Điểm đến sau Brexit
Ngày 12-2 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Việt Nam mà không có Anh, vì Anh đã chính thức rời Liên minh châu Âu (EU-Brexit) từ ngày 31-1. Tuy nhiên, trong thời gian đàm phán Brexit, Anh đã từng bước tăng cường mối quan hệ với Việt Nam về chính trị và kinh tế.
Năm 2019, London đưa ra chính sách All of Asia (Toàn châu Á) nằm trong khuôn khổ chiến lược Global Britain (Chiến lược toàn cầu của Anh), mà một trong những trọng tâm là khu vực Đông Nam Á. Anh có thể thông qua Thái Lan, một kênh trao đổi truyền thống giữa Đông Nam Á và phương Tây hoặc Malaysia và Singapore, hai nước nằm trong Hiệp ước Phòng thủ ngũ cường (Five Power Defense Arragements) để tăng cường hợp tác với ASEAN. Tuy nhiên, theo phân tích của Asia Times, sẽ khôn ngoan hơn nếu như Anh hướng sang Việt Nam.
Thứ nhất, năm 2020 có lẽ là thời điểm thuận lợi. Việt Nam giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN và là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Như vậy, Việt Nam có thể dành nhiều thời gian trao đổi với Anh hơn. Ngoài ra, năm 2020 cũng đánh dấu kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược giữa 2 nước. Vì vậy, trong chuyến công du Hà Nội hồi tháng 1 vừa qua, bà Heather Wheeler, Thứ trưởng Ngoại giao Anh phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm duy trì và tăng cường mối quan hệ với ASEAN, đặc biệt với Việt Nam”.
Thứ hai, trên lĩnh vực thương mại, Anh và Việt Nam có thể sẽ dễ dàng ký được thỏa thuận thương mại tự do, dựa trên nền tảng những điều kiện được xác định trong thỏa thuận giữa Việt Nam và EU. Cả Hà Nội và London đều được lợi khi mở cửa thị trường cho nhau. Nền kinh tế Việt Nam dựa vào xuất khẩu nên mở rộng sang thị trường Anh là một ưu tiên của Hà Nội sau khi Anh không còn là thành viên của EU. Về phía London, sau Brexit, cần phải đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường thông qua một loạt hiệp định song phương, trong lúc quá trình đàm phán một thỏa thuận thương mại mới với Brussels được cho là khó khăn và phức tạp hơn.
Thứ ba, Việt Nam trở thành một đối tác quan trọng về mặt địa chính trị đối với Anh ở Đông Nam Á và rộng hơn là vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Việc Việt Nam hướng theo chính sách “thêm bạn bớt thù”, đa dạng hóa và giữ cân bằng giữa các đối tác cũng là một lợi thế cho Anh. Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên ký một thỏa thuận khung về hợp tác an ninh với EU. Anh, khi còn tư cách là một thành viên của EU, từng hợp tác với quân đội Việt Nam để đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình và tham gia các nhiệm vụ của Liên hiệp quốc ở Nam Sudan.
Theo Asia Times, London nên khôn khéo tập trung nhiều hơn vào quan hệ an ninh với Việt Nam, ví dụ một liên minh chặt chẽ hơn với Hà Nội có thể sẽ giúp Anh nhanh chóng can thiệp vào vấn đề nóng nhất hiện nay trong khu vực, là tranh chấp ở biển Đông. Đây là một cơ hội để London chứng minh chiến lược toàn cầu của mình thông qua sức mạnh hàng hải trong việc duy trì an toàn cho tuyến đường biển huyết mạnh của thương mại thế giới.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/diem-den-sau-brexit-647617.html