Điểm đến của hòa bình

Quảng Trị - Đòn gánh hai đầu đất nước hình chữ S được lịch sử giao sứ mệnh đặc biệt. Trên đường tiến về phương Nam mở cõi, năm 1558 Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã chọn Dinh Cát (Ái Tử), Quảng Trị làm thủ phủ của Thuận Hóa, rồi Thuận Quảng (1558 - 1626); thời Triều Nguyễn, Nhà vua yêu nước Hàm Nghi chọn Thành Tân Sở (Cam Lộ) làm kinh đô kháng chiến lâm thời (1885 - 1888); sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh - Gio Linh là giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc suốt hơn 20 năm ròng (7/1954 - 30/4/1975); dòng sông Thạch Hãn thuộc huyện Triệu Phong - thị xã Quảng Trị, năm 1973 là nơi trao trả tù binh các bên theo Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; thị trấn Cam Lộ là nơi được chọn đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1973 - 1975)... Những dấu mốc lịch sử đáng nhớ đó cùng với thời gian đã nuôi dưỡng, bồi đắp và nhân lên lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình của người dân Quảng Trị qua bao thế hệ tiếp nối.

Du khách viếng, thắp hương tri ân tại di tích Thành Cổ Quảng Trị -Ảnh: Đ.T

Du khách viếng, thắp hương tri ân tại di tích Thành Cổ Quảng Trị -Ảnh: Đ.T

Quảng Trị là một trong những chiến trường ác liệt nhất của các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài hơn 20 năm. Nơi đây là tiêu điểm của chiến tranh hủy diệt tận cùng và mất mát đau thương vô hạn.

Không một làng quê, ngọn núi, dòng sông, cánh đồng nào ở Quảng Trị mà không bị bom đạn cày đi xới lại. Đơn cử như huyện Vĩnh Linh, đầu cầu giới tuyến, tiền đồn miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam, kết thúc chiến tranh mỗi đầu người gánh chịu 7 tấn bom và 10 quả đạn pháo các loại của địch.

Thị xã Quảng Trị diện tích chưa đầy 6 km2 mà kẻ thù dội xuống nơi đây hơn 320 ngàn tấn bom đạn. Chỉ trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, Thành Cổ Quảng Trị phải chịu đựng một khối lượng bom đạn của Mỹ - ngụy tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ dội xuống thành phố Hyroshima của Nhật Bản năm 1945... Trên đất Quảng Trị, hàng vạn người con ưu tú của mọi miền đất nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do và hòa bình của dân tộc. Hiện nay, Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia là Đường 9 và Trường Sơn, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hàng vạn anh hùng liệt sĩ...

Chỉ từng ấy thôi cũng đủ chứng minh rằng Quảng Trị là miền đất lửa, “đất thiêng hội tụ”. Vì thế khát vọng hòa bình luôn trào dâng, luôn cháy bỏng trong mỗi người dân Quảng Trị. Hòa bình là tiếng gọi thiết tha nhất của nhân loại và người Việt Nam, càng mãnh liệt đối với người dân Quảng Trị - nơi bị chiến tranh hủy diệt tận cùng và hy sinh mất mát tận cùng. Quảng Trị rất xứng đáng được tôn vinh là vùng đất vì hòa bình, điểm đến của hòa bình. Không có nơi đâu khác trên đất nước Việt Nam xứng đáng hơn Quảng Trị để tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình tôn vinh giá trị hòa bình.

Cờ Tổ quốc tung bay tại Cụm di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải -Ảnh: Đ.T

Cờ Tổ quốc tung bay tại Cụm di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải -Ảnh: Đ.T

Những dấu mốc lịch sử, sự tích bi hùng trên mảnh đất Quảng Trị và khát vọng hòa bình thường trực trong mỗi người dân Quảng Trị là cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động mang thông điệp hòa bình. Do vậy, Chính phủ và các ban, bộ, ngành đã đồng tình ủng hộ để Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình định kỳ hai năm một lần với không gian bao trùm các địa danh quan trọng của tỉnh. Cụm di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Thành Cổ Quảng Trị; bãi biển Cửa Việt, thành phố Đông Hà... là những địa chỉ mà các hoạt động lễ hội sẽ diễn ra. Lễ hội được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế.

Mục tiêu của lễ hội là tôn vinh giá trị vĩnh hằng của hòa bình; kêu gọi, cổ vũ nhân loại chung tay kiến tạo và gìn giữ hòa bình bền vững; nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng trên hành tinh tươi đẹp của chúng ta; tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; bồi đắp và phát huy hơn nữa lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình cho các thế hệ hôm nay và mai sau; tạo ra không gian mở quy tụ mọi giai tầng xã hội, các tôn giáo, các dân tộc cả nước và bạn bè quốc tế cùng tham gia. Lễ hội từng bước xây dựng Quảng Trị thành không gian văn hóa Vì Hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt tận cùng do chiến tranh. Là nơi hội ngộ của bầu bạn, hò hẹn, chia sẻ của những thành phố, những địa phương, những quốc gia từng chịu chung số phận như Quảng Trị trên toàn thế giới.

Có thể kể đến như: thành phố Rotterdam (Hà Lan); Dresden, Cologne, Berlin (Đức); London (Anh); Stalingrad (Nga); Hiroshima, Nagasaki (Nhật Bản)... Lễ hội là dịp để kêu gọi sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ hòa bình; mở cửa, hội nhập, hợp tác cùng phát triển, xây đắp hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng.

