Dịch vụ du lịch Khởi động phố đi bộ và các dịch vụ du lịch đêm
Khởi động phố đi bộ
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nhà hàng Hoa Viên, số 4A Võ Thị Sáu, TP. Huế rất đông khách. Tuy nhiên, thời gian xảy ra dịch, khách du lịch ít đến Huế cùng với sự vắng vẻ của khu phố nên chủ nhân của nhà hàng phải đóng cửa, tạm nghỉ kinh doanh. Đầu tháng 4/2022, nhà hàng được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Cửu Toàn và hiện đang được đầu tư nâng cấp, sửa sang để phục vụ khách.
Theo ông Nguyễn Cửu Toàn, với kinh phí chuyển nhượng hơn 40 tỷ đồng, hiện cơ sở đang tiếp tục đầu tư thêm kinh phí để tân trang toàn bộ nhà hàng, thay đổi thực đơn, bổ sung các loại đồ uống nhằm tạo sự tươi mới để thu hút khách. Dự kiến, khoảng cuối tháng 5/2022, nhà hàng sẽ khai trương và đánh dấu sự trở lại hoàn toàn mới, để du khách cảm nhận được sự sôi động, ấm áp của một nhà hàng nằm trong tuyến phố đắc địa của Huế, góp phần tạo thêm một địa điểm ẩm thực, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách.
“Phố đi bộ mở cửa trở lại, các hoạt động vui chơi giải trí về đêm được tổ chức đã đưa du khách đến với các cửa hàng kinh doanh áo quần, ẩm thực, tạo động lực để các cơ sở đầu tư nâng cấp hạ tầng, đầu tư thêm sản phẩm mới. Sau 2 năm, giờ đây không khí ở Phố đi bộ mới thực sự náo nhiệt và hút khách”, chị Hàn Chi, kinh doanh hàng lưu niệm ở đường Phạm Ngũ Lão nói.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP. Huế, UBND phường Phú Hội đã kiện toàn lại bộ máy Ban quản lý Phố đi bộ với số lượng 6 người, liên kết với các đoàn nghệ thuật để tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật vào 3 tối cuối tuần. Đồng thời, tổ chức làm việc với 50 cơ sở đang sử dụng vỉa hè để kinh doanh và lên kế hoạch phát triển thêm các dịch vụ nhằm đa dạng hóa dịch vụ vui chơi giải trí vào các tối cuối tuần.
Phát triển du lịch đêm
Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế, ông Đồng Sĩ Toàn cho rằng, ngoài việc đưa vào hoạt động Phố đêm Hoàng thành, khởi động lại Phố đi bộ với nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ hấp dẫn, trong tháng 6/2022, thành phố tiếp tục đưa vào hoạt động Phố đi bộ Hai Bà Trưng, đoạn từ nút giao Đống Đa đến bồn hoa đường Ngô Quyền nhằm nâng cao các hoạt động thương mại dịch vụ sẵn có. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để đưa tuyến đường này trở thành tuyến phố đặc trưng riêng có của Huế, tạo thêm địa điểm đi bộ, mua sắm và thưởng thức ẩm thực đêm.
Cũng trong cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2022, thành phố tiếp tục hoàn thiện đề án sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh đối với các tuyến đường đã khảo sát và đảm bảo tiêu chí đề ra, gồm Nguyễn Văn Huyên (Phú Hội), Trương Định, Phạm Hồng Thái (Vĩnh Ninh); kiệt 139 Trần Hưng Đạo (Đông Ba)… với thời gian thí điểm 6 tháng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cơ sở để hình thành khu phố ẩm thực Hàn Thuyên, phố mua sắm kết hợp ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng, Chương Dương, tiếp tục kêu gọi đầu tư Bến xe Đông Ba để hình thành khu phố đêm và khai thác không gian trưng bày đặc sản Huế ở 15 Lê Lợi.
TP. Huế đã và đang nghiên cứu đầu tư hạ tầng hệ thống đường giao thông phù hợp với tuyến phố đi bộ đối với đường Hai Bà Trưng, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng đường Nguyễn Văn Huyên, chỉnh trang lề đường Huỳnh Thúc Kháng; nghiên cứu phương án nhằm đảm bảo an ninh trật tự, văn minh thương mại để đưa vào hoạt động Phố ẩm thực Trương Định - Phạm Hồng Thái; tiếp tục hoàn thiện đề án để phát triển phố đêm Hoàng thành tại 2 tuyến đường Đặng Thái Thân và Đoàn Thị Điểm. Đối với đường đi bộ dọc hai bờ sông Hương, đường Nguyễn Đình Chiểu sẽ phát triển theo hướng văn hóa nghệ thuật đường phố, xây dựng các không gian đọc sách nhằm tạo điểm nhấn cho không gian hai bờ sông.
Cùng với các khu vực trung tâm, thành phố đang phát triển du lịch ở các vùng ven nhằm kết nối các tour tuyến du lịch trên địa bàn, trong đó hình thành khu du lịch trải nghiệm Rú Chá, ẩm thực Cồn Tè (Hương Phong) trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có và nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng bãi đỗ xe; đầu tư hạ tầng phát triển du lịch cộng đồng bờ biển Hải Dương; nâng cao chất lượng dịch vụ bãi tắm Thuận An; phát triển các tour du lịch trải nghiệm tham quan làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình (Phú Mậu). Ở phía thượng nguồn sông Hương, đẩy mạnh khai thác các di tích Triều Nguyễn, phát triển thêm các điểm đến hấp dẫn khách như Khe Ngang (Hương Hồ), hồ Khe Rưng (Hương Thọ), phát triển du lịch cộng đồng kết hợp tham quan di tích… nhằm kết nối các tour tuyến du lịch từ vùng đầm phá Tam Giang, du lịch sinh thái Thủy Biều, Kim Long đến các địa danh lịch sử và điểm đến lý tưởng ở vùng thượng nguồn nhằm tạo cho Huế một bức tranh du lịch sống động và hấp dẫn.