đông, số ca mắc COVID-19 tại Iran, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, đã tăng lên 646.164 ca, với 8.452 ca mắc mới. Hiện số ca tử vong tại Iran là 36,579 ca, tăng 419 ca trong 24 giờ qua. Trong khi đó, Maroc ghi nhận thêm 5.745 ca mắc, mức tăng một ngày cao nhất, nâng tổng số ca mắc lên 235.310 ca, trong đó có 3.982 ca tử vong.

* Các nhà nghiên cứu Úc phát hiện thuốc ức chế beta (beta-blocker) có tác dụng trong điều trị ung thư cũng có thể sử dụng điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Tân Hoa xã, trong nghiên cứu được công bố mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Úc (UniSA) cùng các cộng sự tại TP Naples (Ý) đã phát hiện bằng chứng ở động vật về việc loại thuốc ức chế beta Propranolol có thể giúp kìm hãm tế bào ung thư lan trong phổi có cơ chế viêm nhiễm rất giống bệnh COVID-19.

Nhà nghiên cứu về ung thư tại UniSA Nirmal Robinson cho biết các cuộc thử nghiệm lâm sàng gần đây đã chứng minh hiệu quả của Propranolol trong điều trị ung thư. Ông Robinson kêu gọi tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng khác để nghiên cứu sâu về hiệu quả của thuốc này trong điều trị bệnh COVID-19.

Theo nhà nghiên cứu Robinson, các bệnh nhân mắc COVID-19 có nhiều biến chứng, trong đó có tình trạng viêm, do virus SARS-CoV-2 phá vỡ hệ miễn dịch của cơ thể.

Thuốc ức chế beta-2 có thể giảm tình trạng viêm và giúp cân bằng hệ miễn dịch. Theo đó, cần nghiên cứu sâu hơn về chuỗi phản ứng beta-2-adrenergic theo hướng nhằm giảm bớt các triệu chứng viêm liên quan tới bệnh COVID-19.

Bước tiếp theo là tiến hành các thử nghiệm lâm sàng nhằm tìm kiếm liệu pháp điều trị COVID-19 trên cơ sở những kinh nghiệm từ điều trị ung thư. Theo giới nghiên cứu, Propranolol thường được sử dụng điều trị các bệnh lý tim, điều trị chứng lo âu và chứng đau nửa đầu.

Các loại thuốc ức chế beta, trong đó có Propranolol, hoạt động theo cơ chế tạm ngăn chặn hoặc giảm những phản ứng tâm lý tự nhiên của cơ thể, theo đó giảm sức ép đối với tim và các mạch máu não.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/248494/dich-viem-duong-ho-hap-cap-covid-19--cap-nhat-tinh-hinh-sang-5-11.html