Dịch viêm phổi Vũ Hán giáng 'đòn' vào lĩnh vực sản xuất toàn cầu
Chuyên gia kinh tế Daryl Liew của REYL tại Singapore cho rằng tình hình sản xuất của thế giới có thể bị gián đoạn nguồn cung vì Trung Quốc thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát của virus corona.
Khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa hơn 10 TP ở tỉnh Hồ Bắc, khiến mạng lưới giao thông đình trệ.
Chính phủ Trung Quốc cũng quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết đến ngày 3/2, hoãn bắt đầu học kỳ ở các trường trên toàn quốc và tất cả các trận bóng đá để ngăn dịch lây lan, trong nỗ lực ngăn virus lây lan. Các TP lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải trở nên vắng lặng khi hàng triệu người được khuyến cáo ở trong nhà, tránh ra ngoài khi không cần thiết và đeo khẩu trang.
Chính phủ Trung Quốc hôm 30/1 cho biết có thêm 38 trường hợp tử vong vì dịch viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra chỉ trong vòng 24 giờ, nâng tổng số người chết lên 170. Đây là số người tử vong trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh được phát hiện giữa tháng 12/2019. Trong số những người mới tử vong, chỉ có một người là cư dân ngoài tỉnh Hồ Bắc, nơi có thủ phủ Vũ Hán là điểm bùng phát dịch.
Nhằm hạn chế sự lây lan của virus chết người này, giới chức Trung Quốc yêu cầu các DN tại 3 tỉnh, trừ một số ngành công nghiệp thiết yếu, tiếp tục ngừng hoạt động đến ngày 10/2.
Trong khi đó, các DN tại tỉnh Hồ Bắc phải tạm dừng hoạt động sản xuất ít nhất đến ngày 14/2 tới. “Tình hình sản xuất toàn cầu có thể rơi vào tình trạng gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát của virus corona” - chuyên gia kinh tế Daryl Liew của REYL tại Singapore nhận định.
Chuyên gia Liew nói với hãng tin CNBC rằng việc chính phủ Trung Quốc tiếp tục kéo dài kỳ Tết chắc chắn sẽ gây ra một số sự gián đoạn nguồn cung.
“Câu hỏi đang được đặt ra đó là sự gián đoạn nguồn cung đối với lĩnh vực sản xuất sẽ kéo dài bao lâu. Chắc chắn câu trả lời còn phụ thuộc vào khả năng liệu dịch bệnh viêm phổi do virus corona có được kiểm soát hoàn toàn hay không?” ông Liew nói thêm.
Trong khi đó, theo Jake Parker - Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung, các công ty toàn cầu đang đối mặt với sự gián đoạn ở mức độ khác nhau, bao gồm những vấn đề về chuỗi cung ứng, tạm thời đóng cửa một số cửa hàng bán lẻ và nhà máy, cũng như nhiều thách thức khác.
Toyota, IKEA, Starbucks, Tesla, McDonald's và ông lớn công nghệ Foxconn nằm trong số những tập đoàn tạm ngừng hoạt động sản xuất và đóng cửa đồng loạt các cửa hàng ở Trung Quốc.
Trung Quốc đã trở thành một phần thiết yếu của "cỗ máy" công nghiệp toàn cầu hiện đại. Chỉ riêng nước này đã chiếm tới 1/6 sản lượng kinh tế thế giới và họ cũng là nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Ông Parker nói thêm rằng nếu kỳ nghỉ kéo dài hơn hoặc các biện pháp kiểm dịch và hạn chế đi lại mở rộng, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo số liệu mới nhất, số người thiệt mạng do dịch viêm phổi Vũ Hán tính đến sáng ngày 31/1 đã tăng lên 213, với hơn 9.000 người nhiễm bệnh.
Sự bùng phát dịch bệnh viêm phổi do virus corona đã gây ra những cơn “địa chấn” trên khắp các thị trường ở châu Á trong những ngày gần đây, khi các nhà đầu tư gia tăng lo ngại về rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế.
Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 30/1 trước những lo ngại rằng đại dịch ở Trung Quốc, nơi được mệnh danh là "công xưởng thế giới", sẽ gây ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng và lợi nhuận toàn cầu.
“Chúng tôi lo ngại rằng có thể xuất hiện một số tác động tổng thể đến nền kinh tế Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu”, ông Jason Shannon Saccocia, giám đốc đầu tư tại Boston Private nói với CNBC hôm 30/1.
Theo chuyên gia Saccocia, điều này cũng ảnh hưởng đến hiệu suất của các DN Mỹ trong bối cảnh tăng trưởng GDP của nền kinh tế số một thế giới chỉ đạt mức 2,3% trong năm 2019, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 3% do Nhà Trắng đặt ra.
Cũng có nhận định tương tự, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho hay virus corona đã tạo ra một mối đe dọa mới với nền kinh tế thế giới. "Rõ ràng sẽ có những tác động, ít nhất là trong tương lai gần, đối với sản lượng ở Trung Quốc và tôi đoán sẽ tác động đến cả một số nước láng giềng gần với họ", Chủ tịch Powell nhận xét.