Điểm chung giữa Nguyễn Du và tác giả đoạt giải Nobel

Theo nhà văn Nhật Chiêu, 'nói được những điều không thể nói thành lời' là điều mà đại thi hào Nguyễn Du và tác giả Jon Fosse đã làm được.

 Nhà văn Nhật Chiêu tại buổi chia sẻ với độc giả về tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse. Ảnh: Đức Huy.

Nhà văn Nhật Chiêu tại buổi chia sẻ với độc giả về tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse. Ảnh: Đức Huy.

Khi bàn về tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse (tác giả đoạt giải Nobel văn học), nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã so sánh với Nguyễn Du để thấy được cách một nhà văn tạo nên kiệt tác. Đó chính là khả năng nói ra những điều không thể nói được thành lời. Đối với tác giả Fosse, dù Ba màn kịch chứa đầy tội ác nhưng người đọc không thấy bất kỳ cảnh nào mô tả một cách rùng rợn.

Điều làm nên một kiệt tác

Trong tác phẩm Ba màn kịch, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ rằng bản thân cảm thấy bất ngờ khi quá trình nam chính Asle đã thực hiện ba vụ giết người được thể hiện rất kín đáo. Dù vậy, các chứng cứ và cách tác giả dẫn dắt vẫn có thể người đọc đều hướng về một kết luận rằng Asle là hung thủ. Điều này tạo ra một khoảng trắng khiến độc giả tò mò, buộc phải suy luận và tham gia vào “viết tiếp” cho tác phẩm.

Theo nhà văn Nhật Chiêu đánh giá, đây là một thành công của tác giả khi đã kết nối được với bạn đọc. Ông khiến họ tham gia vào trò chơi của người viết, dù độc giả hiểu đúng hay hiểu sai, Fosse vẫn đạt được ý đồ sâu xa của mình.

“Chi tiết rõ nhất là khi Asle bị treo cổ, tên đao phủ hỏi Asle tên gì. Asle đón nhận án tử của mình mà không kêu oan hay chối bỏ. Trong trí nhớ của Alida, cô cũng không oán hận vì chồng oan ức. Đến hồi ba, đứa con gái ám ảnh nói về người cha dượng của nó đều liên quan tới ba vụ giết người. Ba vụ giết người nếu không do Asle gây ra, tác giả Fosse không tạo dựng tác phẩm như này”, nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ với độc giả tại buổi trò chuyện chiều ngày 29/6.

 Buổi trò chuyện cùng độc giả với chủ đề "Nghệ thuật thanh lọc trong tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse" có sự góp mặt của nhà văn Nhật Chiêu (bên trái) và bà Mette Møglestue (Phó đại sứ Na Uy tại Việt Nam).

Buổi trò chuyện cùng độc giả với chủ đề "Nghệ thuật thanh lọc trong tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse" có sự góp mặt của nhà văn Nhật Chiêu (bên trái) và bà Mette Møglestue (Phó đại sứ Na Uy tại Việt Nam).

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự tài tình của tác giả Jon Fosse, nhà văn Nhật Chiêu có nhắc tới Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cả hai tác giả này đều không đi sa vào mô tả dài dòng tội ác, chỉ với một vài chi tiết họ cũng có thể làm cho độc giả phải rùng mình, rơi vào suy tư.

“Đại thi hào Nguyễn Du không mô tả kỹ lưỡng lý do chính Thúy Kiều phải lưu lạc 15 năm. Ông chỉ sử dụng một câu thơ ‘Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ’. Không ai biết ‘thằng bán tơ’ đã nói gì, nhưng độc giả ngầm hiểu rằng thằng bán tơ đã khiến gia đình Kiều phải khốn đốn. Đó cũng là điểm hay của Fosse, nói lên những điều không nói được thành lời”, nhà văn Nhật Chiêu cho biết.

Ông cũng cho rằng những kiệt tác sẽ không bao giờ sa vào các cảnh tượng rùng rợn, kinh dị để hù dọa người xem. Đại thi hào Nguyễn Du hay tác giả Fosse đều “ngụy trang những sự phức tạp bằng bề ngoài đơn giản”.

Tình yêu trong trắng của Asle và Alida

Trong tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse, tình yêu của Alida dành cho Asle là một câu chuyện tình đẹp đẽ nhưng cũng đầy bi kịch và cảm xúc sâu sắc. Phó đại sứ Na Uy, bà Mette Møglestue nhận định: “Mối tình giữa Alida và Asle khiến tôi cảm thấy rung động vì nó quá đỗi giản dị và chân thành”.

Alida sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu tình thương. Cô không được mẹ chăm sóc, chở che. Những ký ức tuổi thơ của cô tràn ngập nỗi bất hạnh. Tình yêu, một khái niệm dường như xa vời và mơ hồ đối với Alida. Tuy nhiên, một ngày nọ cuộc sống của cô bất ngờ trở nên sống động hơn khi cô nghe thấy tiếng vĩ cầm của Asle.

 Tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse đã ra mắt tiếng Việt hồi tháng 4/2024.

Tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse đã ra mắt tiếng Việt hồi tháng 4/2024.

Âm nhạc của Asle không chỉ là những giai điệu đơn thuần; đó là ngôn ngữ của trái tim, tiếng gọi của tình yêu mà Alida chưa từng biết đến. Đó là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời cô, khi cô nhận ra rằng tình yêu tồn tại và có thể chạm tới cô, ngay cả trong những điều kiện khốn cùng nhất.

“Asle, một người đàn ông cô độc. Anh là người duy nhất mà Alida cảm thấy có thể tin tưởng và dựa vào. Alida tin tưởng vào Asle một cách tuyệt đối. Tình yêu của cô dành cho anh mạnh mẽ đến mức cô sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, chịu đựng mọi gian khổ để được ở bên anh”, nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ.

Hình ảnh Alida lê lết thân mình giữa cơn mưa lạnh, với cái thai trong bụng và đêm tối bao trùm, là một minh chứng cho sức mạnh và sự kiên định của tình yêu cô dành cho Asle. Thông qua câu chuyện này, tác giả Jon Fosse cho thấy dù cuộc đời có đầy rẫy những bất hạnh và khổ đau, tình yêu đích thực vẫn có thể nảy nở và mang lại ánh sáng cho những tâm hồn lạc lối. Tình yêu của Alida dành cho Asle là nghệ thuật thanh lọc, độc giả có thể cảm thấy một vẻ đẹp hiện lên đằng sau những bi kịch.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/diem-chung-giua-nguyen-du-va-tac-gia-dat-gia-nobel-post1483791.html