Dịch viêm phổi cấp Covid-19, nhìn từ góc độ an ninh sinh học

Những năm gần đây, dịch bệnh ngày càng trở thành mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia và mang tính toàn cầu, đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu về an toàn, an ninh sinh học và bảo đảm an ninh sinh học của các quốc gia.

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn cầu hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề đối với quốc phòng, an ninh (QPAN), trong đó có an ninh sinh học của các quốc gia trên thế giới. Theo các chuyên gia, trong xã hội hiện đại, an ninh sinh học đã và đang có nhiều biến đổi, chịu tác động của nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan. Các yếu tố khách quan bao gồm: Toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN), kinh tế sinh học, biến đổi khí hậu (BĐKH) và yếu tố chủ quan là con người.

Ngày nay, toàn cầu hóa là xu thế khách quan, là thực tế không thể đảo ngược, xuất phát từ nhu cầu liên kết của các quốc gia, sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự phát triển của KH&CN và tác động của các vấn đề toàn cầu. Toàn cầu hóa đã thúc đẩy các hoạt động trao đổi thương mại, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc, làm cho các quốc gia, dân tộc gần nhau hơn, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, một trong những rủi ro đó là sự lây lan nhanh của dịch bệnh thông qua những hoạt động giao lưu của con người.

 Cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Hóa học phun tiêu độc, tẩy trùng Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh NGUYỄN MINH.

Cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Hóa học phun tiêu độc, tẩy trùng Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh NGUYỄN MINH.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên 3 lĩnh vực chủ yếu: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý đang và sẽ tạo ra bước phát triển đột phá hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với đó là sự bùng nổ của kinh tế sinh học trên toàn cầu. KH&CN ngày càng phát triển thì kinh tế sinh học ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, kinh tế sinh học cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và đặt ra nhiều vấn đề về bảo đảm an ninh sinh học.

BĐKH cũng liên quan trực tiếp và gián tiếp đến an ninh sinh học. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): BĐKH và sự phát sinh, phát triển dịch bệnh là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế. Sau thiên tai, môi trường thường bị xáo trộn, nguồn nước bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây bùng phát các dịch bệnh. Bên cạnh đó, yếu tố chủ quan tác động đến an toàn và an ninh sinh học liên quan đến con người bao gồm: Sự cố kỹ thuật và việc tuân thủ quy tắc an toàn sinh học trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất. Những sự cố mất an toàn sinh học xảy ra trên thế giới gần đây cho thấy mức độ nguy hiểm của việc lạm dụng hoặc để lọt các tác nhân và độc tố vi sinh vật ra môi trường, gây hại cho sức khỏe cộng đồng.

Những yếu tố trên đặt ra nhiều vấn đề đối với an toàn sinh học và bảo đảm an ninh sinh học của một quốc gia, nhất là khi dịch bệnh xảy ra trên quy mô toàn cầu. Cho đến nay, rất khó có thể định tính hóa và định lượng hóa được đầy đủ tác động và hậu quả do dịch viêm phổi cấp Covid-19 gây ra đối với các nước và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng trực tiếp nói chung và Việt Nam nói riêng, bởi đại dịch mới này chưa bị kiềm chế, chưa nói đến đã hoàn toàn ở trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, qua quá trình diễn biến của dịch bệnh, có thể nhận thấy những tác động của nó đối với kinh tế, chính trị, QPAN… Dưới góc độ an ninh sinh học, bước đầu có thể đưa ra một số vấn đề sau:

Một là, phải luôn coi phòng, chống dịch bệnh là một nhiệm vụ quan trọng của quốc phòng, an ninh

Trong những thập kỷ gần đây, trên thế giới thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc đã lây lan sang hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và đời sống xã hội trên toàn thế giới. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, chịu tác động lớn của BĐKH toàn cầu tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, hàng năm thường xuyên phải đối phó với nhiều loại dịch bệnh. Mặt khác quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các dịch bệnh gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Dự báo trong thời gian tới, do tác động của BĐKH, sự gia tăng của các hoạt động giao lưu trong xã hội toàn cầu hóa… dịch bệnh sẽ tiếp tục xảy ra ở nước ta với quy mô ngày càng lớn hơn, tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và con người. Do đó, việc xác định công tác bảo đảm an ninh sinh học, trong đó phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm là một nhiệm vụ quan trọng của QPAN đất nước, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.

Hai là, làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh trong thời bình

Khả năng ứng phó với dịch bệnh không chỉ thể hiện qua việc xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra mà phải mang tính chiến lược lâu dài. Để tăng cường khả năng ứng phó với dịch bệnh, cần tiến hành rà soát hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành, đánh giá mức độ quan tâm đến yếu tố dịch bệnh trong các văn bản pháp luật và chính sách của Nhà nước, từ đó xác định những văn bản cần ban hành, cần sửa đổi bổ sung và những nội dung cần thiết để nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp. Xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với dịch bệnh và các cơ chế chính sách khác có liên quan; bảo đảm các cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động, chú trọng các định chế tích hợp yếu tố dịch bệnh vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển ngành và địa phương. Xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó với dịch bệnh ở nhiều quy mô và cấp độ khác nhau; chuẩn bị sẵn các nguồn lực (nhân lực, tài chính, vật tư y tế…), cơ sở cách ly, điều trị… Thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, kỹ năng thực hành, khả năng phối hợp của các lực lượng phòng chống dịch.

Ba là, làm tốt công tác xử lý dịch bệnh

Khi dịch bệnh xảy ra, các bộ, ngành và địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan rộng và tiến tới dập dịch thành công; thay vì "ứng phó" với dịch bệnh, chúng ta sẽ "ngăn chặn" trước dịch bệnh. Như vậy, ứng phó với dịch bệnh không còn chỉ là sự đối phó khi dịch bệnh xảy ra và khắc phục hậu quả của nó, mà là làm trước mọi công việc chuẩn bị để nó không gây thiệt hại lớn.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao hiểu biết, ổn định tâm lý của người dân; đấu tranh quyết liệt với những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác, nhất là trên môi trường mạng, để củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng lòng, tham gia phòng, chống, kiểm soát thành công dịch bệnh. Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ": Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh

Do dịch bệnh là mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia nên việc tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Trong hợp tác phòng, chống dịch bệnh, các nước cần minh bạch thông tin bệnh dịch và mẫu bệnh phẩm về dịch bệnh, chia sẻ các hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cũng như trợ giúp về nhân lực, vật chất, thuốc men điều trị. Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ mạng lưới giám sát an ninh sinh học liên kết toàn cầu, hệ thống thông tin sinh học kết nối với các trung tâm phát hiện bệnh tật của các khu vực. Quân đội các nước cần triển khai các biện pháp hợp tác cụ thể theo Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng trong ứng phó với dịch Covid-19 của Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN năm 2020.

Đối với Việt Nam, từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến an toàn sinh học. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã được Quốc hội nước ta thông qua ngày 21-11-2007, có hiệu lực từ ngày 1-7-2008, có các điều khoản quy định về bảo đảm an toàn sinh học. Ở các tỉnh, thành phố đều có trung tâm kiểm soát bệnh tật. Hiện nay, nước ta có 4 phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III và khoảng 2.700 phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp I, II. Vì vậy, các cơ quan quản lý và các cơ sở xét nghiệm cần tiếp tục duy trì, giám sát các hoạt động bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm, phục vụ tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong tương lai.

Thiếu tướng HÀ VĂN CỬ (Tư lệnh Binh chủng Hóa học)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dich-viem-phoi-cap-covid-19-nhin-tu-goc-do-an-ninh-sinh-hoc-617090