Điểm kỳ dị trong ảnh ông Trump bị bắt do AI tạo
Giới hạn công nghệ khiến ảnh tạo từ AI còn nhiều lỗi để người dùng nhận diện giả mạo.
Gần đây, nhiều tin giả xuất phát từ hình ảnh AI được lan truyền chóng mặt. Vụ việc ông Trump bị FBI bắt hay Giáo hoàng Francis mặc áo khoác trắng ra đường là những ví dụ tiêu biểu.
Phần lớn thông tin sai lệch bắt nguồn từ các ảnh chụp giả mạo, được tạo từ Deepfake và AI. Các công cụ như DALL–E, GAN hay Midjourney có thể chế tạo những tác phẩm có độ chi tiết và chân thực cao, khiến nhiều người bị lừa.
Tuy nhiên, bởi giới hạn công nghệ, các tranh, sản phẩm tạo từ AI cũng tồn tại điểm lỗi, giúp người xem nhận biết đây không phải ảnh thật. Qua những chi tiết này, người dùng có thể xác minh, kiểm chứng thông tin được lan truyền từ hình ảnh.
Vẫn còn nhiều lỗi phần mềm
Những hình ảnh AI tạo ra, giả mạo vụ ông Trump bị bắt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trốn chạy hay Giáo hoàng Francis mặc áo khoác trắng đều là tác phẩm được tạo ra từ công cụ Midjourney. Sau khi phiên bản thứ 5 của công nghệ này được giới thiệu, sự chân thực, mức độ chi tiết được tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên khi phóng to, người dùng vẫn dễ dàng nhận ra các vấn đề của hình ảnh như thiếu chi tiết, một số bộ phận trên cơ thể không nằm đúng vị trí thông thường. Trước Midjourney, GAN là giải pháp tạo ra ảnh người từ AI có độ chân thực cao. Ra mắt từ 2014, hiện tại công cụ này có thể khởi lập chân dung thật như ảnh chụp, khó phân biệt.
Dù vậy, giải pháp vẫn tồn tại những điểm yếu công nghệ. Người dùng có thể dựa vào các chi tiết này để nhận diện.
Ví dụ, phần tóc tạo ra từ AI thường khó có độ chân thực như bình thường. Đây là bộ phận gồm nhiều thành phần, biến đổi bất quy tắc khiến máy học không xử lý được. Nếu nhận thấy các vùng tóc rối, thẳng hoặc vón thành mảng bất thường, nhiều khả năng đó là một bức ảnh giả.
Ngoài ra, các AI khởi tạo khuôn mặt thường chỉ được dạy về chủ đề này. Do đó, phần hậu cảnh, chữ viết bị bỏ qua. Phông nền kỳ lạ, chữ viết khó đọc cũng là dấu hiệu của ảnh tạo từ AI.
Tính cân đối giữa các bộ phận cũng là phần AI thường mắc sai lầm. Như trong bức ảnh chụp ông Trump bị bắt, phần vai áo nằm ở vị trí cao bất thường so với những bộ phận khác trên trang phục, hoặc bàn tay biến mất. Đây là dấu hiệu của ảnh giả, tạo từ AI.
Ngày càng khó phân biệt
AI tạo ảnh liên tục được nâng cấp, trở nên thông minh và toàn diện hơn. Do vậy, việc nhận diện, phân biệt ảnh tạo lập từ các giải pháp nà ngày càng khó khăn. “AI sao chép hàng triệu khuôn mặt và kết hợp với dữ liệu của nó để hiểu được hình ảnh thật nên như thế nào. Qua đó, nó điều chỉnh cơ sở thông tin để đạt hiệu quả cao hơn”, đội ngũ GAN chia sẻ.
Với Midjourney, bàn tay là phần công cụ không thể xử lý trước đây. Nó thường xuyên tạo ra bộ phận này với hình thù, tư thế kỳ lạ, dư hoặc thiếu ngón. Qua bản cập nhật mới, khả năng tái tạo bàn tay của công cụ này đã tốt hơn. Không còn xuất hiện những đôi tay quái dị trong ảnh của Midjourney V5.
Hiện tại, nhiều giải pháp để nhận diện ảnh giả mạo, tạo ra từ AI đang được phát triển. GAN cũng đưa ra công cụ của riêng họ để giúp người dùng phân biệt ảnh AI. Tuy nhiên, nó chỉ chọn ra được ảnh tạo từ công cụ GAN. Những tác phẩm của Midjourney hay DALL-E, giải pháp không thể phân biệt.
Microsoft cũng đang phát triển công cụ của riêng họ để nhận diện ảnh AI, video Deepfake. MakeUsOf cho rằng đây là bước khởi đầu cho những công nghệ chống lại tình trạng giả mạo, lợi dụng công cụ trí tuệ nhân tạo.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-ky-di-trong-anh-ong-trump-bi-bat-do-ai-tao-post1416522.html