Điểm dân cư gắn kết chốt dân quân biên giới - Bài cuối: Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Campuchia tiếp tục được vun đắp, phát triển. Tình hình biên giới hai nước cơ bản ổn định, tạo tiền đề xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, thuận lợi cho phát triển kinh tế; xây dựng khu vực biên giới trở thành phên dậu vững chắc của Tổ quốc.
Hướng đến hiệu quả, bền vững
Trước yêu cầu của tình hình mới, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, quần chúng nhân dân là chủ thể trong bảo vệ biên giới. Chính vì vậy, Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới của Quân khu 7 đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, trong đó đặc biệt quan tâm đến tính bền vững, hiệu quả của việc người dân có đủ điều kiện để sinh sống tại các Điểm dân cư được xây dựng.
Với mục tiêu lớn hướng tới tận dụng nguồn lực tại chỗ, khai thác tiềm năng, lợi thế từ người dân trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, các Điểm dân cư trong Đề án được xây dựng cách Chốt dân quân từ 200m-1.500m, có đường giao thông liên kết với khu dân cư hiện hữu. Mỗi hộ gia đình thuộc các Điểm dân cư được chính quyền địa phương cấp đất sản xuất nông nghiệp hoặc giao khoán quản lý, bảo vệ đất rừng, đất trồng cây công nghiệp; dạy nghề thủ công, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chăn nuôi… đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài với mức thu nhập tối thiểu bằng mức thu nhập trung bình ở nông thôn.
Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Trợ lý Phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân khu 7 cho biết, các đối tượng tiếp nhận nhà thuộc Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới là các dân quân đang công tác tại Chốt dân quân biên giới, dân quân thường trực, quân nhân dự bị, gia đình cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên của Quân đội, Công an, Biên phòng… đó là những người tình nguyện sống bên đường ranh biên giới, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và có khả năng, điều kiện đảm bảo cuộc sống, định cư bền vững nơi biên giới.
Đánh giá được tầm quan trọng của việc đảm bảo bền vững cuộc sống người dân vùng biên giới, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã bàn bạc, phối hợp và nhận được sự thống nhất cao của lãnh đạo các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước về chủ trương triển khai Đề án, đảm bảo người dân phải được bố trí việc làm, hỗ trợ sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài; người dân được sử dụng điện từ hệ thống điện lưới quốc gia hoặc điện mặt trời, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có sóng phát thanh truyền hình, sóng thông tin di động và được đảm bảo chăm sóc y tế, trẻ em được đến trường…
Chung tay cùng Quân khu 7, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong thực hiện Đề án còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và nhân dân nơi xây dựng Điểm dân cư, cùng các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp lớn của các địa phương có đường biên giới đã chủ động ủng hộ kinh phí hỗ trợ triển khai dự án, cam kết tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm canh tác, sản xuất của các hộ gia đình Điểm dân cư. Đây cũng là một trong những yếu tố tiên quyết đảm bảo cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của Đề án.
Chia sẻ sau buổi lễ khánh thành Điểm dân cư liền kề Chốt biên giới Bến Cừ, Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 nhấn mạnh: Chủ trương triển khai Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới là để hiện thực hóa chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới, với phương châm mỗi người dân là một cột mốc sống để bảo vệ biên giới. Các Điểm dân cư biên giới giúp các chiến sỹ dân quân tự vệ, biên phòng dựa vào dân, góp phần bảo vệ đường biên, mốc giới và cũng là để người dân dựa vào các chiến sỹ yên tâm sản xuất nơi biên giới.
Những khu dân cư trù phú trên tuyến biên giới
Đại tá Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân khu 7 cho biết, hiện địa bàn Quân khu 7 có 77 dự án xây dựng khu, điểm dân cư biên giới. Đa số các điểm dân cư đều đã được chính quyền địa phương bố trí, vận động nhân dân đến ở, nhưng do khó khăn về ngân sách đầu tư, điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất… nên một số dự án triển khai chậm hoặc đã tạm ngừng. Chính vì vậy, việc xây dựng các Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới với đầy đủ yếu tố đảm bảo cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, công trình phúc lợi xã hội; đảm bảo đời sống nhân dân sinh sống… không chỉ có tác dụng trực tiếp đến những chủ nhân các Điểm dân cư, mà còn là sợi dây kết nối, kích thích sự phát triển của các khu, điểm dân cư biên giới đang hiện hữu.
Theo kế hoạch, trong năm 2019, Quân khu 7 phối hợp cùng các địa phương xây dựng 7 Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới. Từ năm 2020 đến 2022 sẽ xây dựng tiếp 27 Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu 7 tại các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước. Từ năm 2023-2025 là giai đoạn phát triển một số Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới trở thành các Cụm dân cư trên tuyến biên giới và triển khai các chương trình, kế hoạch đảm bảo sự phát triển bền vững của Cụm dân cư biên giới.
Bên cạnh các nhóm giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo đời sống cho người dân yên tâm bám biên giới, Quân khu 7 và các địa phương biên giới cũng sẽ tập trung đến nhóm giải pháp đảm bảo sự kết nối vững chắc Điểm dân cư biên giới với các Chốt dân quân biên giới, Bộ đội Biên phòng, lực lượng vũ trang tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; tuyên truyền, vận động nhân dân Điểm dân cư biên giới thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh giao lưu hữu nghị, hợp tác với các địa phương của Campuchia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đánh giá về ý nghĩa của việc xây dựng các Điểm dân cư liền kề Chốt biên giới, ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh khẳng định, việc xây dựng các Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới là một chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, vừa mang tầm chiến lược lâu dài, nhằm hình thành lực lượng tại chỗ và chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới.
Triển khai Đề án cũng là thực hiện chính sách “An dân giữ đất biên cương”, nâng cao sức mạnh tổng hợp của thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh trên biên giới, tăng cường sức mạnh phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. “Trong tương lai không xa, từ những điểm dân cư ban đầu, sẽ phát triển thành Khu dân cư đông đúc, trù phú trên tuyến biên giới”, ông Phạm Văn Tân nhấn mạnh.