Điểm chung đáng ngại của người trẻ ở hai nước đông dân nhất thế giới
Cuộc sống của nhiều thanh niên 25 tuổi ở Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng: lo toan tiền bạc, cố gắng làm việc và chưa nghĩ tới chuyện lập gia đình, theo The Guardian.
Theo dự báo mới nhất của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, lần đầu tiên đánh bật Trung Quốc khỏi vị trí dẫn đầu suốt nhiều thập kỷ qua.
Cả hai quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nhân khẩu học. Trung Quốc đau đầu tìm cách giải quyết những hệ quả của chính sách một con lên nền kinh tế và sự già hóa dân số.
Còn Ấn Độ đang muốn tận dụng thế hệ thanh niên đang bùng nổ, trong khi quản lý sự chênh lệch lớn về tốc độ tăng trưởng giữa các bang.
The Guardian phỏng vấn hai thanh niên cùng ở độ tuổi 25 ở hai quốc gia này về cuộc sống hiện tại và nguyện vọng của họ. Điểm chung của họ là cảm thấy thu nhập bấp bênh, nuôi ước vọng về nghề nghiệp và hiện chưa dám tính đến chuyện kết hôn, sinh con.
“Tôi không có thời gian cho bản thân”
Với Xue Pengyu, phần lớn thời gian trong ngày, 7 ngày/tuần là dành cho công việc.
Là trợ giảng tại một trường cao đẳng nghệ thuật ở thành phố An Dương (tỉnh Hà Nam), anh sống trong khuôn viên trường cùng với các sinh viên của mình, những người không trẻ hơn Xue nhiều.
Khi Xue rời trường trung học cách đây 7 năm, anh chuyển đến Thiên Tân, một thành phố vệ tinh của Bắc Kinh, để học thiết kế đồ họa.
Dân số của Thiên Tân nhiều hơn gấp đôi dân số của An Dương và chỉ cách thủ đô khoảng 30 phút đi tàu. Sau khi tốt nghiệp đại học, Xue ở lại Thiên Tân và làm việc tại một trường mầm non. Anh nuôi hy vọng sinh sống, làm việc lâu dài ở đó, hoặc ít nhất chuyển đến một khu đô thị lớn khác.
Song, 3 năm dịch bệnh gián đoạn đã phá hỏng giấc mơ đó. Xue không còn lựa chọn nào khác ngoài quay trở lại quê nhà.
Xue tự nhận hoàn cảnh sống hiện tại khiến việc tìm bạn gái khó khăn. Anh không muốn hẹn hò với đồng nghiệp, còn bản thân công việc đã tiêu tốn nhiều sức lực.
“Học sinh đang ở trong lứa tuổi nổi loạn, vì vậy tôi cần quan tâm đến cảm xúc, theo dõi hành vi của chúng và sắp xếp công việc học tập. Về cơ bản, tôi không có thời gian cho chính mình ngoài trừ những lúc ăn, ngủ”, anh nói.
Thu nhập không cao cũng hạn chế các lựa chọn của nam thanh niên. Mặc dù quê nhà hiện tại có mức sống tương đối rẻ và Xue được trường cung cấp chỗ ở, mức lương khoảng 3.000 nhân dân tệ/tháng chỉ đủ để nuôi mình chàng trai, không dư dả để hỗ trợ gia đình.
Song, Xue vẫn giữ suy nghĩ lạc quan về tương lai: công việc có tiềm năng thăng tiến và sẽ khiến anh thấy hài lòng trong ít nhất 3 năm tới.
Phần nào, Xue cho rằng mình vẫn khá giả hơn những người bạn đã chuyển đến các thành phố lớn như Quảng Châu và Thâm Quyến ở phía nam hay Thượng Hải ở bờ biển phía đông.
“Lương ở đó không đủ để xây dựng một gia đình. Đối với họ, giấc mơ mua nhà, kết hôn còn xa vời hơn”.
Hiện tại, Xue không nghĩ đến việc có con. Chàng trai thấy thoải mái về lối sống của mình, nhưng có con sẽ là một “gánh nặng lớn”.
“Tôi thích làm bất cứ điều gì mình muốn. Tôi không muốn bị giam cầm ở nhà và phải chăm sóc một đứa trẻ. Tôi sẽ cảm thấy khó chịu vì điều đó. Khi còn làm việc ở trường mầm non, một số đứa trẻ rất dễ thương và tôi muốn có đứa con của riêng mình. Tuy nhiên, mong muốn đã giảm xuống sau khi tôi cân nhắc thực tế”.
"Thu nhập không đủ tiền học"
Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời Ranjan Kujur (bang Jharkhand) đến khi dì của anh nhận ra rằng người cháu có tố chất thông minh, song sẽ không có cơ hội phát triển nếu ở lại ngôi làng quê hương nhỏ bé.
Cha của Kujur thất nghiệp, mẹ anh không được đi học, ngôi trường làng thiếu thốn.
Kujur chuyển đến ở với dì ở thành phố Ranchi vào năm 6 tuổi, đúng lúc vào tiểu học. Trường học ở thành phố đã giúp chàng trai có một nền tảng vững chắc, cuộc sống ở đô thị giúp Ranchi có nhiều cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Kujur bắt đầu thích khiêu vũ. Sau khi làm những công việc lặt vặt trong một năm, anh lấy hết can đảm để tham gia một lớp học khiêu vũ. Huấn luyện viên nhận thấy Kujur có tài năng nên quyết định dạy miễn phí.
“Tôi cảm thấy tự do khi nhảy. Đó là cuộc sống của tôi và tôi yêu nó”, Kujur nói.
Muốn lập nghiệp tại Bollywood, Kujur muốn học khiêu vũ 3 năm và lấy bằng tốt nghiệp ở Mumbai, nhưng chi phí khoảng 51.000 rupee/tháng, vượt xa ngoài khả năng của chàng trai.
Thu nhập trung bình hàng tháng của anh chỉ ở mức 16.000 rupee. Số tiền này chỉ đủ trả cho nhu cầu hàng ngày, không đủ để học đại học.
“Quá trình phát triển của tôi còn chậm. Cách duy nhất là làm việc chăm chỉ hơn nữa và tiết kiệm tiền cho việc tốt nghiệp, có thế cơ hội mới rộng mở với tôi”.
Cho đến lúc tốt nghiệp, Kujur không nghĩ đến chuyện kết hôn. “Tôi vẫn còn trẻ”, anh quả quyết, ngoài ra nói không có nhiều thời gian cho việc yêu đương.
“Tất nhiên tôi sẽ kết hôn vào một ngày nào đó nhưng chỉ khi tôi đã ổn định. Nghề khiêu vũ có rất nhiều sự cạnh tranh, vì vậy tôi thực sự phải vượt trội lên”.
Kujur dành phần lớn thời gian trong ngày để luyện tập theo các video clip trên mạng, hoặc dạy gia sư cho các lớp nhảy. Một ngày làm việc hiếm khi kết thúc trước 20h.
“Bố mẹ tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có một vũ công trong gia đình và đó không phải là công việc họ muốn tôi làm. Song, tôi sống độc lập, không xin họ tiền. Cả hai có thể thấy tôi đang làm việc chăm chỉ như nào để tạo ra thành tựu”, anh nói.