Dịch vụ, thương mại phục vụ công nghiệp có xu hướng giảm

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, nhưng do chịu nhiều tác động suy giảm kinh tế trong vào ngoài nước, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, số DN rút khỏi thị trường có xu hướng gia tăng. Kéo theo đó là loại hình thương mại, dịch vụ (TM - DV) phục vụ công nghiệp đã không còn ở vào thời 'hoàng kim' như trước đây.

Sản xuất công nghiệp phát triển sẽ thúc đẩy lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển theo. (Dây chuyền may gia công của Công ty cổ phần Đáp Cầu Gia Khánh, huyện Bình Xuyên).

Sản xuất công nghiệp phát triển sẽ thúc đẩy lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển theo. (Dây chuyền may gia công của Công ty cổ phần Đáp Cầu Gia Khánh, huyện Bình Xuyên).

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Số lượng DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong kỳ là 603 DN, tăng 38,94% so với cùng kỳ, bao gồm: 542 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 38,62%; 61 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 41,86% so với cùng kỳ.

Trung bình mỗi tháng có 100 DN rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, toàn tỉnh có 752 DN đăng ký thành lập mới, tăng 12,57% về số lượng, nhưng giảm 13,87% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Trong số 18 ngành, có 11 ngành có số DN thành lập mới, tăng so với cùng kỳ nhưng lại tăng cao nhất ở ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí, tăng 350%; ngành giáo dục, tăng 169,23%; ngành thông tin và truyền thông, tăng 42,86%... Đây có lẽ là nguyên nhân làm cho ngành TM - DV phục vụ các khu công nghiệp (KCN) sụt giảm.

Khảo sát tại một số xã, thị trấn có các KCN của huyện Bình Xuyên thời điểm này, có thể nhận thấy, hoạt động TM - DV đã không còn sôi động như trước đây. Đã có tình trạng một số phòng trọ bỏ trống, chưa tìm được người thuê; một số cửa hàng đóng cửa từ sớm do vắng khách.

Xã Thiện Kế có lợi thế tiếp giáp nhiều KCN đang hoạt động, thu nhập chính của người dân địa phương là cho thuê nhà trọ; tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động này cũng bị ảnh hưởng do lượng công nhân thuê trọ giảm đáng kể.

Ông Vũ Đình Long, Quyền Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị thu nhập của xã ước đạt 357/700 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch năm. Trong đó, riêng ngành nghề TM - DV đạt 320 tỷ đồng, chiếm 90% tổng giá trị thu nhập của toàn xã. TM - DV của địa phương tập trung chủ yếu là dịch vụ cho thuê nhà trọ với hơn 8.600 phòng; 815 hộ kinh doanh hàng ăn uống, hàng tạp hóa và một số loại hình kinh doanh khác...

Do khó khăn chung, dự báo thu nhập của địa phương có thể sụt giảm trong những tháng cuối năm. Nếu như mấy năm trước, hơn 4.000 phòng trọ trong thôn Thiện Kế luôn kín người thuê, thì nay nhiều phòng ở tình trạng bỏ trống.

Nguyên do có thể các DN trong các KCN cắt giảm lao động nên công nhân trả phòng, đi kiếm việc làm ở nơi khác. Nhiều hộ cho thuê nhà trọ đã giảm giá thuê từ 1,4 triệu xuống còn hơn 1,2 triệu đồng/phòng/tháng, trong khi các phòng đều được xây dựng khép kín, có trang bị điều hòa, bình nóng lạnh, quạt điện.

Hoạt động cho thuê nhà trọ bị giảm sút cũng là tình trạng chung ở các xã, thị trấn khác của huyện Bình Xuyên như: Bá Hiến, Sơn Lôi. Anh Nguyễn Văn Tiến, quê ở Tuyên Quang cho biết: Mặc dù giá thuê phòng trọ ở thị trấn Bá Hiến và các địa phương khác hiện nay khá hợp lý, nhưng do công việc và thu nhập bấp bênh nên đành trả phòng, về quê tìm kiếm công việc khác.

Không chỉ dịch vụ cho thuê nhà trọ giảm, mức thu nhập của nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng phục vụ công nhân ở các KCN cũng giảm theo do người lao động thắt chặt chi tiêu tại thời điểm “nhạy cảm”. Chỉ cần dạo quanh các cửa hàng tạp hóa, ăn uống ở giáp các KCN thời gian gần đây, điều dễ nhận thấy là số lượng thực khách là công nhân đã giảm đi rất nhiều.

Anh Lê Quang Hưng, phụ trách Siêu thị mini HD, thị trấn Bá Hiến cho biết: “Nếu như trước đây, hoạt động kinh doanh của đơn vị khá sôi động, hằng ngày có hàng trăm lượt công nhân đến mua sắm, thì thời gian gần đây, sức tiêu thụ hàng hóa đã giảm nhiều, chỉ bán được các loại hàng hóa thiết yếu như nước mắm, xà phòng, mỳ tôm, sữa trẻ em… Cứ đà này, sắp tới đơn vị phải chuyển hướng kinh doanh hoặc cho thuê lại mặt bằng.

Chỉ tính riêng tháng 6/2023, giá các loại thực phẩm trên địa bàn tỉnh liên tiếp tăng do nguồn cung hạn chế, giá xăng tăng theo giá của thế giới; giá điện, nước sinh hoạt và các thiết bị điện lạnh tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,26% so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có đến có 7 nhóm hàng tăng giá; trong đó, tăng cao nhất ở nhóm dịch vụ ăn uống tăng 0,74%; tiếp theo là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,51% do trong tháng thời tiết nắng nóng, cộng với kế hoạch cắt điện luân phiên đã khiến sức mua những mặt hàng như quạt tích điện, quạt hơi nước, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh tăng nên đã đẩy giá lên cao…

Thị trường hàng hóa đều tăng, trong khi mức thu nhập của công nhân thậm chí còn giảm đi nên việc kinh doanh, dịch vụ phục vụ KCN không thuận lợi như trước.

Bài, ảnh: Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/97024//dich-vu-thuong-mai-phuc-vu-cong-nghiep-co-xu-huong-giam