Điểm danh 4 ứng viên tranh tài tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023
4 thí sinh xuất sắc chiến thắng các vòng thi quý góp mặt trong vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23 ngày 8/10 tới đây.
Bốn nam sinh sẽ so tài tại chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 23 là Nguyễn Việt Thanh (THPT Sóc Sơn, Hà Nội), Nguyễn Minh Triết (THPT chuyên Quốc học - Thừa Thiên Huế), Lê Xuân Mạnh (THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa), Nguyễn Trọng Thành (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng).
Nam sinh cao điểm nhất năm
Nguyễn Trọng Thành, lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng chiến thắng áp đảo ở trận thi quý IV, chương trình Đường lên đỉnh Olympia với 330 điểm, giành tấm vé cuối cùng vào trận chung kết.
Trọng Thành cho rằng Olympia là sân chơi về kiến thức, do đó không có sự chuẩn bị nào hợp lý hơn là đọc kỹ sách giáo khoa, xem báo đài. Cùng đó, cậu kết nối với bạn bè có cùng đam mê để đấu tập. Từ cuối năm lớp 10 đến nay, trung bình một ngày Thành chơi một trận. Nếu gặp những câu hỏi không trả lời được, cậu sẽ ghi lại, dành thời gian tìm hiểu khi rảnh.
"Từ một câu không biết, khi tra cứu, nó sẽ ra nhiều vấn đề khác. Em học được rất nhiều thứ mỗi lần như vậy", Thành kể.
Là học sinh chuyên Anh, cậu học trò đến từ Hải Phòng thấy mình có thế mạnh ngôn ngữ, kiến thức lịch sử, xã hội. Thành thường giành điểm các câu hỏi thuộc lĩnh vực này, có lần trở thành bước ngoặt, góp phần đưa em tới trận chung kết.
Trong trận thi quý IV, nam sinh bứt tốc ấn tượng trước màn bám đuổi liên tục của bạn chơi Đăng Khoa. Kết thúc phần thi Tăng tốc, Thành đạt 180 điểm, Khoa 170 điểm. Là người thi Về đích đầu tiên, Thành giành trọn vẹn 70 điểm, nâng tổng điểm lên thành 250, Đăng Khoa cũng tràn đầy hy vọng với 220 điểm. Tuy nhiên, ở phần thi của thí sinh cuối cùng, Thành giành được quyền trả lời hai câu, đạt tổng 330 điểm và giành vòng nguyệt quế.
Là thí sinh có ít thời gian chuẩn bị cho trận chung kết nhất, Thành thừa nhận gặp một chút khó khăn. Từ giờ đến cuối tuần, Thành ưu tiên đọc báo, xem thời sự, không cố nhồi nhét kiến thức sách vở mà chú trọng rèn phản xạ trả lời câu hỏi.
Vào chung kết Olympia sau 300 trận đấu tập
Nguyễn Việt Thành, lớp 12 trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) giành chiến thắng áp đảo trong trận quý I, là thí sinh đầu tiên giành tấm vé vào chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia với 325 điểm. Thành cho rằng ngoài may mắn, đây là thành quả sau một năm rèn luyện với gần 300 trận đấu tập của mình.
Trong một khoảng thời gian dài, Việt Thành có quan điểm học sâu một thứ vẫn hơn mỗi thứ biết một chút. Em cảm thấy mình không phù hợp với Olympia - sân chơi đòi hỏi kiến thức nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, khi vào THPT Sóc Sơn và tìm hiểu về Câu lạc bộ Olympia (OSS) của trường, Thành dần có cái nhìn khác về chương trình này. Cậu nhận ra "kiến thức đa dạng giúp mình ứng biến nhanh nhẹn hơn" và đặt mục tiêu tham dự Olympia.
Ngoài Câu lạc bộ Olympia Sóc Sơn, Việt Thành còn gia nhập cộng động cựu thí sinh và học sinh muốn tham dự chương trình này. Trong năm lớp 10, Thành duy trì đấu tập mỗi tuần một lần với các bạn trong câu lạc bộ và thi đấu với thành viên ở cộng đồng Olympia. "Mùa hè năm ngoái, ngày ít thì em chơi 4-5 trận, nhiều thì 9-10 trận. Tổng số trận em đã đấu tập khoảng 300", Thành nhẩm tính.
Không phải học sinh nào gửi đơn đăng ký tham dự Olympia cũng sẽ trở thành thí sinh, nên khi nhận được giấy mời ghi hình của ban tổ chức hồi tháng 11/2022, Thành vỡ òa vì vui sướng. Tuy nhiên, nam sinh chỉ còn bốn ngày để chuẩn bị, và lịch thi đấu tuần, tháng, quý diễn ra trong ba ngày liên tiếp.
Trong từng trận đấu, nam sinh trường THPT Sóc Sơn thể hiện phong cách thi đấu điềm tĩnh, bản lĩnh. Trên màn hình, khán giả ít khi thấy Thành thể hiện cảm xúc, ngay cả khi em giành điểm, nhưng nam sinh cho biết trước khi chương trình bắt đầu, em đã lo tới mức không ăn được cơm, ho khan và chảy nước mắt. Để lấy lại tinh thần, Thành nghĩ về việc mình thua cuộc. "Khi đã nghĩ về kết quả tệ nhất, em thấy mình có động lực, bình tĩnh và quyết tâm hơn để điều đó không xảy ra", Thành bày tỏ.
Nam sinh đánh giá mình có thế mạnh trong những câu hỏi về Lịch sử, Xã hội và hiểu biết chung. Điều này được thể hiện rõ nhất qua từng vòng thi.
Thần tượng của Thành tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia là Hà Việt Hoàng, cựu học sinh THPT Sóc Sơn, từng vào chung kết Olympia năm 2017, Phan Đăng Nhật Minh và Nguyễn Hoàng Khánh, hai quán quân năm 2017 và 2021.
Nam sinh chia sẻ, học hỏi lối chơi điềm tĩnh, kiến thức đa dạng của các đàn anh. Ngoài việc học và đấu tập Olympia, thời gian rảnh, Thành sẽ đá bóng, xem tin tức và đọc sách. Em thường đọc những tác phẩm văn học nổi tiếng, thích nhất tác phẩm "Tuổi thơ dữ dội" của tác giả Phùng Quán, và những sách khoa học.
Quyết tâm giành vòng nguyệt quế
Nguyễn Minh Triết, lớp 12 Lý, trường THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế, giành chiến thắng thuyết phục trong trận quý II, chương trình Đường lên đỉnh Olympia với 290 điểm. Giây phút biết mình góp mặt trong trận chung kết, Triết khóc.
"Olympia là cơ hội để em phát triển tiềm năng của bản thân, cũng là trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ của thời học sinh", cậu từng nói.
Chàng trai Huế tự nhận bản thân có thế mạnh ở các câu hỏi về thể thao, nghệ thuật, âm nhạc và kiến thức xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong từng phần thi mà Triết trải qua, cậu hiếm khi bỏ lỡ các câu hỏi thuộc những lĩnh vực này.
Khoảnh khắc ý nghĩa nhất với Triết là ở trận thi quý, khi cậu trả lời "Nguyễn An Ninh", giành 30 điểm với câu hỏi tác giả của bài chính luận "Tiếng mẹ đẻ - Nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức" trong gói Về đích của thí sinh khác. Thời điểm đó, Triết đang dẫn đầu với khoảng cách 40 điểm với người thứ hai. Với việc giành thêm 30 điểm, Triết nới khoảng cách lên 70, trong khi chỉ còn hai câu hỏi với tổng 60 điểm.
Để chuẩn bị cho trận chung kết, Triết tập trung nhiều thời gian nghiên cứu vài trận chung kết gần đây, duy trì thói quen đọc báo và xem tin tức để bổ sung kiến thức xã hội, cải thiện khả năng tiếng Anh. Cậu cũng sẽ nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô, anh chị để ôn luyện hiệu quả hơn. Để cân bằng, Triết vẫn duy trì sở thích nghe nhạc, đọc sách và gặp gỡ bạn bè.
Thầy Hoàng Lĩnh, giáo viên chủ nhiệm của Minh Triết tại trường THPT chuyên Quốc học, cho biết từ khi vào lớp 10, Triết đã gây ấn tượng vì ghi nhớ tốt, thích tìm hiểu kiến thức mới và luôn cầu tiến trong học tập. Triết học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là Vật lý.
Ban đầu, thầy Lĩnh định hướng dẫn Triết vào đội tuyển học sinh giỏi Vật lý, nhưng khi học trò thi Olympia cấp trường, thầy đánh giá nam sinh này có kiến thức xã hội rộng, phù hợp với sân chơi này.
Dù không làm cán sự lớp, nam sinh tích cực tham gia hoạt động phong trào, thích bóng đá, văn nghệ.
Nắm giữ kỷ lục điểm số
Lê Xuân Mạnh, lớp 12, trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, giành chiến thắng kịch tính trong cuộc thi quý III, chương trình Đường lên đỉnh Olympia với 160 điểm. Sau 12 năm, Thanh Hóa mới có học sinh góp mặt trong trận chung kết Olympia, đây cũng là lần đầu trường THPT Hàm Rồng có học sinh tham dự sân chơi này.
Tính đến thời điểm này, Mạnh vẫn đang giữ kỷ lục về tổng điểm cao nhất trong một trận đấu ở Đường lên đỉnh Olympia 23 với 345 điểm trong trận tuần 3 tháng 1 quý III (ngày 24/4/2023).
"Lúc gửi bản đăng ký, em chỉ mong qua vòng tuần, thậm chí nghĩ có thua thì đừng thua quá đậm. Chơi chung kết là kết quả ngoài mong đợi của em", Mạnh nói.
Cậu học trò xứ Thanh định hướng thi Olympia khá muộn. Trong khi nhiều thí sinh đặt mục tiêu từ THCS, cuối năm lớp 10, Mạnh mới nghĩ về điều này. Thời điểm đó, em mới tham dự cuộc thi kiến thức "Âm vang xứ Thanh", đạt kết quả tốt và tự hỏi "Sao không thử sức ở sân chơi lớn hơn?".
Trong trận thi tuần và tháng, chỉ với một gợi ý, nam sinh trường Hàm Rồng đều trả lời chính xác từ khóa của phần thi Vượt chướng ngại vật, tạo khoảng cách điểm số với các bạn chơi. Song, Mạnh cho rằng đây không phải phần thi sở trường, gặp may vì đáp án xuất hiện từ những suy nghĩ bất chợt.
Để chuẩn bị cho cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Xuân Mạnh thường giành điểm tại các câu hỏi thuộc lĩnh vực Văn học, Lịch sử, kiến thức chung nhờ khả năng ghi nhớ tốt.
Thầy Dương Văn Hạnh, giáo viên dạy Toán và là chủ nhiệm của Xuân Mạnh, đánh giá lợi thế của học trò là ý thức ham học hỏi. Mạnh đang học đội tuyển Toán nhưng thầy giáo "luôn có cảm giác Mạnh học chuyên nào cũng được" vì học đều, khả năng ghi nhớ và nền tảng kiến thức tốt, thái độ học nghiêm túc.
Mạnh cũng năng nổ trong các hoạt động của đoàn trường, nhiệt tình với bạn bè. Em cân bằng tốt giữa việc học và giải trí, vui chơi, nên không thuộc tuýp "mọt sách".
Tự đánh giá tâm lý chưa vững vàng, tiếng Anh và các câu hỏi thực hành Vật lý, Hóa học là điểm yếu của mình, nam sinh xứ Thanh cũng đấu tập nhiều hơn để cải thiện bản lĩnh thi đấu, luyện nghe ngoại ngữ, xem lại hướng dẫn thực hành trong sách giáo khoa, trên Youtube.