Lười sinh, ngại nuôi con

Mức sinh đang giảm nhanh tại nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội khiến khoảng trống thế hệ trẻ sẽ khó lấp đầy trong vài chục năm tới.

Ngại kết hôn, kết hôn muộn là lựa chọn cá nhân đang dần trở thành phổ biến, nếu không có giải pháp đồng bộ, hệ lụy kéo theo không chỉ là mức sinh thấp mà còn là chất lượng dân số trong tương lai.

Ngại cưới, ngại sinh - chuyện của người trẻ?

Không muốn kết hôn, hoặc kết hôn muộn - đó không còn là hiện tượng cá biệt, mà đang dần trở thành một xu hướng rõ nét trong giới trẻ. Những toan tính về công việc, tài chính, nhà ở hay đơn giản là muốn được tự do đang khiến ngày càng nhiều bạn trẻ chần chừ trước ngưỡng cửa hôn nhân. Nhưng xu hướng này cũng đặt ra nhiều cảnh báo về mức sinh thấp và chất lượng dân số trong tương lai.

Ở tuổi 36, công tác tại phường Giảng Võ, anh Vũ Tùng Dương vẫn chưa nghĩ tới chuyện lập gia đình. Với anh, công việc bận rộn gần như chiếm hết thời gian nên anh chưa nghĩ tới việc có một gia đình nhỏ.

“Hiện nay do áp lực công việc, gần như tôi đi làm một tuần 6 ngày, kể cả cuối tuần cũng đi làm. Thời gian đi làm rất dài. Tôi khá lo lắng khi mình có thêm một sự quan tâm là vợ, là con thì liệu rằng bản thân có đủ khả năng để quan tâm đến tất cả những người quan trọng với mình không. Đó là lý do khiến tôi chưa có ý định lập gia đình”, anh Tùng Dương băn khoăn.

Với nhiều phụ nữ trẻ như chị Dư Thị Hiền Trang (30 tuổi, sống tại Hà Đông) việc kết hôn vẫn chưa nằm trong kế hoạch. Công việc bận rộn và khát vọng ổn định kinh tế khiến chị chưa muốn gắn bó với cuộc sống hôn nhân. Chị chia sẻ: “Đến tầm tuổi này tôi vẫn muốn có công việc ổn định hơn, có khoản thu nhập tốt hơn. Hơn nữa công viêc của tôi khá bận. Ban ngày tôi làm ở công ty, dành một vài buổi tối để làm một công việc part time khác nữa, thế nên tôi chưa có thời gian dành cho gia đình, cho việc kết hôn. Khi có kinh tế ổn định thì mình sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho sau này”.

Không ít bạn trẻ hiện nay coi hôn nhân là một sự ràng buộc thay vì điểm tựa. Những áp lực cơm áo, nhà ở, tài chính… cùng khát khao được sống tự do khiến họ ngần ngại.

Bà Nguyễn Thanh Hiếu - Trạm trưởng Trạm y tế phường Giảng Võ, TP. Hà Nội cho rằng: “Có nhiều xu hướng, là con người chỉ muốn gây dựng được công việc ổn định, có mức sống cao để khẳng định bản thân và trì hoãn việc kết hôn, nhiều bạn để làm đẹp lòng gia đình vẫn kết hôn nhưng trì hoãn sinh con”.

Việc kết hôn muộn không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc dân số mà còn tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe sinh sản. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên sinh con trước 35 tuổi để giảm rủi ro cho cả mẹ và bé.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Mai - Khoa phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, TP. Hà Nội cho biết: “Theo các nghiên cứu, khi mẹ sinh con nhiều tuổi sẽ ảnh hưởng nhất định đến mẹ và sức khỏe em bé. Vì dị tật của thai sẽ tăng cùng tuổi mẹ. Độ tuổi kết hôn hợp lý nhất là trước 35 tuổi”.

Lười sinh, sinh ít sẽ đẩy nhanh quá trình già hóa

Tỷ suất sinh tại Việt Nam hiện đã giảm xuống mức thấp kỷ lục - chỉ còn 1,91 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, xu hướng lười sinh, sinh ít đang trở nên phổ biến. Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại cho sự phát triển dân số bền vững, đặc biệt là thúc đẩy nhanh quá trình già hóa.

Hiện gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hoài đã có một bé trai 18 tháng tuổi. Kết hôn từ năm 2021 nhưng anh chị quyết định sẽ không sinh thêm, mà chỉ dừng lại ở một con để nuôi dạy thật tốt. Chị Hoài chia sẻ: “Thời điểm đầu, hai vợ chồng cũng từng có ý định sinh 2 hoặc 3 con, nhưng sau khi sinh bạn thứ nhất xong thì thấy mọi thứ đang không được đi theo đúng luồng suy nghĩ. Vì vậy hiện tại kế hoạch của hai vợ chồng là chỉ sinh một em bé thôi và không biết thời gian tới có thay đổi hay không, nhưng hiện tại không có kế hoạch sinh em bé thứ hai”.

