Điểm chuẩn Đại học 2021 cao ngất ngưởng: Cơ hội nào dành cho các sĩ tử chưa trúng tuyển?
Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021, nhiều sĩ tử đã bật khóc vì không thể trúng tuyển bất kỳ nguyện vọng nào.
Điểm chuẩn tăng mạnh, 27 điểm vẫn không trúng tuyển đại học
Chiều ngày 16/9, các trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Mùa tuyển sinh "chốt hạ" với mức điểm chuẩn cao kỷ lục, có ngành gây sốc khi tăng đến 9 điểm so với năm 2020.
Đa số điểm chuẩn của các trường đại học tốp đầu đều dao động từ 27 trở lên, có ngành lấy trên điểm tuyệt đối (30). Đặc biệt là ở các khối ngành Kinh tế, Sư phạm, Khoa học Tự nhiên... điểm chuẩn cao hơn dự kiến 1 - 2 điểm. Bên cạnh đó, một số ngành vốn điểm chuẩn xét tuyển ở tầm trung nay tăng "đột biến", từ mức 20 vọt lên đến 24, 25 điểm. Điều này dẫn đến mặc dù đã đặt nhiều nguyện vọng dự phòng, nhiều bạn vẫn không may rơi vào ô "mất lượt".
"Bạn mình 26 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển đại học do nguyện vọng cuối tăng hơn 5 điểm so với năm trước. Mình cũng không biết nên an ủi như thế nào, chỉ biết im lặng vì không thể tin nổi", chia sẻ từ bạn Ngọc Minh (Quận 7, TP.HCM).
Tài khoản Facebook có tên viết tắt Y.A chia sẻ trên một nhóm dành cho học sinh: "Vì thiếu 0.3 cho NV1 nên năm sau mình cũng định "phục thù". Nhưng cũng sợ mình sẽ lại thất bại lần nữa..."
Sau 2 ngày các trường đại học công bố điểm chuẩn với quá nhiều bất ngờ, nhiều sĩ tử 2K3 vẫn còn hoang mang khi lần lượt tuột mất 7, 8 nguyện vọng, thậm chí là không đậu nguyện vọng nào. Mặc dù kết quả không như mong đợi, tuy nhiên đây không phải là cánh cửa duy nhất để teen có thể trở thành tân sinh viên.
Vẫn còn "tấm vé" từ đợt tuyển bổ sung
Theo lịch tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2021 của Bộ GD&ĐT, dự kiến từ ngày 3/10, các cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung (các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 15 ngày so với ngày xét tuyển).
Các thí sinh chưa trúng tuyển có thể tham gia đợt xét tuyển bổ sung. Các đối tượng có thể tham gia đợt xét tuyển bổ sung gồm: Thí sinh không đỗ tất cả các nguyện vọng đã đăng ký trong đợt 1; Thí sinh đỗ nguyện vọng đã đăng ký nhưng không xác nhận nhập học và những thí sinh không đánh dấu vào mục số 9 dùng kết quả để xét tuyển trong đợt 1.
Hãy cân nhắc kỹ khi đặt bút điền nguyện vọng ở đợt xét tuyển này, nên rút kinh nghiệm để đặt nhiều nguyện vọng dự phòng ở mức 15 - 20, đồng thời tham khảo thông tin từ những năm trước về mức chênh lệch điểm chuẩn để có thêm nhiều cơ sở quyết định.
Đối với các teen điểm cao nhưng không trúng tuyển do chỉ đặt nguyện vọng ở các ngành quá "sốt", đợt tuyển sinh bổ sung này chính là cơ hội để giành lấy những "tấm vé" đúng với năng lực của bản thân.
Cân nhắc xét học bạ hay thi lại vào năm sau
Bên cạnh đợt xét tuyển bổ sung, teen cũng có thể cân nhắc giữa các trường đại học vẫn còn tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ. Một số trường như ĐH HUFLIT, ĐH FPT, ĐH Hồng Bàng... vẫn nhận hồ sơ xét tuyển đến hết tháng 9.
Tuy nhiên, teen nên quyết định dựa trên định hướng ngành nghề và mức tài chính của gia đình. Không nên miễn cưỡng "nhắm mắt chọn đại" một ngành không phù hợp với sở thích và khả năng của mình. Không học đại học trong năm nay, teen vẫn có thể thử sức vào năm sau cũng không muộn.
Hiện nay, ngày càng nhiều thí sinh lựa chọn ôn tập và tham gia thi lại để tiếp tục cố gắng, quyết tâm đỗ nguyện vọng yêu thích. Lựa chọn này giúp các bạn học sinh có nhiều thời gian để định hướng ngành nghề và tích lũy kiến thức. Đồng thời, kinh nghiệm "thực chiến" từ năm nay có thể giúp các bạn có tâm lý vững chắc hơn khi bước vào phòng thi.
Bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, teen cũng có thể tham gia xét tuyển đại học vào năm sau bằng hình thức thi đánh giá năng lực của hai khối ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM.