Điểm báo 28/4: Giải bài toán hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?
Giải bài toán hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Longnhư thế nào?; Doanh nghiệp làm gì để nắm bắt cơ hội chuyển đổi xanh?; Cảnh báo mạo danh bệnh viện để trục lợi; Tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy xuất khẩu gạo... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 28/4.
GIẢI BÀI TOÁN HẠN, MẶN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG NHƯ THẾ NÀO?
Cần xem hạn, mặn là thuộc tính của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và quan tâm công tác dự báo để chủ động trong sinh hoạt, sản xuất. Trên báo Kinh tế và Đô thị có bài viết: Giải bài toán hạn, mặn ở ĐBSCL như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Điệp - Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ nêu giải pháp: Để thích ứng với hạn, mặn, cần hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho người dân canh tác phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng sinh thái. Trong đó, đặc biệt quan tâm chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng vùng. Bên cạnh đó, tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo mặn. Sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, nạo vét khu vực cửa cống lấy nước để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.
DOANH NGHIỆP LÀM GÌ ĐỂ NẮM BẮT CƠ HỘI CHUYỂN ĐỔI XANH?
Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam -nền kinh tế có độ mở cao đang gặp nhiều khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp cần làm gì để nắm cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh?
Theo bài viết trên báo điện tử VOV, trong quá trình chuyển đổi, sự nỗ lực của doanh nghiệp là rất quan trọng, nhưng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần rõ ràng, minh bạch và phải coi doanh nghiệp là trung tâm. Việc hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả sẽ góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và giúp Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.
CẢNH BÁO MẠO DANH BỆNH VIỆN ĐỂ TRỤC LỢI
Tình trạng mạo danh thương hiệu bệnh viện, sử dụng giấy tờ giả mạo để kêu gọi chuyển tiền ủng hộ từ thiện... diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới uy tín của các bệnh viện mà còn khiến nhiều người dân rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Theo bài viết trên báo Lao động, các đối tượng này lập lên các trang Facebook Fanpage, TikTok… giả mạo là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, thậm chí lợi dụng danh tiếng của lãnh đạo các bệnh viện. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị bệnh nhằm trục lợi. Nhiều đối tượng còn ngang nhiên trà trộn trực tiếp đóng giả làm người bệnh và người nhà bệnh nhân bắt chuyện với bệnh nhân thật để bán nhiều loại nhân sâm, tam thất không rõ nguồn gốc. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải đưa ra cảnh báo tình trạng trên để người dân tránh bị mắc bẫy.
TẬN DỤNG CƠ HỘI THỊ TRƯỜNG, THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU GẠO
Theo Bộ Công Thương, năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu đối mặt với những thách thức do nguồn cung gạo toàn cầu giảm, dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Theo báo Đại đoàn kết, thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,2 triệu tấn gạo với trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6 % về trị giá so với năm 2023. Để tận dụng cơ hội thị trường, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân cần tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân. Cùng đó, duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm gạo Việt Nam.