Điểm báo 14/9: Cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng ngày càng gay gắt

Cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng ngày càng gay gắt; Nhiều cầu 'tử thần' rình rập; Những cuộc rượt đuổi của 'hà bá'; Thúc đẩy phát triển logistics xanh… là những tin có trong điểm báo sáng 14/9.

CẠNH TRANH GIỮA CÁC NHÀ THẦU XÂY DỰNG NGÀY CÀNG GAY GẮT

Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng nhằm giành được hợp đồng đã dẫn đến việc chất lượng nhiều công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vấn đề cạnh tranh đấu thầu phá giá ngày càng khắc nghiệt, không chỉ xuất hiện ở các nhà thầu nhỏ mà giờ còn ở cả các doanh nghiệp lớn, có uy tín. Nhiều doanh nghiệp tham gia đấu thầu giảm tới 25%, thậm chí 48% và coi đây là chuyện rất bình thường. Nhiều thời điểm, giá nhân công lên đến 500.000 - 600.000 đồng/người/ngày, trong khi đơn giá quy định chỉ khoảng 1/3, khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng này dẫn tới chất lượng nhiều công trình không bảo đảm, khi chỉ sau vài năm đưa vào hoạt động đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự đánh giá lại và đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả để ngăn chặn "cuộc đua giảm giá" này.

NHIỀU CẦU "TỬ THẦN” RÌNH RẬP

Cần xem lại công tác bảo trì các tuyến đường, cây cầu trong mùa mưa bão khi vẫn còn nhiều lỗ hổng về quản lý, thông tin đáng chú ý trên báo Tiền phong.

Nhiều công trình cầu đường hiện nay đang bị xuống cấp tại một số địa phương nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, khắc phục nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nhất là trong tình hình mưa bão diễn biến phức tạp. Theo phân tích của các chuyên gia, công tác bảo trì cầu ở Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, trong đó thiếu kế hoạch, nguồn lực và chuyên môn để thực hiện một cách hiệu quả. Trước mắt, giải pháp là tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro, ưu tiên bảo vệ tính mạng con người và hạn chế sử dụng một số công trình giao thông khi có tình huống khẩn cấp. Với những cầu xuống cấp, cần sử dụng các phương pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để đánh giá, dự báo các vấn đề liên quan đến an toàn cầu mà không thể quan sát trực tiếp.

NHỮNG CUỘC RƯỢT ĐUỔI CỦA ‘HÀ BÁ’

Nhiều năm qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Biểu hiện rõ nét là nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 13 tỉnh, thành trong khu vực này có tới 558 vị trí sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 740km, trong đó 81 vị trí được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm và 137 vị trí nguy hiểm. Các tỉnh ven biển đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng xâm nhập mặn và hạn hán, gây tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Để ứng phó với tình trạng này, cần tập trung đầu tư nâng cấp và cải tạo các công trình giao thông tại những khu vực có rủi ro thiên tai cao và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với các Bộ, ngành Trung ương để hoàn thành các công trình hạ tầng trọng yếu ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các công trình phòng chống thiên tai, ngăn triều cường.

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN LOGISTICS XANH

Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cả thách thức lẫn cơ hội trong quá trình chuyển đổi xanh. Theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều thuận lợi, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với áp lực lớn.

Theo bài viết trên báo Pháp luật Việt Nam, khoảng 66% doanh nghiệp logistics đã bắt đầu có mục tiêu xanh trong chiến lược phát triển của mình. Thế nhưng, thực tế chỉ số ít thực hiện được mục tiêu này. Áp lực đến từ việc tuân thủ quy định mới của quốc tế và đáp ứng yêu cầu cao từ các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Theo thống kê, kinh tế xanh tại Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng 10-13%/năm từ 2018-2021, đóng góp khoảng 2% GDP. Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam 2025-2035, với trọng tâm là phát triển logistics xanh. Điều này hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho ngành, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường quốc tế.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

truyền hình quốc hội việt nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-14-9-canh-tranh-giua-cac-nha-thau-xay-dung-ngay-cang-gay-gat-235924.htm