Điểm báo 3/6: Tháo gỡ khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm

Tháo gỡ khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm; Nỗ lực kiểm soát lạm phát; Người tiêu dùng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ mua hàng online giá rẻ... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 3/6.

THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM

Báo Hà Nội Mới có bài viết liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn không ít khó khăn.

Hiện nay, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, thực phẩm tương đối lớn nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm đều kiêm nhiệm (lĩnh vực công thương, nông nghiệp), thường xuyên thay đổi vị trí công tác nên hạn chế trong hoạt động kiểm tra, giám sát. Mặc dù việc xử lý vi phạm ở cấp phường được tăng cường hơn trước song chưa kiên quyết, đa số chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Quy định phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm chưa nêu rõ khái niệm quy mô nhỏ lẻ nên khó khăn trong phân loại, phân cấp quản lý; thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, các chỉ tiêu an toàn đối với các sản phẩm, vừa ảnh hưởng đến việc hướng dẫn, kiểm tra, vừa gây khó cho tổ chức, cá nhân trong việc tự công bố sản phẩm.

NỖ LỰC KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 được Quốc hội quyết nghị ở mức 4-4,5%. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã ở mức 4,03%, vượt ngưỡng 4%. Thông tin trên báo Đại Đoàn Kết.

Giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng đây lại thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. Đáng chú ý, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024 vừa góp phần đẩy chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, vừa có thể tạo lạm phát tâm lý... Do đó, để kiểm soát lạm phát trong ngưỡng mục tiêu đã đặt ra, theo bài viết, cần kiểm soát tốt giá hàng hóa trước tác động của lạm phát tâm lý. Về chính sách tiền tệ, dư địa kiểm soát biến động của tỷ giá vẫn còn, nên cần phối hợp tốt với chính sách lãi suất để bảo đảm kiềm chế đà tăng của tỷ giá, tránh tác động bất lợi với lạm phát và các yếu tố vĩ mô khác. Bên cạnh đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024 góp phần kiềm chế lạm phát, Chính phủ cân nhắc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tài khóa như giảm thuế, phí để hỗ trợ giảm gánh nặng chi phí cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

NGƯỜI TIÊU DÙNG DỄ BỊ LÔI KÉO, DỤ DỖ MUA HÀNG ONLINE GIÁ RẺ

Bài viết trên báo Lao Động, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Thương mại điện tử đang ngày càng có tác động lớn, đặc biệt đối với nhóm đối tượng trẻ, người cao tuổi, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa...., trong đó đã phát sinh một số hệ lụy tiêu cực như vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, “nghiện mua hàng”. Nguyên nhân do quy định về trách nhiệm và chế tài đối với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái còn thiếu và chưa đủ mạnh. Bán hàng trên môi trường mạng phát triển quá nhanh trên địa bàn rộng (cả nước), với số lượng giao dịch rất lớn trong khi nguồn nhân lực để giám sát, xử lý còn mỏng. Các thủ đoạn lừa đảo, giả mạo bán hàng trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng mới tham gia mua hàng online dễ bị lôi kéo do các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ mua hàng giá rẻ.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-3-6-thao-go-kho-khan-trong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-224284.htm