Theo cán bộ dân số phường Ba Đình, đây không phải là trường hợp cá biệt. Tại khu vực này vốn có mức sinh thấp nhất Thủ đô và ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn sinh ít con, chủ yếu vì lý do kinh tế.

“Lý do ngại sinh chủ yếu là do áp lực về kinh tế. Hiện nay ở địa bàn phường Ba Đình, mức sinh thay thế khá thấp, chỉ từ 1.4 đến 1.5 con/phụ nữ. Chúng tôi đang cố gắng đến năm 2030 sẽ đẩy mức sinh thay thế về mức khuyến cáo đạt được là 2,1 con/phụ nữ”, chị Nguyễn Lê Minh - Cán bộ truyền thông dân số phường Ba Đình, TP. Hà Nội cho hay.

Bên cạnh yếu tố kinh tế, với nhiều gia đình, việc sinh ít con lại đến từ những lý do khách quan khác. Sau một thời gian chữa chạy hiếm muộn, cộng với sức khỏe không đảm bảo, nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (xã Đại Xuyên) cũng quyết định chỉ sinh một con.

Mức sinh thay thế tại Hà Nội hiện là 2,01 con/phụ nữ - gần mức cân bằng, nhưng đang có dấu hiệu sụt giảm không bền vững. Từ năm 2020 trở lại đây, ước tính trên toàn thành phố Hà Nội, số trẻ sinh ra mỗi năm giảm từ 3.000 - 5.000 trẻ/năm.

Tại Việt Nam, dân số đã bắt đầu già hóa từ năm 2011 và đang già hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. Dự báo Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049. Với mức sinh thấp khi chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ như hiện nay, nếu kéo dài sẽ tác động trực tiếp tới quy mô, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy, đặt ra mối lo về thiếu hụt trầm trọng nhân lực lao động, là rào cản đối với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội chung của đất nước.

Tự quyết số con có giúp nâng mức sinh?

Những năm gần đây, chính sách dân số của Việt Nam đã chuyển dịch từ sinh đẻ có kế hoạch sang dân số và phát triển. Trong đó, mục tiêu thực sự của công tác dân số hiện nay không phải là kiểm soát tỷ lệ sinh, mà là trao cho mỗi cá nhân thông tin đầy đủ, phương tiện thích hợp, chính sách hỗ trợ và môi trường an toàn để họ tự do và có trách nhiệm quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con. Tuy nhiên trên thực tế, để khuyến khích sinh vẫn cần nhiều hơn thế.

Với những công nhân tại một công ty may, áp lức công việc cùng với kinh tế khó khăn, việc tự sinh thêm con là điều không dễ, thậm chí có muốn sinh, họ cũng không dám quyết định. Đơn giản chỉ vì sợ không nuôi được con tốt.

Chị Chu Thị Thành (phường Hoàng Mai) cho biết: “Cuộc sống của những người công nhân đi làm thu nhập cũng là bình thường. Mà chi phí để nuôi con thực sự quá lớn, họ sợ không dám sinh vì sợ không nuôi nổi”.

Ngành y tế cũng nhận định, với những áp lực trong việc đảm bảo cuộc sống, nuôi dạy một đứa trẻ hiện nay cùng nhiều chi phí sinh hoạt khác, bên cạnh những chính sách cho người dân được quyền từ quyết về sinh sản, cần có những chính sách cụ thể hơn, hỗ trợ đồng bộ về cả vật chất và tinh thần, như vậy việc khuyến sinh mới khả thi.

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục dân số, Bộ Y tế cho rằng: “Xu hướng ngại kết hôn, kết hôn muộn, ngại sinh con của giới trẻ hiện nay khiến mức sinh giảm sút. Để có thể nâng mức sinh thay thế và duy trì được mức sinh thay thế cần có những chế độ chính sách khuyến khích cá nhân trong lứa tuổi kết hôn có được điều kiện nhất định. Cụ thể như bố trí lại thời gian làm việc, nghỉ ngơi của lao động trong doanh nghiệp, sắp xếp chỗ làm, môi trường lao động sao cho hài hòa… Tựu trung lại, cần rất nhiều giải pháp tổng thể và các biện pháp để nâng mức sinh trong thời gian tới”.

Trong bối cảnh có quá nhiều những áp lực trong cuộc sống như hiện nay, nhất là khi chi phí để nuôi dạy con trẻ không hề đơn giản, thậm chí không đảm bảo được cả về chỗ ở, công ăn việc làm, thì việc để các gia đình trẻ sinh đủ hai con vẫn còn là một rào cản khá lớn.

Phan Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/luoi-sinh-ngai-nuoi-con-346157.htm