Điểm báo 2/10: Nhà ở vừa túi tiền mở ra cánh cửa cho nhà đầu tư

Nhà ở vừa túi tiền mở ra cánh cửa cho nhà đầu tư; Cấp hộ chiếu để tham quan rừng; Ngăn sai phạm trong kiểm toán độc lập; Đầu tư bài bản hơn cho đào tạo nghề... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 2/10.

NHÀ Ở VỪA TÚI TIỀN MỞ RA CÁNH CỬA CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Chính quyền địa phương nên có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ để các chủ sở hữu đất cùng hợp tác, tạo ra những khu dân cư mới bền vững, bài viết trên Thời báo Ngân hàng.

Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với nhu cầu về khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm, nguồn cung các loại hình nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Một số nguyên nhân được chỉ ra là tăng trưởng thu nhập, quỹ đất hạn hẹp và chi phí đất đai tăng cao, cùng với các thủ tục hành chính phức tạp trong việc cấp phép cho các dự án phát triển mới. Theo đó, để giải quyết bài toán nhà ở vừa đủ và khả năng chi trả của người dân, chúng ta cần một giải pháp tổng thể, kết hợp sức mạnh của cả khu vực công và tư. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các nhà đầu tư sẽ là chìa khóa để đưa những ý tưởng này thành hiện thực.

CẤP HỘ CHIẾU ĐỂ THAM QUAN RỪNG

Các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi của con người. Do đó, chủ trương phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng của ngành lâm nghiệp đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Với diện tích đất có rừng hơn 14,86 triệu héc-ta, tỷ lệ che phủ đạt 42,02%, rừng Việt Nam là nơi cư trú của hơn 10.000 loài động vật, 12.000 loài thực vật bậc cao và còn là không gian sinh sống của khoảng 25 triệu người dân. Với mục tiêu tạo cơ chế thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, Việt Nam lần đầu tiên triển khai sáng kiến “Hộ chiếu vườn quốc gia". Sáng kiến sẽ tạo động lực cho du khách trải nghiệm và khám phá các giá trị của hệ sinh thái rừng, qua đó từng bước hình thành cơ chế tài chính bền vững và tạo đà cho việc tăng lượt du khách đến tham quan, đồng thời thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến các giá trị bền vững của hệ sinh thái...

NGĂN SAI PHẠM TRONG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP

Sau khi phát hiện những vi phạm của kiểm toán độc lập đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng nặng hình thức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm.

Qua công tác giám sát, dù các doanh nghiệp cải thiện đáng kể về kiểm soát chất lượng hàng năm nhưng thực tế chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập tại một số doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Điều này gây ra tác động lớn hơn rất nhiều so với hành vi vi phạm hành chính về kiểm toán độc lập, ảnh hưởng tới các nhà đầu tư, các bên cho vay nói riêng và lợi ích công chúng nói chung, làm giảm uy tín của ngành kiểm toán. Thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) sẽ tiếp tục kiện toàn, tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, để hoạt động kiểm toán đi vào trật tự, nề nếp hơn.

ĐẦU TƯ BÀI BẢN HƠN CHO ĐÀO TẠO NGHỀ

Việc đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp cần được quan tâm hơn nữa, đặc biệt là các ngành số hóa, bài viết được đăng tải trên báo Đại biểu nhân dân.

Người đi tìm việc nhiều nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động qua đào tạo có bằng cấp, lao động có chuyên môn kỹ thuật. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Một số giải pháp chủ yếu được đề ra như xã hội hóa đầu tư thiết bị đầu cuối cho học sinh, sinh viên; nghiên cứu, chỉnh sửa, ban hành chính sách, thể chế phù hợp với hoạt động chuyển đổi số; tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia;... có sự tham gia của các doanh nghiệp khoa học công nghệ; tập trung, chia sẻ, khai thác kho dữ liệu dùng chung giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-2-10-nha-o-vua-tui-tien-mo-ra-canh-cua-cho-nha-dau-tu-238093.htm