Dịch vụ cho thuê phòng giá rẻ tránh chạm mặt bạn đời 24/7
Nhiều cặp vợ chồng tại Nhật Bản đã gặp khó khăn khi đối phó với việc cách ly xã hội do đại dịch Covid-19 buộc họ phải ở bên nhau 24/7 dưới cùng một mái nhà.
Theo anh Keisuke Arai, từ khi phải làm việc tại nhà bởi lệnh phong tỏa, anh và vợ chưa cưới liên tục cãi vã. Trường hợp của Arai không phải là duy nhất ở đất nước mặt trời mọc.
Arai là nhân viên của công ty dịch vụ du lịch Kasoku, có trụ sở tại Tokyo. Họ đang bắt đầu quảng cáo hàng trăm dịch vụ cho thuê địa điểm nghỉ dưỡng khép kín dành cho các cặp đôi đang căng thẳng vì phải chạm mặt nhau quá thường xuyên.
Quyết định này được công ty đưa ra sau khi hashtag #coronadivorce (tạm dịch: ly dị mùa corona) trở nên phổ biến trên mạng xã hội.
"Chúng tôi muốn ngăn mọi người ly dị. Ý tưởng đằng sau các kỳ nghỉ này là để các cặp vợ chồng đổi mới không gian để suy nghĩ thông suốt về mối quan hệ của họ", Arai cho biết.
Cuộc sống bị đảo lộn
Những năm 1970 – 1980, nam công nhân viên chức là nguồn lực đã cống hiến rất nhiều giờ làm việc ở công sở để tăng thúc đẩy sự bùng nổ của kinh tế Nhật Bản.
Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều người đàn ông Nhật dành thời gian cho gia đình mình.
Một bộ phận nhỏ đàn ông nước này vẫn dành nhiều giờ tăng ca ở văn phòng. Theo Jeff Kingston, một chuyên gia Nhật Bản tại Đại học Temple ở Tokyo, lý do cho hiện tượng này là họ muốn tránh về nhà chứ không phải bị bắt ép.
“Tôi nghĩ một số đàn ông Nhật Bản cố tình lảng tránh các công việc gia đình hoặc tránh tiếp xúc với con cái khi chúng đang ở giai đoạn mới lớn”, Kingstone lý giải.
Mặc dù vậy, đại dịch đã thay đổi lối sống này.
Chie Goto, một luật sư ly hôn tại Văn phòng Luật sư Felice ở quận Hyogo, cho biết một số phụ nữ đặc biệt dễ trở thành nạn nhân trong các vụ bạo hành gia đình khi ở nhà 24/7 trong thời gian cách ly xã hội,
Kasoku muốn mở ra một lối thoát cho những người như vậy. Dịch vụ của họ giúp cho những người đã, đang hoặc có nguy cơ là nạn nhân của bạo hành gia đình tìm một nơi trú ẩn phù hợp với túi tiền.
Cụ thể, công ty này cung cấp 500 phòng được trang bị đầy đủ nội thất trong các khách sạn và nhà trọ trên khắp Nhật Bản.
Khách có thể ở lại từ một ngày đến sáu tháng. Một phòng đơn có giá chỉ hơn 37 USD mỗi ngày và 844 USD mỗi tháng.
Từ khi mở bán, Kasoku đã nhận được hơn 140 yêu cầu tư vấn với số lượng áp đảo là khách hàng nữ ở độ tuổi 30 – 40.
Họ đều có chung nhu cầu là tìm một nơi yên tĩnh để làm việc và tạm rời xa chồng mình. Trong đó, 37 đơn đặt phòng đã được xác nhận.
Trút giận lên MXH
Theo một khảo sát được OECD công bố năm 2017, tỷ lệ ly hôn của Nhật Bản ở mức xấp xỉ 2/1.000 người mỗi năm, so với 3/1.000 người ở Mỹ và 4,5/1.000 người ở Nga.
