Điểm báo: Tình trạng thuê người mua ngoại tệ - Cần sớm ngăn chặn

Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần sớm ngăn chặn; Điểm yếu trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn; Thị trường bất động sản: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất; Nan giải xử lý tình trạng tài khoản ngân hàng 'bốc hơi';... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 19/4.

TÌNH TRẠNG THUÊ NGƯỜI MUA NGOẠI TỆ: CẦN SỚM NGĂN CHẶN (HANOIMOI)

Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm người mua hộ ngoại tệ, tiền công từ 700.000 đến 1,5 triệu đồng/ngày. Mặc dù người mua ngoại tệ hộ chưa ý thức được việc này là đúng hay sai nhưng nếu liên tiếp thực hiện hành vi này thì sẽ tạo ra hiện tượng nhiễu loạn về tỷ giá ngoại tệ. Thông tin chi tiết đăng tải trên báo Hanoimoi.

Những người đi du lịch, đi công tác nước ngoài hoặc đi xuất khẩu lao động thì được phép mua ngoại tệ trước 2 ngày bay tại các ngân hàng. Tổng lượng ngoại tệ một cá nhân được quyền mua tại ngân hàng không quá 5.000 USD hoặc các ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. Thực tế có nhiều trường hợp được thuê mua ngoại tệ tại nhiều ngân hàng cùng lúc, hình thành đường dây mua đi bán lại USD nhằm hưởng tiền chênh lệch, tác động tiêu cực đến việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần đề xuất với NHNN nên quy định các ngân hàng khi bán, đổi ngoại tệ cho cá nhân thì cần phải đóng dấu vào hộ chiếu của người đó để họ không thể đồng thời mua ngoại tệ cùng lúc tại nhiều ngân hàng. Đồng thời, cần đưa ra quy định thực hiện liên kết thông tin giữa các ngân hàng để mỗi cá nhân khi mua ngoại tệ sẽ hiện thông tin lên hệ thống, tránh việc tiếp tục mua tại nhiều ngân hàng khác.

ĐIỂM YẾU TRONG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH BÁN DẪN (GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI)

Trên báo Giáo dục và thời đại sáng nay, trong tương lai gần, nhu cầu về nhân lực ngành bán dẫn sẽ tăng đột biến, tuy nhiên công tác đào tạo nhân lực ngành này còn rời rạc và chưa đồng bộ.

Chương trình đào tạo chưa nhất quán, chưa chuẩn quốc tế do ngành bán dẫn mới, năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam còn phải cải thiện. Lao động Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu nên doanh nghiệp phải đào tạo lại 1 – 3 tháng, để thành thạo, làm việc chủ động, độc lập cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm. Dự báo giai đoạn 2025 - 2030, nhu cầu doanh nghiệp khoảng 6.300 người. Các trường đại học, cao đẳng cần phối hợp với doanh nghiệp, xây dựng khung chương trình, kiến thức và đưa sinh viên tham quan, thực tập. Ngược lại, doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường qua góp ý chương trình đào tạo, hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, học bổng cho sinh viên hoặc cử chuyên gia, công nhân lành nghề.

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN: VƯỢT QUA GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN NHẤT (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Ở thời điểm này, phân khúc nhà ở thương mại được nhìn nhận là “điểm sáng” của thị trường bất động sản (bđs) bởi nhu cầu ở phân khúc này luôn duy trì ở mức cao trong suốt thời gian qua.

Theo báo Đại đoàn kết, nhiều ý kiến cho rằng, chu kỳ mới của thị trường BĐS được cho là sẽ diễn ra thực hơn, sát nhu cầu người dân hơn và mọi thành phần tham gia đều có tính toán thực tế sát với nhu cầu, nguồn lực. Giai đoạn này nhà đầu tư sẽ không dễ “lướt sóng”, ăn xổi và không có điều kiện để thực hiện những việc đó nữa. Thị trường đang thật hơn và có một chu kỳ ổn định hơn, bền vững hơn. BĐS xung quanh của các đô thị có hiện tượng ấm lên, đặc biệt dành cho các dự án đáp ứng chủ đầu tư, pháp lý... đây là phân khúc chắc chắn thu hút được khách hàng.

NAN GIẢI XỬ LÝ TÌNH TRẠNG TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG “BỐC HƠI” (VNECONOMY)

Liên tiếp gần đây, nhiều vụ việc tài khoản ngân hàng của người dân bị “bốc hơi” nhưng dường như phần thiệt thòi luôn thuộc về người dùng. Các chuyên gia cho rằng cùng với nâng cao ý thức người dùng thì ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc và đặc biệt là cần nhìn nhận lại những vấn đề đang bị bỏ lửng trong các quy định của luật pháp...

Về nguyên tắc, tất cả thông tin cá nhân của người dùng tại ngân hàng sẽ được bảo mật hoàn toàn, ngân hàng không được phép tiết lộ cho bên thứ 3 theo quy định của luật. Bởi vậy, trong thực tế những vụ lừa đảo, không có thông tin của người nhận thì không thể điều tra, truy xuất được đối tượng xấu. Tuy nhiên, một vấn đề liên quan khác là tài khoản rác. Với những tài khoản đầu nhận rõ danh tính là một vấn đề nhưng với những tài khoản thụ hưởng là “rác” thì gần như vô phương. Chế tài xử phạt tài khoản “rác” hiện nay còn chưa đủ răn đe các ngân hàng, khiến việc mở tài khoản “rác” của các ngân hàng tràn lan, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời phải sửa luật theo hướng khi có nghi ngờ thì phải chặn, không cho dòng tiền di chuyển ở một thời gian nhất định, sau đó khi xác minh sơ bộ, kết hợp cam kết chịu trách nhiệm của người đề nghị/yêu cầu thì mới xử lý tiếp….

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-tinh-trang-thue-nguoi-mua-ngoai-te-can-som-ngan-chan-218942.htm