Dịch vụ, sản phẩm an ninh mạng 'Make in Vietnam' 'ế khách'

Mới chỉ có gần 25% cơ quan, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng 'Make in Vietnam' theo một cuộc khảo sát mới được thực hiện.

Doanh nghiệp quan tâm hơn đến an ninh mạng sau các sự cố bị tấn công lớn trong năm qua

Doanh nghiệp quan tâm hơn đến an ninh mạng sau các sự cố bị tấn công lớn trong năm qua

Sau cuộc khảo sát được tiến hành tháng 12 năm nay, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, nhận thức về an ninh, an toàn thông tin đã có những chuyển biến tích cực, với 85,11% cơ quan, doanh nghiệp trang bị phần mềm diệt virus bảo vệ cho các máy tính, máy chủ;

75,68% đơn vị đã đầu tư giải pháp tường lửa và 64,13% đã có giải pháp sao lưu, phục hồi dữ liệu. Đây đều là những giải pháp mang tính cơ bản, cần thiết theo các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, một số giải pháp, dịch vụ công nghệ mới, tiên tiến cũng đã bắt đầu phổ biến. Điển hình là giải pháp giám sát an ninh mạng tập trung SOC đã có 47,11% cơ quan, doanh nghiệp quan tâm, nghiên cứu đầu tư. Dịch vụ thông tin tình báo an ninh mạng (Threat Intelligence) có 35,26% cơ quan, doanh nghiệp sử dụng. Khoảng 38,30% doanh nghiệp đã tìm đến các giải pháp phát hiện và ứng phó điểm cuối EDR.

Các tổ chức, doanh nghiệp cũng chú trọng hơn đến đào tạo an ninh mạng nội bộ, triển khai các tiêu chuẩn ISO, tiêu chuẩn PCI DSS…

Dù vậy, tỷ lệ cơ quan, doanh nghiệp tham gia khảo sát sử dụng sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng “Make in Vietnam” hiện còn hạn chế. Trung bình mỗi tổ chức chỉ sử dụng khoảng 24,77% sản phẩm, dịch vụ đến từ các công ty trong nước.

Ông Vũ Ngọc Sơn- Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho rằng, điều này cho thấy tâm lý thiếu tin tưởng và sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài còn rất lớn. Đây là một thách thức thật sự trong việc phát triển hệ sinh thái an ninh mạng và cao hơn là phát triển ngành công nghiệp an ninh mạng tại Việt Nam.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đang khuyến khích, thậm chí quy định bắt buộc sử dụng các sản phẩm an ninh mạng nội địa, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng yếu như cơ sở hạ tầng quốc gia, ngân hàng, năng lượng và viễn thông.

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, việc sử dụng các sản phẩm an ninh mạng trong nước mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho cả doanh nghiệp và quốc gia.

Trước hết, sản phẩm nội địa giúp giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng các nguy cơ gián điệp và chiến tranh mạng. Các giải pháp “Make in Vietnam” được thiết kế với sự hiểu biết sâu sắc về hạ tầng, quy định pháp luật, đặc thù của người dùng và thị trường Việt Nam, từ đó tối ưu hơn trong việc triển khai và vận hành.

Ngoài ra, việc sử dụng sản phẩm nội địa còn thúc đẩy, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng, để các sản phẩm “Make in Vietnam” có thể chiếm lĩnh thị trường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng công nghệ. Các doanh nghiệp công nghệ cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, phát triển, xây dựng sản phẩm có chất lượng cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Chính phủ nên thúc đẩy chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa trong các lĩnh vực trọng yếu và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các giải pháp “Make in Vietnam”. Ngoài ra, việc tăng cường quảng bá, cải thiện hình ảnh và khẳng định chất lượng sản phẩm nội địa thông qua các chứng nhận, giải thưởng quốc tế cũng là một bước quan trọng để nâng cao vị thế của công nghệ Việt trên thị trường an ninh mạng.

V.H

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dich-vu-san-pham-an-ninh-mang-make-in-vietnam-e-khach-post599232.antd