Đến nay, Nhật Bản không có sự đột biến trong số vụ ly dị, nhưng tình trạng căng thẳng giữa các cặp vợ chồng đang được thể hiện rất rõ rệt trên mạng xã hội.
Theo Goto, lý do thường là vì những phản ứng khác nhau trước nghịch cảnh.
Đại dịch khiến cho mọi người nhận ra sự mâu thuẫn trong quan điểm sống (cụ thể là về Covid-19) so với người bạn đời của mình. Đôi khi sự khác biệt ấy gia tăng đến mức tạm thời không muốn nhìn mặt nhau.
"Tôi có nhắc nhở chồng bao nhiêu lần đi chăng nữa, anh ấy cũng không buồn đeo găng tay, khẩu trang hoặc kính bảo hộ khi đến bệnh viện. Mặc dù trước đó, tôi đã cảnh báo chồng về vài ổ dịch đang hình thành trong bệnh viện”, một người dùng Twitter bức xúc.
Một người khác tỏ ra thất vọng vì chồng cô vẫn vùi đầu vào công việc kể cả khi ở nhà cả ngày.
“Công việc rất quan trọng, nhưng nếu đang làm tại nhà thì anh ấy nên linh hoạt hơn chứ. Anh ấy không phải là bố của con chúng tôi hay sao? Hay anh ấy nghĩ vợ mình kiêm cả vị trí người giúp việc?!”, cư dân mạng chia sẻ.
Biện pháp tránh xung đột
Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện để thuê một “nơi trú ẩn”, tạm thời tránh mặt bạn đời của mình.
Vì thế, để tránh xung đột, Goto khuyên các cặp vợ chồng nên tổ chức "các cuộc họp đối phó corona" và thảo luận về cách họ làm quen với những điều “bình thường mới” cùng nhau.
“Thiết lập các quy tắc như cách vứt bỏ khẩu trang đúng cách, rửa tay ngay sau khi về nhà và ai sẽ nấu bữa ăn nào,… là một ý tưởng hay”, cô nói thêm.
Michael Nevans, giám đốc trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Tokyo nói: "Khi chúng ta không thể rời xa ai đó, chúng ta phải tự điều chỉnh nhận thức để hòa hợp với nhau".
Ông còn khuyến khích các cặp vợ chồng cứ làm việc của mình và chỉ bắt đầu giao tiếp với nhau vào cuối ngày như khi đi làm bên ngoài trước đây để tạo cảm giác thoải mái hơn.
Cơ hội để hàn gắn
Arai hy vọng dịch vụ mà công ty anh cung cấp chỉ mang tính tạm thời, thay vì trở thành một giải pháp lâu dài.
Nhưng trong trường hợp tệ nhất, Kasoku cũng hỗ trợ khách hàng một gói tư vấn ly hôn, nếu các cặp vợ chồng cảm thấy họ không thể cứu vãn.
Đối với một số người, cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra thậm chí lại là cơ hội để tăng cường mối quan hệ.
Trước đây, mọi người có thể có quá nhiều thời gian dành cho công việc và học tập đến mức họ không chia sẻ những giây phút như một gia đình. Đợt phong tỏa có thể đã giúp họ vun đắp tình cảm gia đình.
Giữa cuộc bàn luận về việc chia tay, nhiều người dùng Twitter cũng chia sẻ những suy nghĩ lạc quan về hashtag #coronadivorce.
Họ đăng tải hình ảnh các bữa ăn mà hai vợ chồng đã nấu cùng nhau hoặc bình luận “thích dành nhiều thời gian bên nhau hơn”.
Một vài người thậm chí còn dự đoán hashtag phổ biến tiếp theo: "#Coronadivorce đã trở thành một từ thông dụng trên thế giới bởi nhiều người đang cảm thấy tiêu cực vào lúc này. Nhưng tôi khá chắc chắn rằng khi đại dịch kết thúc, #coronamarriage (tạm dịch: đám cưới thời corona) sẽ dẫn đầu xu hướng”.