Dịch vụ 'không trò chuyện' lên ngôi tại Nhật Bản

Từ tiệm làm tóc, nhà hàng cho tới cửa hàng bán lẻ, các 'dịch vụ im lặng' đang dần phổ biến tại xứ sở hoa anh đào. Các dịch vụ này hướng đến những khách hàng không muốn phải xã giao với người lạ, dù chỉ là vài câu chuyện phiếm lịch sự.

Nhà tạo mẫu tóc Takahiro Noguchi cho biết 60% khách hàng tại tiệm của ông chọn dịch vụ ít hoặc không trò chuyện

Nhà tạo mẫu tóc Takahiro Noguchi cho biết 60% khách hàng tại tiệm của ông chọn dịch vụ ít hoặc không trò chuyện

Tại Hair Works Credo, một tiệm tóc ở quận Setagaya, Tokyo, khách hàng có thể chọn ba cấp độ giao tiếp: trò chuyện bình thường, nói ít, hoặc hoàn toàn im lặng.

Chủ tiệm, ông Takahiro Noguchi, đưa ra lựa chọn này từ năm 2014 sau khi đọc về xu hướng “ghế yên tĩnh” tại Anh.

“Ban đầu tôi nghĩ đây là dịch vụ dành riêng cho người hướng nội, nhưng dần dần tôi nhận ra có rất nhiều người chỉ đơn giản là muốn có một ngày yên tĩnh,” ông Noguchi nói.

Hiện có khoảng 60% khách hàng của ông chọn dịch vụ không trò chuyện hoặc trò chuyện tối thiểu, bằng cách đưa ra yêu cầu cụ thể khi đặt lịch trực tuyến.

Theo ông, trong lúc cắt tóc, khách hàng thường tranh thủ đọc sách, đeo tai nghe, dùng điện thoại hoặc đơn giản là thư giãn với tiếng kéo tóc lách cách.

“Tôi đã có những ngày không nói một lời nào,” Noguchi chia sẻ rồi bật cười.

“Nhưng im lặng không đồng nghĩa với việc thiếu quan tâm. Tôi vẫn luôn quan sát ngôn ngữ cơ thể, các dấu hiệu phi ngôn ngữ để hiểu khách hàng. Thực ra, những ngày không nói chuyện khiến tôi mệt hơn, vì thời gian như trôi chậm lại.”

Theo khảo sát do Hot Pepper Beauty Academy thuộc Recruit Group thực hiện, có tới 52,9% trong số 2.000 người được hỏi – đều ở độ tuổi từ 20 đến 49 và từng đến tiệm làm tóc – cho biết họ thà ngồi im lặng còn hơn phải trò chuyện xã giao trong suốt buổi cắt tóc.

Đáng chú ý, 43,5% trong số này thừa nhận lý do chính khiến họ không thích trò chuyện là vì cảm thấy mình không giỏi giao tiếp và thường rơi vào cảm giác bị ép buộc phải nói chuyện.

Không chỉ trong ngành làm đẹp, xu hướng “dịch vụ yên tĩnh” đang lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác.

Khách hàng chọn chiếc túi này khi vào cửa hàng Urban Research sẽ không bị nhân viên bán hàng tiếp cận

Khách hàng chọn chiếc túi này khi vào cửa hàng Urban Research sẽ không bị nhân viên bán hàng tiếp cận

Urban Research, thương hiệu thời trang tại Osaka, tin rằng mua sắm nên là trải nghiệm thư giãn và không gây áp lực. Vì vậy, họ tạo điều kiện cho khách hàng tự do đưa ra quyết định mà không bị làm phiền.

Khi vào một cửa hàng Urban Research, khách hàng sẽ thấy hai loại túi mua sắm trong suốt: một loại hoàn toàn trong suốt và một loại màu xanh lam.

Chiếc túi xanh lam là tín hiệu cho biết khách hàng không muốn sự trợ giúp từ nhân viên. Đây là sáng kiến giúp khách hàng tránh phải nói “Không, cảm ơn, tôi chỉ đang xem thôi.”

Giám đốc bán hàng Kazuhisa Abe cho biết, hiện nay, có 1/10 số khách chọn chiếc túi xanh lam. Mặc dù chưa chiếm đa số, phản hồi từ nhóm khách này rất tích cực, cho thấy nhu cầu mua sắm yên tĩnh ngày càng rõ rệt.

Với các tín đồ sushi, chuỗi nhà hàng Kura Sushi cung cấp dịch vụ không cần tiếp xúc với nhân viên: khách đặt bàn, gọi món và thanh toán hoàn toàn qua ứng dụng điện thoại.

Ban đầu được triển khai để tiết kiệm nhân lực và phòng dịch, mô hình này hiện được nhiều người hướng nội ưa chuộng vì giảm áp lực giao tiếp. Các thiết bị còn hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Anh, giúp xóa bỏ rào cản giao tiếp.

Tuy nhiên, không phải tất cả các dịch vụ im lặng đều được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận.

Vào năm 2018, công ty taxi Sanwa Koutsu ở Yokohama đã ra mắt dịch vụ Kuroko Taxi, trong đó tài xế mặc đồ đen kín mít và giao tiếp với khách qua tin nhắn, cử chỉ hoặc Google Dịch.

Mặc dù có ý tưởng độc đáo, dịch vụ Kuroko Taxi vẫn chưa có một lượt đặt xe nào từ khi ra mắt

Mặc dù có ý tưởng độc đáo, dịch vụ Kuroko Taxi vẫn chưa có một lượt đặt xe nào từ khi ra mắt

Dịch vụ này đã không có nổi một đơn đặt xe nào kể từ khi ra mắt năm 2018. Giá dịch vụ đắt đỏ (khoảng 5.500 yên, tương đương gần 40 USD) được cho là nguyên nhân chính.

Điều này cho thấy rằng dịch vụ Kuroko Taxi có thể chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế của người tiêu dùng Nhật Bản, khiến nó không trở thành lựa chọn phổ biến trong ngành dịch vụ taxi.

Dù vậy, xu hướng “dịch vụ im lặng” vẫn tiếp tục lan rộng. Trong một xã hội ngày càng bận rộn và quá tải giao tiếp, đôi khi điều người ta cần nhất lại là… không cần nói gì cả.

Theo Japan Times

N. THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/dich-vu-khong-tro-chuyen-len-ngoi-tai-nhat-ban-129603.html