Điểm chuẩn cao: Không bất thường và được dự đoán
Không nằm ngoài dự đoán, các chuyên gia cho rằng, điểm chuẩn của các trường năm nay cao không có gì bất thường. Điều này đã được các chuyên gia tư vấn và khuyến cáo thí sinh trước khi điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Không bất thường
Không bất ngờ khi điểm chuẩn của nhiều trường đại học tăng cao, TS Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh: Điều này được phân tích, dự đoán từ trước. Kỳ thi năm nay với mục đích xét tốt nghiệp THPT là chính, vì thế điểm thi của thí sinh cao hơn so với Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Do đó, việc điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học được đẩy lên cao là tỷ lệ thuận. Mặt khác, năm nay các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau nên chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp lại. Theo đó, tỷ lệ “chọi” sẽ cao và đương nhiên điểm chuẩn sẽ được đẩy lên.
Cho rằng năm nay các trường tuyển sinh thuận lợi, nguồn tuyển dồi dào, TS Nguyễn Đào Tùng nhận định: Những trường tuyển sinh bổ sung đợt 2 sẽ tuyển được những thí sinh có chất lượng và có thể yên tâm tuyển đủ chỉ tiêu. Theo lãnh đạo Học viện Tài chính, năm nay nhiều thí sinh điểm cao nhưng chủ quan, chọn “điểm rơi” không chuẩn nên trượt trong đợt tuyển sinh lần này. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh sang năm sẽ khó đoán và có nhiều thách thức. Dự báo, các trường đại học sẽ có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau; thậm chí sẽ có trường tuyển sinh trước, chỉ chờ học sinh tốt nghiệp THPT là xong.
Phản biện với ý kiến điểm chuẩn năm nay tăng cao bất thường, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nêu ý kiến: Điểm chuẩn cao đã được dự báo trước. Điểm thi cao nên nhiều thí sinh tăng số nguyện vọng xét tuyển của mình lên; đồng thời tập trung đăng ký vào trường tốp đầu. Đây là những lý do khiến điểm chuẩn của các trường tốp đầu tăng cao.
“Khác với trước đây, các trường chỉ có một điểm chuẩn và lấy từ cao xuống thấp nên không thể nào đến 29 - 30 điểm. Hiện nay, điểm chuẩn được lấy theo mã ngành. Chẳng hạn, 53 ngành sẽ có 53 điểm chuẩn. Vì thế, có những ngành “hot”, sẽ đông thí sinh đăng ký nên điểm chuẩn được đẩy lên” - PGS.TS Bùi Đức Triệu viện dẫn, đồng thời cho biết: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã tuyển đủ ngay trong đợt 1.
Vẫn còn cơ hội cho thí sinh
TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) phân tích: Phổ điểm năm nay cao hơn khoảng 3 điểm so với năm trước. Ngoài ra, nhiều trường đã thích ứng với cơ chế tự chủ tuyển sinh nên áp dụng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức tuyển thẳng. Theo đó, chỉ tiêu chính thống của các trường đại học, đặc biệt là trường tốp đầu giảm. Ngoài ra, nhiều thí sinh đã không tận dụng tốt cơ hội của mình khi điều chỉnh nguyện vọng, nên thay đổi chưa đúng và chưa trúng. Đó là lý do khiến điểm chuẩn của các trường năm nay tăng cao.
Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Thành, thí sinh vẫn còn cơ hội ở các đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo. Chẳng hạn, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, đợt tuyển sinh này nhà trường tuyển sinh được khoảng 70% chỉ tiêu. Như vậy, 30% chỉ tiêu còn lại sẽ là cơ hội cho các thí sinh trong đợt xét tuyển bổ sung tới đây.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Thí sinh đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi. Đặc biệt, sau khi có điểm thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng để phù hợp với kết quả thi và các điều kiện tuyển sinh. Qua đó, nâng cao khả năng trúng tuyển vào các ngành nghề theo nguyện vọng, sở trường. Quá trình tuyển sinh bảo đảm quyền tự chủ của nhà trường (xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định điều kiện tuyển sinh, tham gia nhóm hay tuyển sinh độc lập; dự tính tỷ lệ ảo, xác định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển…) theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, các trường đã minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh, cung cấp thông tin cần thiết cho thí sinh và minh bạch kết quả tuyển sinh.
Kế thừa thành công năm 2018, 2019, tuyển sinh năm 2020 đã điều chỉnh một số kỹ thuật nhỏ, khắc phục hạn chế và áp dụng công nghệ thông tin triệt để trong các khâu đăng ký dự thi, xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển, xác nhận thí sinh nhập học lên hệ thống, bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo…
Theo phổ điểm thi THPT mà Bộ GD&ĐT đã phân tích và công bố ngay sau khi có kết quả, nhìn chung đã thể hiện việc phân loại thí sinh với từng môn học. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, việc ra đề thi tập trung ở lớp 12. Với cơ sở trên, phương thức sử dụng tổ hợp các điểm thi THPT để tuyển sinh vào các ngành trình độ đại học của nhà trường cao hơn năm 2019, tùy thuộc vào từng ngành, trường và vùng miền.
Theo kế hoạch, trước 17 giờ ngày 10/10 (tính theo dấu bưu điện) thí sinh xác nhận nhập học đợt 1. Trước 17 giờ ngày 14/10, các trường cập nhật thông tin thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Từ ngày 15/10, các trường xét tuyển bổ sung (chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 15 ngày so với ngày xét tuyển).