Điểm báo: 'Điểm mặt' biểu hiện lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản

'Điểm mặt' biểu hiện lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; Nhân lực ngành du lịch: Vẫn còn những nỗi lo; Doanh nghiệp bất động sản khó có thể giảm giá bán nhà... là những thông tin đáng chú ý trong Điểm báo ngày 23/11.

"ĐIỂM MẶT" BIỂU HIỆN LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Các dự án "đắp chiếu" bị phản ánh gần đây cho thấy lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản đã và đang diễn biến phức tạp. Trên báo điện tử Dân trí có bài viết chỉ ra những biểu hiện điển hình của tình trạng này

Thứ nhất là tình trạng "quy hoạch dự án treo" với biểu hiện công trình xây dựng cơ bản chỉ là kế hoạch trên giấy, không được triển khai đầu tư xây dựng trên thực địa, lãng phí lớn cơ hội phát triển. Thứ hai, tình trạng xây dựng dở dang chậm đưa vào sử dụng, với biểu hiện là các dự án dù đã triển khai trên công trường nhưng bị "chết lâm sàng", chậm tiến độ và đội vốn.

Ngoài ra, là tình trạng công trình đã hoàn thành xây dựng nhưng sử dụng không hiệu quả, với các biểu hiện rõ nét nhất là dự án hiệu suất sử dụng rất thấp so với tính toán ban đầu, thậm chí bị bỏ hoang sau khi khánh thành hoặc sử dụng trái công năng. Các dạng dự án lãng phí loại này trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng mạnh về số lượng và quy mô.

NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH: VẪN CÒN NHỮNG NỖI LO

Lượng khách du lịch những tháng cuối năm đang tăng, giúp ngành du lịch tiến dần tới mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024. Khách du lịch tăng, nhưng nhân lực ngành du lịch... vẫn lo.

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch còn thấp. Để phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ số, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, cần bắt đầu từ cơ sở đào tạo, phải đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt quan tâm đến ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thực tế, thực hành, thực tập. Ngoài ra, từ vấn đề nội tại, mỗi người lao động trong ngành cần tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ.

DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN KHÓ CÓ THỂ GIẢM GIÁ BÁN NHÀ

Tình trạng lệch pha cung - cầu nhà ở tiếp tục là vấn đề nan giải của thị trường bất động sản. Theo báo Lao động, nguồn cung đã dần cải thiện trên thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn cuối năm 2024. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung lại tiếp tục tập trung vào phân khúc cao cấp và giá bán cao ngất ngưởng.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá bán căn hộ cao nhất lên đến 493 triệu đồng/m2, thấp nhất là 30 triệu đồng/m2. Qua trao đổi với một số doanh nghiệp bất động sản đang có dự án sắp triển khai, đa số đều có chung quan điểm đó là khó hạ giá bán nhà trong thời gian tới khi các chi phí cứ tăng theo thời gian. Thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý dự án từ bước chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến khi có giấy phép xây dựng thường kéo dài 2-3 năm, thậm chí nhiều hơn. Như vậy, vốn vẫn đổ vào cho dự án trong thời gian đó, nhưng chủ đầu tư không có nguồn thu nên chỉ còn duy nhất một cách để có thể thu hồi được chi phí, đó là tăng giá sản phẩm. Thêm vào đó, với việc bảng giá đất mới tăng cũng sẽ gián tiếp làm tăng chi phí tạo lập quỹ đất, chi phí đóng tiền sử dụng đất…trong bối cảnh quỹ đất ngày càng bị thu hẹp.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-diem-mat-bieu-hien-lang-phi-trong-dau-tu-xay-dung-co-ban-243903.htm