Vì thế các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cần phải đa dạng, phong phú, độc đáo, đặc sắc phản ánh những nét văn hóa truyền thống và đương đại mang ý nghĩa quốc gia và quốc tế, trong đó điểm nhấn là nét văn hóa riêng có của Quảng Trị, tạo ra thương hiệu thu hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân và du khách trong và ngoài nước.

Toàn bộ các hoạt động của Lễ hội Vì Hòa bình là thể hiện nội dung sâu sắc, độc đáo chạm đến cảm xúc chứa đựng tinh thần nhân văn và nhân loại. Lễ hội không chỉ hướng đến những giá trị tốt đẹp mà còn khơi gợi cảm hứng tự hào cho các thế hệ vững bước trên hành trình hội nhập và phát triển đất nước phồn vinh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Lễ hội góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp lòng yêu nước nồng nàn, khẳng định sứ mệnh đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, lòng quả cảm vô song và tinh thần nhân văn Việt Nam. Qua đó, kết nối loài người tiến bộ, chung tay kiến tạo hòa bình cho Việt Nam và thế giới bằng những hành động cụ thể thiết thực hằng ngày, xây đắp những giá trị cốt lõi tốt đẹp và bền vững.

Quảng Trị là chiến trường khốc liệt nhất, nơi hy sinh mất mát nhiều nhất, hậu quả chiến tranh rất nặng nề và lâu dài. Quảng Trị đồng sức đồng lòng nỗ lực khắc phục hậu quả; các quốc gia bè bạn, các tổ chức quốc tế đã viện trợ nhiều dự án cùng Quảng Trị khắc phục hậu quả của chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Quảng Trị đã có quan hệ hợp tác với hơn 60 tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các đối tác đã vận động hơn 91 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại, nhất là tổ chức MAG trong 25 năm hoạt động tại Quảng Trị đã hoàn thành rà phá gần 180 triệu m2 đất, hủy nổ an toàn hơn 230.000 vật liệu nổ các loại, mang lại cuộc sống an toàn cho gần 700 nghìn người dân.

Những việc làm trên là minh chứng hùng hồn cho quan điểm chung sống hòa bình, đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy của các quốc gia, dân tộc của Đảng ta và tư tưởng ngoại giao nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện sinh động trên quê hương Quảng Trị.

Hoa đã nở trên vỏ bom còn sót lại sau chiến tranh -Ảnh: Đ.T

Hoa đã nở trên vỏ bom còn sót lại sau chiến tranh -Ảnh: Đ.T

Quảng Trị có một hệ thống di tích chiến tranh vô cùng đồ sộ và độc đáo. Hiện Quảng Trị có đến 562 di tích văn hóa vật thể và 342 di tích văn hóa phi vật thể, trong đó có 4 cụm di tích đặc biệt quốc gia và 10 bảo vật quốc gia. Trong hệ thống di tích chiến tranh đồ sộ và độc đáo đó, phải kể đến các di tích có giá trị cao đối với hoạt động du lịch hồi tưởng, hoài niệm thu hút, hấp dẫn các cựu chiến binh, chính khách, nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh và du khách như: Địa đạo Vĩnh Mốc, Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, Đường 9 - Khe Sanh, đảo Cồn Cỏ, di tích Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9...

Có thể khẳng định, Quảng Trị là bảo tàng sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng. Những năm qua, Quảng Trị rất thành công trong việc tổ chức chương trình “Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Sau COVID-19, du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Hai năm 2022 - 2023 và đầu năm 2024, du lịch có nhiều khởi sắc.

Năm 2023, Quảng Trị đón 2.030.000 lượt khách, trong đó có 74.000 lượt khách quốc tế, doanh thu xã hội đạt 1.956 tỉ đồng. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nhất là lễ hội cách mạng như: Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội Tri ân tháng Bảy, Lễ hội Vì Hòa bình... tạo cơ hội cho du lịch phát triển, góp phần tích cực để Quảng Trị là điểm đến của hòa bình, giá trị hòa bình hội tụ và lan tỏa...

Lễ hội Vì Hòa bình tổ chức lần đầu tại Quảng Trị năm 2024 thành công sẽ mở ra cơ hội cho việc tổ chức các lần sau với quy mô lớn hơn. Lễ hội sẽ là thông điệp mạnh mẽ chuyển tải giá trị muôn thuở của hòa bình đến với mọi miền đất nước và thế giới. Đồng thời là dịp để hình ảnh mảnh đất, con người Quảng Trị mang trong mình khát vọng hòa bình, khát vọng phát triển đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Quảng Trị mở lòng, giang tay chào đón bầu bạn, du khách với hy vọng tràn trề sẽ phát triển nhanh và bền vững ngay trên mảnh đất bị hủy diệt tận cùng do chiến tranh, trở thành miền đất hứa đầy tiềm năng và cơ hội bứt phá.

Thông qua lễ hội, chứng minh hùng hồn rằng: Đất nước Việt Nam, quê hương Quảng Trị rất yêu chuộng hòa bình, khát khao hòa bình, xây dựng cuộc sống ấm no, thịnh vượng. Quảng Trị - Điểm đến của hòa bình.

Nguyễn Văn Dùng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/diem-den-cua-hoa-binh-186673.htm