Dịch vụ quản lý tài sản số còn mới mẻ nhưng đầy tiềm năng
Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) vừa công bố kết quả khảo sát năm 2025 về thực trạng và nhu cầu của người Việt trong việc quản lý tài sản cá nhân.
Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù có đến 88% nhà đầu tư kỳ vọng mức lợi nhuận trên 7% mỗi năm, trong đó 42% mong đợi lợi nhuận từ 15 - 30% mỗi năm, phần lớn vẫn ưu tiên đầu tư vào các kênh truyền thống như tiết kiệm, vàng và bất động sản. Những kênh này tuy có thể sinh lời tốt ở một số giai đoạn nhưng lại có tính thanh khoản thấp và chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động kinh tế vĩ mô, khiến việc tối ưu danh mục đầu tư dài hạn trở nên khó khăn.
Đáng chú ý, 75% nhà đầu tư chỉ lựa chọn đầu tư vào 2 - 3 kênh, chủ yếu là các kênh truyền thống, thay vì phân bổ tài sản đa dạng qua các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu hay đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp. Xu hướng này không chỉ phổ biến ở nhóm nhà đầu tư phổ thông mà còn xuất hiện ở nhóm có tài sản lớn và thu nhập cao, cho thấy rào cản không phải do khả năng tài chính mà chủ yếu do thiếu kinh nghiệm và kiến thức quản lý tài chính.

Khảo sát được thực hiện với 579 nhà đầu tư 5 thành phố lớn tại Việt Nam.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng 77% nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tự quản lý tài sản, trong đó 51% bị ảnh hưởng bởi cảm xúc khi đầu tư và 48% thiếu kiến thức chuyên môn, dẫn đến các quyết định ngắn hạn và thiếu hiệu quả. Nhiều nhà đầu tư tự đánh giá cao khả năng tự quản lý tài chính, đặc biệt là nhóm chưa từng thua lỗ, trong khi thực tế thiếu sự hỗ trợ tư vấn chuyên sâu.
Nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư ngại sử dụng dịch vụ tư vấn bao gồm thiếu niềm tin vào đội ngũ chuyên gia, lo ngại chi phí cao hoặc cho rằng tài sản chưa đủ lớn để sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, có tới 81% người tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn được tư vấn đầu tư chuyên sâu, đặc biệt trong các lĩnh vực bất động sản, lập kế hoạch tài chính tổng thể, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và tư vấn thuế liên quan đến tài sản.
Chỉ 36% nhà đầu tư biết đến dịch vụ quản lý tài sản trên nền tảng số và chỉ 16% từng sử dụng. Một phần lớn nhà đầu tư vẫn thích tự quản lý tài sản hoặc e ngại các rủi ro bảo mật và chi phí không rõ ràng của dịch vụ số. Tuy nhiên, các tính năng công nghệ như cảnh báo rủi ro, theo dõi danh mục theo thời gian thực và gợi ý phân bổ tự động được đánh giá cao.
TVAM nhận định mô hình “hybrid” – kết hợp giữa nền tảng số và chuyên gia tư vấn – sẽ là chìa khóa để mở rộng dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc TVAM, chia sẻ, lần đầu tiên tại Việt Nam, chúng ta có được một bức tranh toàn diện về khoảng cách giữa kỳ vọng sinh lời, hành vi tài chính và nhu cầu thực sự của nhà đầu tư cá nhân. Khoảng trống này mở ra dư địa rất lớn cho thị trường quản lý tài sản – đặc biệt khi tầng lớp trung lưu và người tiêu dùng cao cấp đang tăng trưởng nhanh chóng cả về quy mô và kỳ vọng.
Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore hay Trung Quốc, việc phân bổ tài sản bài bản từ cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư đến các tài sản thay thế là điều phổ biến. Trong khi đó, phần lớn tài sản của người Việt vẫn đang tập trung vào bất động sản và vàng.
Để thu hẹp khoảng cách này, các định chế tài chính, bao gồm cả công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư cần đóng vai trò hướng dẫn, đồng hành và chuẩn hóa dịch vụ quản lý tài sản theo chuẩn mực quốc tế.