Điểm đến hấp dẫn của tương lai

BPO - Nghị quyết 14 ra đời đã trở thành “cú huých” thực sự đối với ngành văn hóa - du lịch Bình Phước. Với quyết tâm đưa nghị quyết vào cuộc sống, toàn hệ thống chính trị Bình Phước đã vào cuộc mạnh mẽ với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm đánh thức tài nguyên du lịch còn “ngủ quên”. Đặc biệt, theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau khi phát triển các tuyến cao tốc kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, nhất là tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) cũng như khi hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, hệ thống kết nối giao thông giữa các trục động lực phát triển của tỉnh như đường Đồng Phú - Bình Dương, tuyến đường phía Tây QL13 kết nối Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư, ĐT753... được hình thành, Bình Phước sẽ trở thành “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ là điều không còn xa.

Định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam

Biết đến Bình Phước qua Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, được tổ chức tại TP. Đồng Xoài và Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024 tại huyện Bù Đăng, anh Trần Quốc Điền, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, anh đã “cảm sâu hơn” được Bình Phước là một vùng đất đầy thi vị với con người hiền hòa, mến khách. Anh Điền cho biết: “Hồi trước, bạn mình nói ở Bình Phước nhưng thú thực là mình chưa một lần đến nên không tưởng tượng ra Bình Phước có trảng cỏ Bù Lạch, có sóc Bom Bo với truyền thống anh hùng giã gạo nuôi quân, có những cung đường mùa cao su lá rụng đẹp đến nao lòng... Qua 2 lần đến đây tham dự các sự kiện được tổ chức tại TP. Đồng Xoài và huyện Bù Đăng, mình và nhiều người nghĩ, chắc chắn sẽ quay lại Bình Phước để khám phá phong cảnh, đặc sản và tìm hiểu về những giá trị văn hóa đặc sắc nơi đây”.

Rất đông các vận động viên đến với thành phố Đồng Xoài tham gia Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II và tìm hiểu phong cảnh, đặc sản, văn hóa, con người nơi đây - Ảnh: Đinh Dũng

Những cung đường cao su mùa thay lá đẹp đến nao lòng khiến du khách để lại nhiều vấn vương khi đến Bình Phước - Ảnh: Đinh Dũng

Theo thống kê của Ban tổ chức Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, giải đã thu hút khoảng 15.000 chân chạy từ khắp nơi trên cả nước, trong đó có cả vận động viên nước ngoài tham gia. Còn Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024 tại huyện Bù Đăng ước tính cũng có hàng chục ngàn người dân và khách du lịch ở nhiều nơi đổ về hòa mình vào các không gian văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra trong 3 ngày (từ 8 đến 10-11-2024). Lượng người tham gia 2 sự kiện văn hóa, thể thao này góp phần khẳng định du lịch Bình Phước đã và đang định vị tên tuổi trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Du khách tham quan chụp hình tại Thác Đứng, danh thắng thiên nhiên nổi tiếng trên địa bàn huyện Bù Đăng - Ảnh: Đông Kiểm

Chị Nguyễn Thu Uyên ở xã Bình Minh, nơi diễn ra Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” huyện Bù Đăng phấn khởi chia sẻ: “Tôi sống ở đây hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ thấy sự kiện nào đông như lễ hội năm nay. Trong 3 ngày diễn ra sự kiện, ngày nào đường sá cũng tấp nập người đổ về, đặc biệt vào ngày cuối diễn ra đêm nhạc thì đường vào Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo kẹt xe hàng kilômét. Người dân rất hào hứng với các lễ hội và mong chương trình này năm nào cũng được tổ chức để bà con hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa cũng như nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa quê hương, thu hút khách du lịch đến với Bù Đăng.

Đại diện Công ty TNHH tổ chức sự kiện truyền thông du lịch NEWSTAR MEDIA, tỉnh Bình Dương, đơn vị tổ chức tour du lịch kết nối Bù Đăng, được đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, Huyện ủy, UBND huyện Bù Đăng tặng hoa chúc mừng tại Hội nghị khởi nghiệp du lịch huyện Bù Đăng năm 2024 - Ảnh: Đông Kiểm

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Để Bình Phước trở thành “điểm đến hấp dẫn”, ngoài tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển tỉnh toàn diện, đồng bộ để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thì Bình Phước còn phải là điểm đến đặc sắc với nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư về hạ tầng và vận hành các cơ sở du lịch; xây dựng các khách sạn 4-5 sao, sân golf. Xây dựng và phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế, nhất là tuyến du lịch kết nối với Campuchia, Lào, Thái Lan. Hình thành sản phẩm du lịch xanh, trải nghiệm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình vườn cây ăn trái gắn với loại hình du lịch homestay.

