Điểm danh những thói quen giúp phòng ngừa cháy nhà trong đêm
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà vào ban đêm gây thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy người dân cần xây dựng một số thói quen để phòng ngừa cháy nổ.
Liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà trong đêm
Khoảng 4h39 ngày 15/1, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy nhà tại số 4 Hàng Lược (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm).
Nhận được tin báo, Trung tâm đã điều động 7 xe cứu hỏa cùng 39 cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường dập lửa. Chưa đầy 10 phút sau, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tiếp cận vụ cháy và tiến hành cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, cảnh sát xác định có 4 nạn nhân đã tử vong gồm: Ông N.Đ.H. (SN 1954, chủ hộ); bà Đ.T.H. (SN 1961); cháu N.B.T.T. (SN 2014) và cháu N.B.H.P. (SN 2017). Cả nhà chỉ có 1 người thoát nạn thành công qua ban công tầng 4 là chị N.M.H. (SN 1988, là con của ông N.Đ.H.).
Chị H. chia sẻ mình đã hướng dẫn gia đình đi từ tầng 3 lên tầng 4 để ra ban công thoát nạn nhưng không hiểu sao ông bà lại dẫn 2 cháu chạy ngược trở lại theo hướng cầu thang bộ xuống phía dưới.
Theo Công an TP Hà Nội, ngôi nhà xảy ra cháy là loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh. Mặt bằng tầng 1 được gia đình dùng để kinh doanh hoa tươi, từ tầng 2 đến tầng 4 dùng để ở. Cơ sở thuộc diện được quản lý về PCCC theo khu dân cư trên địa bàn phường Hàng Mã.
Trước đó, lúc 3h ngày 14/1, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy nhà dân tại địa chỉ 17 - 19 Tô Tịch (quận Hoàn Kiếm).
Nhận được tin báo, Trung tâm đã điều động 4 xe chữa cháy của Công an quận Hoàn Kiếm và Ba Đình đến hiện trường.
Tại hiện trường, lửa bốc cao trên tầng 2 căn nhà, 2 người bị kẹt trong đám cháy là cụ T.T.D. (SN 1937) và bà H.T.Q. (SN 1953) được lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đưa ra ngoài an toàn.
Xây dựng thói quen sử dụng thiết bị điện an toàn
Theo một chuyên gia về PCCC&CNCH, những vụ cháy vào thời điểm đêm khuya đến rạng sáng rất nguy hiểm, bởi vì người dân đang trong giấc ngủ say, khi phát hiện ra cháy thì đã muộn.
"Tại các vụ cháy vừa xảy ra, phần lớn các ngôi nhà thuộc loại nhà ở kết hợp kinh doanh, có dạng nhà ống nên khi xảy ra hỏa hoạn rất khó để thoát ra ngoài. Thêm vào đó, ngọn lửa có điều kiện để lan nhanh, tạo ra nhiều khói, khí độc ảnh hưởng đến quá trình thoát nạn", vị chuyên gia PCCC&CNCH cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, phần lớn các vụ cháy có nguyên nhân từ chập các thiết bị điện gây cháy. Đây là nhóm nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của người dân trong sinh hoạt.
Vị chuyên gia PCCC&CNCH dẫn chứng, các thiết bị điện đã cũ nếu bật từ tối đến đêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Các thiết bị như pin máy tính xách tay, pin điện thoại... được người dân sạc qua đêm nhưng sử dụng các loại sạc, dây sạc kém chất lượng cũng có thể sinh ra chập, cháy.
"Người dân cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện trong gia đình để đảm bảo các thiết bị này hoạt động tốt; chủ động lắp các đầu báo cháy, báo khói để sớm phát hiện ra sự cố hỏa hoạn; tự trang bị thiết bị chữa cháy ban đầu để có thể tự xử lý đám cháy ngay khi phát sinh", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân nên có thói quen kiểm tra, tắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi đi ngủ để hạn chế các sự cố chập, cháy không đáng có.