Dịch vụ online đắt khách
Đi chợ hộ, gọi món, mua sắm online... là những dịch vụ sống khỏe với mức tăng trưởng mạnh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài
Vừa đặt hàng trên ứng dụng (app) đi chợ hộ và giao hàng tận nơi Chopp.vn, chị Thu Trang (quận 4, TP HCM) tỏ ra khá hài lòng về chất lượng thực phẩm, dù thời gian giao hàng hơi lâu. "Tôi mua nửa ký thịt vai heo, 1 ký bắp bò Úc, rau củ các loại trên app Chopp.vn và được miễn phí giao hàng. Thực phẩm bán thông qua app này chủ yếu từ các hệ thống uy tín mà tôi thường mua như Lotte Mart, La Maison, Anna Gourmet… nên dù không được trực tiếp mua hàng tại chỗ nhưng tôi vẫn yên tâm" - chị Trang nói.
Nở rộ đi chợ hộ
Chopp.vn dù đã ra mắt từ 4 năm trước tại TP HCM, hợp tác với hơn 50 đối tác siêu thị và cửa hàng thực phẩm uy tín như Big C, Aeon, Nam An Market, 3 Sach Food... nhưng không được nhiều bà nội trợ quan tâm trong thời gian qua. Người dân vẫn có thói quen trực tiếp đi chợ truyền thống hoặc siêu thị để tự tay chọn những món đồ tươi ngon nhất.
"Trong mùa dịch này, nhu cầu của gia đình gia tăng vượt trội nên rất nhiều khách hàng mới đã tìm đến Chopp.vn qua quá trình tìm kiếm một dịch vụ đi chợ hộ hoặc nhờ sự giới thiệu từ bạn bè là những khách hàng tin dùng dịch vụ lâu năm" - đại diện Chopp.vn thừa nhận và cho biết số lượng đơn hàng đã tăng hơn 50% mỗi tuần, giá trị trung bình giỏ hàng tăng gấp đôi kể từ khi người dân được yêu cầu hạn chế di chuyển.
Là một "siêu ứng dụng" tích hợp nhiều dịch vụ, Grab không bỏ qua cơ hội triển khai thử nghiệm GrabMart tại TP HCM, giúp khách hàng có thể đặt mua đồ hộp, thực phẩm và trái cây tươi... từ các đối tác liên kết. Đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các thương nhân liên kết với GrabMart. Tài xế nhận đơn chỉ cần đến cửa hàng, báo số đơn, chờ nhận hàng và giao hàng. Be cũng nhanh tay ra mắt tính năng "Đi chợ" từ đầu tháng 3 và đang trong quá trình hoàn thiện.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ cuối tháng 2 đến nay, doanh thu kênh bán hàng online, bán hàng qua điện thoại của hầu hết doanh nghiệp thực phẩm đã tăng gấp 4-5 lần. Chưa kể, trong kịch bản ứng phó các tình huống dịch bệnh, các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM đều triển khai các giải pháp bán hàng tận nhà nhằm giúp khách hàng hạn chế ra khỏi nhà. Chẳng hạn, từ giữa tháng 3, hơn 800 đơn vị thành viên của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) bắt đầu nhận đặt hàng qua phiếu và qua điện thoại, Zalo, Viber... Khách hàng chỉ cần gọi điện đến siêu thị, cửa hàng trực thuộc Saigon Co.op nêu yêu cầu đặt hàng, nhân viên sẽ tiếp nhận và phản hồi xác nhận rồi tổ chức giao hàng trong ngày.
Tương tự, hệ thống siêu thị Lotte Mart cũng triển khai đặt hàng qua ứng dụng Speed L, thanh toán tiền mặt khi giao hàng hoặc qua thẻ, ví điện tử. Hệ thống siêu thị VinMart sẽ phối hợp cùng VinID triển khai tính năng "Đi chợ online" trên ứng dụng VinID từ đầu tháng 4 này.
Nhu cầu gọi món qua app cũng có dấu hiệu tăng, nhất là sau thời điểm các cửa hàng phục vụ lượng khách trên 30 người buộc phải dừng nhận khách trực tiếp. Nhiều cửa hàng chưa từng bán hàng online, nay cũng phải nhanh nhẹn chuyển đổi qua hình thức bán hàng qua điện thoại, Zalo hoặc qua app riêng.
Quá tải chứ không thiếu hàng!
Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng đột biến lượng khách và đơn hàng khiến các đơn vị cung ứng dịch vụ nhanh chóng quá tải. Trao đổi với phóng viên, chị Trà My (quận Gò Vấp, TP HCM) tỏ ra thất vọng khi hệ thống Chopp.vn báo giao hàng sau 4 ngày, trong khi trước đây, khách có thể nhận hàng sau 1 giờ. Nhiều khách hàng khác cũng phản ánh đơn hàng được hệ thống báo giao sau 4-5 ngày. Phản hồi với ứng dụng này, các người dùng nhận được câu trả lời: "Do số lượng đơn hàng quá tải nên gây ra việc chậm trễ giao hàng. Chopp.vn đang gấp rút bổ sung nhân viên và cố gắng đáp ứng nhu cầu của khách hàng".
Trong khi đó, chị Lê Thị Thu (ngụ Tân Phú, TP HCM) kể đã mất cả buổi sáng 8-3 điện thoại các siêu thị, cửa hàng nhưng không mua được ký thịt heo nào để dành ăn dần trong những ngày hạn chế ra đường. "Bình thường VISSAN có bán thịt heo qua ứng dụng Now.vn nhưng nay không mua được. Liên hệ Meat Deli thì bận máy liên tục, tôi đặt hàng qua Facebook của công ty này thì mãi không thấy phản hồi. Tôi mất 8 lần gọi mới kết nối thành công với Co.opmart nhưng cũng không mua được hàng vì họ báo đang quá tải, tạm thời không phục vụ mà lưu số điện thoại tôi để liên lạc lại sau" - chị Thu ngao ngán.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết chỉ trong vòng 2 tuần, lượng đặt hàng qua điện thoại và các ứng dụng trên điện thoại đã tăng gấp 4 lần so với đầu tháng 3. "Vài ngày trở lại đây, lượng khách hàng đến mua sắm trực tiếp tại một số siêu thị tăng cao, số cuộc gọi đến siêu thị đặt hàng cũng tăng tương ứng nên có hiện tượng nghẽn mạng, không liên lạc được dù mỗi siêu thị đều có 2 số điện thoại tiếp nhận đặt hàng. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích người tiêu dùng đặt hàng qua Viber, Zalo để được phục vụ tốt hơn" - ông Huy nói.
Dù có quá tải đơn hàng nhưng các hệ thống siêu thị một lần nữa khẳng định hiện hàng hóa rất dồi dào, siêu thị đã dự trữ, chuẩn bị lượng hàng lớn đủ để cung ứng trong vài tháng nữa và vận động khách hàng không nên hoang mang, mua gom tích trữ, chỉ mua đủ dùng và hạn chế tập trung đông người để giữ an toàn, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. "Khách càng tập trung về siêu thị đông, gây áp lực cho công tác phục vụ, nhân viên phải ưu tiên phục vụ tại chỗ nên chậm trễ xử lý đơn hàng qua điện thoại, Zalo, Viber" - đại diện một hệ thống siêu thị cho hay.
Chú trọng phòng dịch
Dù tập trung đáp ứng nhu cầu của khách hàng song hầu hết các sàn thương mại điện tử cũng rất chú trọng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan qua các hoạt động của mình. Lazada cho biết đã triển khai chương trình giao hàng không tiếp xúc, áp dụng cho các đơn hàng thanh toán bằng thẻ tại TP Hà Nội và TP HCM. Theo đó, nhân viên giao hàng giữ khoảng cách với khách hàng ít nhất 1 m và yêu cầu khách mang theo bút để ký nhận nhằm tránh cầm nắm chung vật dụng. Tất cả nhân viên giao hàng được yêu cầu bắt buộc đeo khẩu khẩu trang khi tiếp xúc với khách hàng và thường xuyên vệ sinh xe, thùng hàng...
Ngoài ra, người mua hàng trên Lazada có thể chọn hình thức lấy hàng tại các điểm lấy hàng (collection point) là các hệ thống cửa hàng tiện lợi, quầy thuốc... hay dịch vụ nhận hàng tự động qua tủ khóa thông minh, giúp cho khách hàng có thể chủ động nhận hàng mà không cần gặp gỡ, tiếp xúc ở khoảng cách gần với nhân viên giao hàng hay nhà bán hàng.
Shopee cũng kích hoạt giao hàng không tiếp xúc để hạn chế lây lan dịch bệnh. Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho hay đối với các đơn hàng đã thanh toán trước, người mua có thể yêu cầu giao hàng không tiếp xúc bằng cách yêu cầu shipper đặt hàng tại vị trí chỉ định từ 2 m, để xác nhận đã nhận hàng, shipper sẽ chụp lại hình người nhận thay cho việc ký nhận trực tiếp.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/dich-vu-online-dat-khach-20200330194244034.htm