Điểm dừng của hư cấu lịch sử

Có lần tình cờ chúng tôi chứng kiến một nhà văn trẻ có ước vọng viết truyện lịch sử muốn xin kinh nghiệm của các đàn anh đi trước.

Một nhà văn lớn tuổi đưa ra lời khuyên, đại ý: Hiện giờ hãy cứ viết về đề tài am hiểu, quen thuộc, khi nào vững vàng kỹ thuật viết văn, có đủ trải nghiệm đời sống, còn hứng thú thì bắt tay viết truyện lịch sử cũng chưa muộn.

Có người hẳn sẽ không đồng tình với nhà văn lớn tuổi, bởi người trẻ mà yêu lịch sử, muốn viết về lịch sử thì quý quá, nên động viên, cớ sao lại bàn lùi?

Hiểu ngắn gọn về truyện lịch sử thì đương nhiên là viết về quá khứ nhưng không lấy tiểu sử cá nhân là chủ đạo mà là những câu chuyện, vấn đề có tính sử thi của cộng đồng, xã hội. Về phương pháp phản ánh của truyện lịch sử hiện có nổi lên hai xu hướng. Có xu hướng thêm thắt để thi vị hóa các chi tiết, một số lời nói, hành động nhân vật, không làm thay đổi dòng chảy lịch sử, tiểu sử nhân vật. Song cũng có xu hướng “giả lịch sử”, “hư cấu lịch sử”-tức là chỉ mượn nhân vật, sự kiện lịch sử làm cái cớ còn lại thỏa sức tô vẽ, thậm chí thay đổi sự kiện lịch sử. Xu hướng thứ hai tạo ra nhiều tranh cãi chưa dứt. Có người cho vậy là xuyên tạc, bóp méo lịch sử; có người lại cho rằng nhà văn đang hư cấu chứ không phải chép sử nên nhà văn có quyền “giả lịch sử”, “hư cấu lịch sử”.

Đành rằng, sức mạnh của văn chương là hư cấu, đành rằng có sự không trùng khít giữa nội dung trong tác phẩm với chính sử nhưng hư cấu trong lịch sử luôn có điểm dừng. Ở Việt Nam chưa có luật văn học, luật sáng tạo nhưng đã có Luật Xuất bản. Các tác phẩm văn học khi xuất bản, phát hành phải chịu quy định của bộ luật này. Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012 quy định những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, trong đó điểm d có quy định cấm: “Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Mọi sự tác phẩm phải có trách nhiệm với xã hội, không vi phạm những chuẩn mực, quy định của cộng đồng, của chế độ chính trị. Vậy nên, tác phẩm văn học có quyền hư cấu, khỏa lấp những “điểm tối” lịch sử mà nhà sử học chưa có tài liệu chứng minh, chưa được ghi vào sử sách; có quyền sử dụng truyền thuyết, dã sử, giai thoại, thần thoại… nhưng chắc chắn không thể đảo lộn sự thật lịch sử. Sự thật lịch sử ở đây đã được cộng đồng tin tưởng, được chế độ chính trị thừa nhận.

Ví dụ cách đây hai năm, có một truyện ngắn trữ tình lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ II (1285). Truyện kể về An Tư công chúa được cống cho Thoát Hoan để hoãn binh, nàng công chúa sau đó đã đem lòng yêu kẻ địch. Trong truyện còn có chi tiết, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc giả hàng để làm nội gián. Thoát Hoan phát hiện Trần Ích Tắc là nội gián thì không giết đi mà cho ăn sung mặc sướng để Trần Ích Tắc bị dính đòn “phản gián”, bị người đời nguyền rủa. Sử sách không chép số phận An Tư công chúa sau khi được cống cho Thoát Hoan ra sao nên chuyện công chúa có nảy sinh tình cảm với kẻ địch nhưng theo danh nghĩa chính thống là chồng công chúa cũng có thể chấp nhận được. Ở điểm này, không mấy người phàn nàn về sự hư cấu “điểm mờ” lịch sử của nhà văn. Tuy nhiên, dư luận phản ứng dữ dội với chi tiết liên quan đến Trần Ích Tắc vì rõ ràng sử sách đã chép Trần Ích Tắc là kẻ phản bội, bị nhà Trần tước quốc tính gọi là Ả Trần (ý chê hèn nhát như đàn bà). Từ hàng trăm năm qua, Trần Ích Tắc vẫn bị xem là kẻ phản bội, chưa có tài liệu lịch sử chứng minh điều ngược lại. Cho nên, nhà văn không được phép hư cấu điểm này vì rõ ràng đó là sai sự thật lịch sử.

Suy cho cùng, để viết truyện lịch sử có giá trị cần tài năng, vốn sống của nhà văn để qua lịch sử rút ra bài học, cảm hứng, nhận thức nhằm kết nối quá khứ với hiện đại, suy tưởng về tương lai. Cho nên, lời khuyên của nhà văn lớn tuổi mà chúng tôi vô tình nghe được, ngẫm ra lại rất hợp lý.

MỘC LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/diem-dung-cua-hu-cau-lich-su-603809