Dịch viêm phổi cấp do virus corona ở Trung Quốc: WHO và dư luận quốc tế nghi ngờ về hiệu quả của việc phong tỏa Vũ Hán
Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng loại mới gay ra tiếp tục lan rộng. Tính đến 18 giờ chiều ngày 23/1 đã có 633 người ở 25 tỉnh, thành, khu tự trị bị mắc bệnh, 17 người đã chết, 95 người rất nặng. Thành phố Vũ Hán – trung tâm ổ dịch tuyên bố 'đóng cửa' liệu có tác dụng kiềm chế hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh? Ngày 23/1, ông Gauden Galea, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc, nói tại Bắc Kinh rằng hiện rất khó để nói liệu lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán của chính phủ Trung Quốc có hiệu quả hay không.
Vũ Hán bị phong tỏa
Vào lúc 2 giờ sáng ngày 23/1, Bộ chỉ huy phòng chống dịch bệnh viêm phổi do nhiễm virus corona mới của thành phố Vũ Hán đã đưa ra thông báo tuyên bố đình chỉ hoạt động các phương tiện giao thông công cộng của thành phố và đóng cửa các sảnh khởi hành của sân bay và nhà ga xe lửa.
Thông báo viết: “Kể từ 10 giờ sáng ngày 23/1/2020, các hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, tàu điện ngầm, tàu phà và xe khách đường dài của thành phố tạm đình chỉ; cư dân không nên rời khỏi Vũ Hán nếu không có lý do đặc biệt; các sảnh khởi hành của sân bay, ga xe lửa tạm thời đóng cửa; thời gian khôi phục sẽ thông báo sau”.
Trạm thu phí cửa vào đường cao tốc ở Vũ Hán bị đóng lại từ 10 giờ sáng 23/1 (Ảnh: Đa Chiều)
Vào lúc 14h00 ngày 23/1, theo tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), các cửa vào của các ga Củng Gia Lĩnh, Tiểu Quân Sơn, Hán Nam, Bắc Hồ, Hoa Sơn, Bách Tuyền, Thanh Long và Tây Hồ trong toàn tỉnh Hồ Bắc đã đóng chặt. Các trạm thu phí lối vào cao tốc Bắc Kinh - Hồng Kông - Ma Cao ở Vũ Hán đã đóng cửa. Các lối ra đường cao tốc khác từ Vũ Hán cũng đã bị đóng lại.
Hãng truyền thông BBC của Anh, đưa tin, quyết định do chính quyền thành phố Vũ Hán đưa ra không trực tiếp dùng từ “phong thành” (đóng cửa, phong tỏa thành phố), và cũng không cho biết liệu các công dân địa phương có thể rời khỏi Vũ Hán bằng xe hơi tư nhân hay không, v.v. nhưng đông đảo cư dân mạng đã nhanh chóng giải thích đó là lệnh “đóng cửa thành phố”.
Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, viết trên Twitter rằng: để ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm phổi do virus mới, “thành phố tỉnh lỵ của Trung Quốc đã đóng cửa các tuyến giao thông ra bên ngoài, đây là điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1949; ngay trong dịch SARS năm 2003 cũng không thực hiện như thế”. Tuy nhiên, ông cho rằng đây là bước đi bắt buộc vì “virus đang lây lan nhanh chóng”.
Tuyến tàu điện ngầm ở Vũ Hán ngừng hoạt động từ 10 giờ sáng 23/1 (Ảnh: Đa Chiều)
Liệu có hiệu quả hay không?
Vũ Hán “đóng cửa thành phố” liệu có tác dụng kiềm chế hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh? Theo báo cáo của AP ngày 23/1, ông Gauden Galea, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc, nói với hãng tin AP ở Bắc Kinh cùng ngày “hiện rất khó nói liệu lệnh đóng cửa thành phố của chính phủ Trung Quốc có hiệu quả hay không”.
Ông Galea nói: “Theo như tôi biết, từ góc độ khoa học, cố gắng phong tỏa một thành phố 11 triệu dân là một điều mới mẻ. Biện pháp y tế công cộng như vậy chưa từng được thử áp dụng trước đây. Lúc này chúng tôi không thể nói biện pháp này có hiệu quả hay không”.
Galea cũng nói, ông sẽ không ngạc nhiên nếu có hàng ngàn trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, nhưng miễn là số ca tử vong tiếp tục thấp, thì bản thân số ca bệnh được xác nhận cũng không cho thấy sự bùng phát nghiêm trọng của dịch bệnh.
Ông Gauden Galea, đại diện WHO tại Trung Quốc: hiện rất khó nói liệu lệnh đóng cửa thành phố Vũ Hán của chính phủ Trung Quốc có hiệu quả hay không (Ảnh: Yahoo News)
Các chuyên gia y tế sửng sốt
The New York Times của Mỹ ngày 23 đưa tin việc áp dụng biện pháp cực đoan để phòng dịch không phải là không có tiền lệ. Trong vụ dịch Ebola năm 2014 ở Tây Phi, Cộng hòa Sierra Leone đã ra lệnh cho mọi người dân nước này phải ở nhà trong ba ngày và chính quyền đã tới từng nhà kiểm tra các trường hợp nhiễm dịch mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn kinh ngạc trước quy mô của việc phong tỏa Vũ Hán, vì dân số của Vũ Hán vượt quá dân số cả nước Sierra Leone.
Tiến sĩ Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Đại học Johns Hopkins (Johns Hopkins Center for Health Security) nói, thành phố Vũ Hán siêu lớn “xưa nay luôn có hàng ngàn mối liên hệ với thế giới bên ngoài, giao thông liên tục mang lại thực phẩm và thuốc men”, “tính phức tạp và cái giá phải trả khi làm như vậy có thể rất cao”.
Theo báo cáo, trong thời gian ngắn, những biện pháp hạn chế đột ngột này có thể phá vỡ kế hoạch đi lại của hàng triệu người dân Trung Quốc.
Financial Times của Anh viết, các nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa mạng lưới giao thông ở Vũ Hán, nơi là trung tâm của một đợt bùng phát virus chết người tương tự như SARS. Hành động này là một phần trong nỗ lực ngăn chặn căn bệnh chết người này lây lan. Hiện tại, hơn 100 triệu người Trung Quốc đang chuẩn bị hoặc đã trở về nhà để đón Tết.
Sẽ rất khó khăn trong việc ngăn chặn dịch bệnh trong bối cảnh hàng trăm triệu người Trung Quốc di chuyển trong dịp Tết (Ảnh: Đa Chiều)
WHO trì hoãn quyết định
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Geneva vào ngày 22/1 về việc có nên công bố dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán như là một “trường hợp khẩn cấp y tế công cộng quốc tế” hay không. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo sau hội nghị rằng, cần thu thập thêm thông tin để đưa ra quyết định và sẽ tiếp tục họp thảo luận vào ngày thứ Năm (23/1).
Sự định tính này sẽ giúp huy động các nguồn lực để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sau nhiều giờ tranh luận, Ủy ban Khẩn cấp vẫn có các ý kiến khác nhau về việc có nên đưa ra quyết định trên hay không.
Ông nói: “Rõ ràng là chúng ta cần thêm nhiều thông tin hơn để tiến hành thêm các biện pháp”.
Ông nói, một nhóm chuyên gia của WHO đang ở Trung Quốc cố gắng làm rõ một số vấn đề quan trọng, chẳng hạn như virus truyền bá mạnh như thế nào và đang sử dụng các biện pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh.