Điểm danh những cơ sở giáo dục đại học có chỉ tiêu tuyển sinh 'khủng'

Nhiều cơ sở giáo dục đại học có chỉ tiêu tuyển sinh 'khủng' - từ trên 5.000 sinh viên trở lên.

Sinh viên Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội).

Sinh viên Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội).

Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) công bố thông tin tuyển sinh năm 2024. Theo đó, nhà trường tuyển sinh gần 11.300 chỉ tiêu cho 55 ngành/chương trình đào tạo, với 4 phương thức xét tuyển:

Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Phenikaa (5 - 10%) tổng chỉ tiêu;

Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (40 - 60%) tổng chỉ tiêu;

Xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT (30 - 40%) tổng chỉ tiêu;

Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (5 - 10%) tổng chỉ tiêu.

Năm 2024, Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự kiến tuyển gần 6.000 sinh viên, thuộc 18 nhóm ngành với 43 ngành đào tạo. Học viện áp dụng 4 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (Xét học bạ); Xét tuyển kết hợp.

ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 18.000 chỉ tiêu, với các phương thức xét tuyển gồm:

Thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và dự bị đại học, người nước ngoài xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Quy chế, Quy định đặc thù của ĐH Quốc gia Hà Nội;

Thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (ngưỡng đầu vào) do ĐH Quốc gia Hà Nội quy định;

Thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đạt tối thiểu 80/150 điểm trở lên; xét tuyển theo các phương thức khác.

Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển hơn 9.200 sinh viên, gồm 3 phương thức tuyển sinh: xét tuyển tài năng (XTTN) (khoảng 20%); xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy (khoảng 30%); xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (khoảng 50%).

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển hơn 7.600 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm trước, trong đó có chỉ tiêu của ngành mới mở là An toàn thông tin. Trường sử dụng 6 phương thức tuyển sinh, trong đó dành 65% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Các phương thức còn lại gồm xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và thí sinh có chứng chỉ quốc tế (8%); xét học bạ THPT (15%); xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (6%) và điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (6%).

Trường ĐH Giao thông Vận tải tuyển sinh hệ đại học chính quy với 6.000 chỉ tiêu (tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2023). Trong đó, trường tuyển sinh tại cơ sở chính ở Hà Nội là 4.500 chỉ tiêu, tại Phân hiệu TP Hồ Chí Minh là 1.500 chỉ tiêu.

Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh 12.500 chỉ tiêu trình độ đại học, tăng 2.600 chỉ tiêu theo 4 phương thức xét tuyển độc lập.

Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh thông báo tăng 2.000 chỉ tiêu, xét tuyển theo 4 phương thức. Theo đó dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển 7.000 sinh viên cho 33 ngành đào tạo.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/diem-danh-nhung-co-so-giao-duc-dai-hoc-co-chi-tieu-tuyen-sinh-khung-post689960.html