Điểm danh trên 30 dự án 'ma' của địa ốc Alibaba
Chỉ tính riêng tỉnh Đồng Nai, Alibaba đã rao bán 29 dự án 'ma', thu về hàng trăm tỷ đồng.
Chiều 18/9,Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp Công an TP.HCM kiểm tra, khám xét tại trụ sở Công ty cổ phần địa ốc Alibaba trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Đồng thời tiến hành các thủ tục bắt giam ông Nguyễn Thái Luyện, CEO địa ốc Alibaba và ông Nguyễn Thái Lĩnh, em trai của ông Luyện để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, PC03 - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan. Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với: Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Alibaba) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đặt trụ sở chính tại 120 - 122 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Thái Luyện (góp vốn 80%), hai cổ đông còn lại là em ruột của bị can gồm Nguyễn Thái Lĩnh và ông Nguyễn Thái Lực
Từ khi thành lập năm 2016 đến nay, Công ty Alibaba và hơn 20 công ty do các cổ đông của Alibaba lập ra đã phân lô trên giấy và bán nền tại 48 khu đất tại các khu vực TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận. Cơ quan chức năng địa phương, cho biết những vị trí đất do Công ty Alibaba phân lô bán nền, là đất nông nghiệp, do các cá nhân đứng tên.
29 dự án “ma” tại Long Thành - Đồng Nai
Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, Công ty Alibaba đã rao bán 29 dự án “ma” tại Đồng Nai. Trong đó, gồm 27 dự án tại huyện Long Thành (nơi xây sân bay Long Thành), 1 dự án ở huyện Xuân Lộc và 1 dự án ở huyện Nhơn Trạch.
Cụ thể các dự án tại huyện Long Thành được phân bố ở 6 xã gồm: Phước Bình (3 dự án gồm Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III); An Phước (1 dự án Alibaba an Phước); Phước Thái (1 dự án Alibaba Phước Thái Capital); Bàu Cạn và Tân Hiệp (1 dự án Alibaba Bàu Cạn Riverside); Long Phước (21 dự án gồm Long Phước 1-16, Long Phước Golden Point, Long Phước Golden Point 2, Khu dân cư Quốc tế Lilama, Alibaba Long Thành Capital, Long Phước Residence). Hai dự án còn lại là Ali Aqua Nhơn Trạch tại xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) và Ali Mega Xuân Lộc tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc).
Với mác “tự vẽ” thành đất dự án, “tự vẽ sơ đồ khu dân cư, rồi phân lô bán nền… hàng trăm khách hàng nhẹ dạ đã dính bẫy bỏ tiền vào mua. Công ty này thậm chí còn cam kết thành đất thổ cư 100% để bán cho khách hàng. UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần công bố Đồng Nai chưa cấp phép bất kỳ dự án khu dân cư nào cho Địa ốc Alibaba, nhưng công ty này vẫn ngang nhiên rao bán đất nền "ảo" trên website.
Hàng loạt khu đất nông nghiệptại Bà Rịa - Vũng Tàu phù phép là đất dự án
Tại xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ), Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Alibaba rao bán đất nền trên diện tích tổng thể là 5ha. Công ty Alibaba cũng vẽ thành dự án mang tên Alibaba Tân Thành Center City 5. Khu đất không nằm trong quy hoạch dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhưng chủ đất tự làm hạ tầng, phân lô, rao bán nền rầm rộ. Hiện, Công ty Alibaba đã phân phối 291 nền tại đây, đã thu về hơn 97 tỉ đồng trong tổng trị giá gần 130 tỉ đồng.
Đây cũng chính là dự án đã bị cưỡng chế, và xảy ra tình trạng nhiều nhân viên của Công ty Alibaba đã kéo tới để cản trở việc cưỡng chế.
Tại xã Đông Xoài, thị xã Phú Mỹ, còn một khu đất khác được ông Nguyễn Thái Lực đứng tên. Khu đất này cũng là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi, nhưng Công ty Alibaba đã rao bán với tên gọi dự án Alibaba Tân Thành Center City. Hiện cũng đã có nhiều người dân đổ tiền vào mua. UBND xã Đông Xoài cũng đã có quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Thái Lực, đồng thời yêu cầu chấp hành khắc phục hậu quả… nhưng ông này không thực hiện.
Tại xã Châu Pha, Công ty Alibaba cũng rao bán khu đất rộng 10 ha do ông Nguyễn Ngọc Sự (Hà Nội) đứng tên. Khu đất này là đất nông nghiệp nhưng cũng được công ty rao là đất dự án, phân lô bán nền. Đặc biệt khuôn viên khu đất đã tự ý rải đường nhựa, làm hạ tầng. Chính quyền địa phương đã nhiều lần lập biên bản xử phạt. Và mới đây ban hành quyết định cưỡng chế một văn phòng xây dựng không phép có diện tích 500m2.
Bình Thuận: không có dự án nào mang tên Khu đô thị sinh thái Ali Venice City
Trước đó, báo Giao thông đưa tin, lãnh đạo xã Tân Phúc, thị trấn Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) cho biết, không có dự án nào có tên gọi là Khu đô thị sinh thái Ali Venice City. Vị trí Alibaba quảng cáo bán hiện đang là khu trang trại Thiên Sơn Trang của của ông G. (ngụ TP.HCM) có diện tích 200 ha, nằm ở địa bàn thôn 4, xã Tân Phúc (Hàm Tân). Hiện toàn bộ khu đất này vẫn là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và đến nay chưa chuyển mục đích đất ở. Chính quyền xã Tân Phúc hiện nay cũng đã cho dựng một bảng thông báo lớn gần cổng ra vào Thiên Thai Sơn Trang với nội dung: “Cảnh báo khu vực này hiện nay không có bất kỳ dự án phân lô bán nền nào được cấp phép thực hiện. Đề nghị bà con cảnh giác…”. Thế nhưng thời gian qua, Công ty Alibaba vẫn liên tục rao bán dự án này.
Trong những ngày qua, tại trụ sở Công ty Alibaba không ít khách hàng đến để “đòi” trả lại tiền đã mua đất. Thậm chí trong ngày 18/9, có khách hàng đến công ty này phải khóc lóc van xin, mong cho họ xin lại tiền.
Trước đó, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của báo chí liên quan đến vi phạm của Địa ốc Alibaba và có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Kết quả xử lý sẽ được Bộ Công an báo cáo Thủ tướng trong tháng này.