Điểm đến du lịch y tế mới của châu Á

Osaka là một trong nhiều thành phố trên khắp Nhật Bản đang nỗ lực thu hút những du khách muốn kết hợp các phương pháp điều trị y tế tiên tiến với một kỳ nghỉ phục hồi sức khỏe.

 Khách sạn Mitsui Garden Kashiwanoha Parkside hỗ trợ bệnh nhân cung thư và gia đình. Ảnh: Nikkei Asia.

Khách sạn Mitsui Garden Kashiwanoha Parkside hỗ trợ bệnh nhân cung thư và gia đình. Ảnh: Nikkei Asia.

Trước thềm khai mạc World Expo 2025 ở Osaka, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản hy vọng sự kiện đình đám này cũng sẽ làm nổi bật lên sức hút của du lịch y tế tại đây.

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy du lịch y tế trong nước từ năm 2009. Vào năm 2011, nước này còn tung ra thị thực y tế tăng thời gian lưu trú một lần lên đến 6 tháng và số lần quay lại không giới hạn trong 3 năm sau đó. Tuy nhiên, sáng kiến này hầu như chưa thể triển khai mở rộng.

Lĩnh vực du lịch y tế Nhật Bản sau đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Nhằm vào du khách giàu có

Giờ đây, Osaka là một trong số nhiều thành phố trên khắp Nhật Bản đang hợp tác với các ngành liên quan cũng như các công ty y tế và du lịch tư nhân để thu hút những du khách muốn kết hợp các phương pháp điều trị y tế tiên tiến trong kỳ nghỉ tăng cường phục hồi sức khỏe.

Các điểm đến khác cũng được thiết kế để thu hút du khách nước ngoài là Sapporo ở Hokkaido; Okinawa; thành phố Minokamo, tỉnh Gifu; và thành phố Sendai, thuộc tỉnh Miyagi.

Hãng du lịch JTB và công ty bất động sản Mitsui Fudosan nằm trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cách thu hút khách du lịch nước ngoài giàu có bằng các dịch vụ y tế chuyên biệt, ẩm thực sang trọng hoặc cơ hội trải nghiệm thiên nhiên.

Cụ thể, những công ty này muốn nắm bắt nhu cầu của du khách ở phân khúc hơn 1 triệu yen/người (6.700 USD) trong một chuyến đi. Những du khách “dày ví” dự kiến mang lại tác động kinh tế gấp 9 lần so với khách du lịch thông thường.

JTB hợp tác với FonesLife, một công ty con của NEC, để cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu có thể xác định nguy cơ mắc bệnh ung thư và đau tim của khách hàng. Dịch vụ này sẽ là một phần của gói khám sức khỏe thể chất, lần đầu tiên được cung cấp tại ba cơ sở và theo kế hoạch sẽ mở rộng ra khoảng 10 địa điểm.

Số lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ du lịch y tế thông qua JTB đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ tính đến cuối tháng 9/2023. Số lượng du khách đến Nhật Bản chữa bệnh đã phục hồi gần 80% so với mức của năm 2019 (trước đại dịch Covid-19).

Takanori Matsushima, người đứng đầu bộ phận kinh doanh y tế và chăm sóc sức khỏe của JTB cho biết: “Chúng tôi ghi nhận nhiều khách du lịch đến từ Đông Nam Á”.

Ông cho rằng so với các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc, các sáng kiến du lịch y tế của Nhật Bản chỉ mới bắt đầu nhưng “chúng tôi tự tin có thể sớm sánh ngang với các quốc gia khác trong lĩnh vực này".

Khách sạn Mitsui Garden Kashiwanoha Parkside, một chi nhánh của Mitsui Fudosan, nằm cạnh bệnh viện ung thư, đã giới thiệu dịch vụ của mình vào mùa hè vừa rồi tới các điều phối viên du lịch, những người thường là đầu mối liên hệ đầu tiên của những bệnh nhân đang cân nhắc việc đi du lịch.

Theo công ty thẻ tín dụng Sumitomo Mitsui Card, dịch vụ y tế chiếm phần lớn chi tiêu của những du khách giàu có.

Một phân tích về những du khách chi hơn 3 triệu yen ở Nhật Bản trong năm qua cho thấy tỷ lệ lớn thuộc về hạng mục "bệnh viện và phòng khám", chiếm 30% chi tiêu trong nước. Đây là hạng mục cao nhất sau "kim loại quý và đồng hồ".

Ông Matsushima cho rằng Nhật Bản có một số lĩnh vực chăm sóc y tế đi trước các nước khác trên thế giới, chỉ ra các liệu pháp sử dụng tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS) để điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch và phát triển các phương pháp điều trị liên quan.

