Điểm báo 18/7: Bất cập thuế thu nhập cá nhân - Điều chỉnh để người dân không quá khổ vì thuế

Bất cập thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh để người dân không quá khổ vì thuế; Nhiều khó khăn trong đa dạng hóa nguồn thu; Không lơ là với lạm phát; Đừng nghĩ giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là khoản sinh lời;...là những tin tức có trong điểm báo ngày 18/7.

BẤT CẬP THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN: ĐIỀU CHỈNH ĐỂ NGƯỜI DÂN KHÔNG QUÁ KHỔ VÌ THUẾ

Để tránh tạo thêm gánh nặng cho người nộp thuế trước những quy định đã lỗi thời, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi cách tính giảm trừ gia cảnh và mức đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN), bởi nếu thu nhập không phù hợp với các mức thuế tương tự thì chính sách thuế sẽ thành gánh nặng, kéo lùi đời sống nhân dân.

Đánh giá về Luật Thuế Thu nhập cá nhân, nhiều chuyên gia cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chỉ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là quá lạc hậu. Theo đó, phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cách tính thuế TNCN hiện cho thấy sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Chính sách thuế TNCN hiện hành không chỉ bất cập với các quy định về mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, mà việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh cũng không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, của lạm phát.Cách tính thuế TNCN đang áp dụng gồm 7 bậc lũy tiến từ 5% đến 35%, áp dụng từ 2007 đến nay. Mặc dù là nước có thu nhập trung bình thấp nhưng nếu nhìn vào biểu thuế này, các mức thuế suất của Việt Nam cao như những nước có thu nhập cao, thậm chí cao hơn…

NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG ĐA DẠNG HÓA NGUỒN THU

Một trong những vấn đề đang được ngành giáo dục quan tâm hiện nay là làm sao để đa dạng hóa nguồn thu cho giáo dục đại học (ĐH).

Nguồn thu của các trường ĐH ở Việt Nam chủ yếu từ học phí. Về nguyên lý, ngoài học phí, các cơ sở giáo dục ĐH có nhiều giải pháp tăng nguồn thu, trên thực tế các nguồn thu này chiếm tỉ trọng không đáng kể và thiếu tính bền vững. Trong khi các giải pháp để tăng nguồn thu có thể kể đến như: Chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường học, tài trợ từ doanh nghiệp...Nghiên cứu của các trường, đại học ở Việt Nam chưa đủ để thu hút nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp. Để tăng nguồn thu cho các trường ĐH trong bối cảnh thực hiện tự chủ, cần khơi thông các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho giáo dục ĐH, trong đó, cần bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chính sách về thuế, đất... khuyến khích doanh nghiệp chú trọng tiết kiệm dành nguồn đầu tư để hỗ trợ, đóng góp cho các trường ĐH…

KHÔNG LƠ LÀ VỚI LẠM PHÁT

Dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan, lơ là trong điều hành. Chuyên gia kinh tế nhận định rằng, lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương... Chưa kể, còn do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách... trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch. Tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài….Thực tế chính sách tiền tệ củaViệt Nam đang gặp thách thức trong xử lý mối quan hệ giữa chính sách lãi suất- chính sách tỷ giá hối đoái - dòng vốn nước ngoài. Do đó, chính sách tiền tệ cần tiếp tục thực hiện linh hoạt trong điều hành lãi suất, tỷ giá để thí chứng các tác động của bất ổn thế giới.

ĐỪNG NGHĨ GIÁ MUA ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TỰ SẢN TỰ TIÊU LÀ KHOẢN SINH LỜI

Trên báo Lao động đăng tải bài viết, việc áp giá mua điện mặt trời mái nhà dư thừa phát lên lưới ở mức 671 đồng/kWh sẽ tránh tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội.

Các chuyên gia khẳng định rằng, với cơ chế mới, các dự án lắp đặt điện mặt trời đều phải xác định đây là mô hình tự sản tự tiêu, tức là nguồn điện sản sinh ra phải phục vụ chính cho hoạt động sản xuất. Nhưng nếu dư thừa mà không được mua bán thì rất lãng phí nguồn lực xã hội. Kể cả với hộ gia đình, doanh nghiệp hay công sở, có nhiều thời điểm không sử dụng hết nguồn điện mặt trời mái nhà tự làm ra như thời điểm lễ, Tết, thứ 7, Chủ nhật. Do đó, trong bối cảnh thiếu điện vẫn hiện hữu, nên tận dụng nguồn điện này phát sản lượng dư lên lưới và được thanh toán một khoản tiền mang tính khuyến khích, giúp doanh nghiệp có thêm chi phí, hạch toán hóa đơn đầu ra, đầu vào, chứ không xem đây là khoản đầu tư để bán điện sinh lời.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-18-7-bat-cap-thue-thu-nhap-ca-nhan-dieu-chinh-de-nguoi-dan-khong-qua-kho-vi-thue-229279.htm