Phát triển du lịch xanh

Trực tiếp theo dõi từ đầu đến cuối livestream lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chị Đặng Thu Thương, Giám đốc Công ty du lịch Local Travel, thôn Đắk Côn, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập thực sự phấn khởi. Chị Thương nhận định, quyết định quy hoạch đã mở ra cho người làm du lịch nói riêng nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển, nhất là khi tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) khởi công tạo thành các trục giao thông kết nối vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Một khi hệ thống giao thông liền mạch, liên vùng và đồng bộ sẽ thuận lợi phát triển du lịch. Việc rút ngắn thời gian di chuyển thuận lợi cho công tác khai thác các cụm tour “Về nguồn - trekking - nghỉ dưỡng” như "Sóc Bom Bo - Bù Gia Mập", "Tà Thiết - Sóc Bom Bo - Thác Mơ"... Khi Bình Phước trở thành vùng đệm cho phát triển du lịch Tây Nguyên, các mô hình homestay, khách sạn cũng sẽ phát triển theo. Từ đó du lịch về nguồn sẽ đón lượng khách lớn từ các cơ quan, đoàn thể, trường học từ TP. Hồ Chí Minh về tham quan các di tích lịch sử, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Một góc núi Bà Rá, TX. Phước Long trong ban mai - Ảnh: Đinh Dũng

Về giải pháp phát triển, tôi nghĩ những người làm du lịch nên quan tâm đến thiết kế các cụm tour trong tỉnh; thiết kế các tour liên tuyến Bình Phước - Tây Nguyên để đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đầu tư trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa để phục vụ du khách; xây dựng các tuyến giao thông kết nối khu, điểm du lịch khu thương mại… thì việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp và nhân lực du lịch tại chỗ sẽ đem lại cho du lịch Bình Phước nhiều thay đổi tích cực.

Chị ĐẶNG THU THƯƠNG, Giám đốc Công ty du lịch Local Travel, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Môi trường du lịch tỉnh Bình Phước đang được quan tâm và được nhiều khách du lịch đánh giá khá tốt. Du khách Trần Mạnh Khang (TP. Hồ Chí Minh) hào hứng cho biết: Mình vừa có một chuyến trekking cực kỳ thú vị tại Bù Gia Mập. Chuyến đi này đã để lại cho mình rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Cảnh quan ở rừng Bù Gia Mập khá đẹp, được đi bộ giữa rừng xanh, nghe tiếng chim hót và cảm nhận không khí trong lành, mình như được tiếp thêm năng lượng. Đặc biệt, mình rất ấn tượng với cách công ty chú trọng bảo vệ môi trường, khuyến khích mọi người giữ gìn vệ sinh.

Hay nickname Oanh Pham (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Tôi đã có trải nghiệm về thăm sóc Bom Bo với hoạt động tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân mà trước đây chỉ tưởng tượng khi nghe bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Đến với Bù Đăng, tôi còn được lắng nghe câu chuyện từ những người con lớn lên trên mảnh đất này”.

Rất đông du khách đổ về Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh xem tái hiện cảnh giã gạo trong chuỗi hoạt động tại Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”, huyện Bù Đăng năm 2024 - Ảnh: Đông Kiểm

Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, phát triển du lịch sẽ thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai, vì vậy Bình Phước đang kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án mũi nhọn có tính đột phá trong lĩnh vực du lịch, chú trọng đẩy mạnh khai thác, phát huy các nguồn tài nguyên hiện có của địa phương để phát triển du lịch. Tỉnh hiện quan tâm đầu tư các sản phẩm chủ lực mang tính đặc trưng, khác biệt nhằm hướng tới thị trường khách du lịch riêng như du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.

Với ưu điểm đa sắc tộc, cảnh quan tự nhiên độc đáo, thực hiện tốt phương châm "Mỗi người dân Bình Phước là một đại sứ du lịch" gắn với phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, tỉnh sẽ phát triển du lịch bền vững như lời Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/167028/diem-den-hap-dan-cua-tuong-lai