Vào tháng 4/2022, trường y thuộc Đại học Osaka đã công bố bước đột phá trong việc cấy ghép tế bào giác mạc được tạo ra từ tế bào iPS. Lần đầu tiên trên thế giới, trường đại học đã có thể khôi phục thị lực cho 3 người có thị lực kém. Trường đại học hiện đang hợp tác với các công ty tư nhân để cung cấp quy trình này cho công chúng.

Vào năm 2020, một nhóm khác tại bệnh viện đại học đã thực hiện ca cấy ghép tế bào cơ tim đầu tiên trên thế giới bằng tế bào iPS, trong khi công ty Sumitomo Pharma có trụ sở tại Osaka vào năm 2021 đã thông báo sẽ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng trong việc sử dụng phương pháp điều trị tái tạo cho bệnh Parkinson - tương tự như sử dụng các tế bào iPS được lập trình lại.

 Một bệnh nhân chuẩn bị chụp MRI tại một bệnh viện ở Nhật Bản. Ảnh: Shutterstock.

Một bệnh nhân chuẩn bị chụp MRI tại một bệnh viện ở Nhật Bản. Ảnh: Shutterstock.

Ông Matsushima cho biết chìa khóa thành công của du lịch y tế ở Nhật Bản là mang đến dịch vụ chăm sóc sẵn có.

Du lịch ẩm thực cũng nở rộ

Những nỗ lực tương tự đang thực hiện trên lĩnh vực ẩm thực.

Công ty Archis, ở thành phố Yamaguchi, đã tung ra thị trường rượu sake cổ điển "Mujaku" với giá 980.000 yen. Họ cũng mở một cơ sở lưu trú cho phép nuôi thú cưng, đặc biệt dành cho những du khách giàu có. Cơ sở này đã đón tiếp ba cặp vợ chồng giàu có đến từ Hong Kong và tiếp đãi bữa tối nấu bằng các nguyên liệu địa phương.

Vào mùa thu vừa rồi, họ triển khai kinh doanh dịch vụ cắm trại, đưa ra những dịch vụ đáng chú ý bao gồm đầu bếp du lịch và nhân viên hướng dẫn đa ngôn ngữ.

Ngân hàng Yokohama đã phát triển một số chuyến tham quan ẩm thực và lịch sử với sự hợp tác của Tablecross có trụ sở tại Tokyo, bao gồm một chuyến tham quan cho phép khách du lịch chụp ảnh mặc áo giáp tại lâu đài Odawara và thưởng thức ẩm thực kaiseki truyền thống khi geisha biểu diễn.

 Du lịch Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023. Ảnh: Nikkei Asia.

Du lịch Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023. Ảnh: Nikkei Asia.

Hokkaido, với thiên nhiên hùng vĩ, đang tập trung thúc đẩy du lịch mạo hiểm chú trọng trải nghiệm để thu hút những du khách giàu có.

Cục Giao thông vận tải Hokkaido ước tính du khách tham gia các chuyến du lịch như vậy sẽ chi từ 370.000 đến 550.000 yen, gấp đôi chi tiêu của một du khách thông thường đến Nhật Bản. Vào tháng 9/2023, nơi đây đã tổ chức một hội nghị quốc tế về sự hấp dẫn của các chuyến du lịch theo phong cách mạo hiểm.

Theo kế hoạch xúc tiến du lịch được nội các Nhật Bản thông qua vào cuối tháng 3/2023, Nhật Bản có khoảng 290.000 du khách giàu có chi hơn 1 triệu yen, chỉ bằng 1% tổng số du khách vào năm 2019. Nhưng họ chiếm tới 11,5% tổng số tiền chi tiêu của du khách, khoảng 550 tỷ yen.

Với sự phục hồi nhanh chóng của du lịch trong nước, tác động về môi trường do khách du lịch gây ra đang là vấn đề gây nhiều sự chú ý trên toàn cầu. Ô nhiễm nước đã trở thành một vấn đề ở Venice, Italy. Cải thiện chất lượng chi tiêu trong nước có thể giúp giảm bớt vấn đề như vậy.

Một thách thức để thu hút nhiều du khách giàu có hơn là đảm bảo sự riêng tư. Trong khi thiếu lao động trong nhiều ngành công nghiệp, ngành du lịch và nhà hàng ở Nhật Bản bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 7 của Teikoku Databank, 70% nhà trọ và khách sạn nước này cho biết họ đang thiếu nhân lực.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://znews.vn/diem-den-du-lich-y-te-moi-cua-chau-a-post1450954.html