Điểm lại những ứng cử viên nặng ký của Hạng mục Phim châu Á dự thi
Chưa bao giờ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lại có nhiều phim xuất sắc dự thi như năm nay. Ngoài 'Mưa trên cánh bướm' của Dương Diệu Linh từng giành giải thưởng Tuần lễ phê bình quốc tế tại Liên hoan phim Venice 2024, còn nhiều ứng cử viên nặng ký khác từng giành nhiều giải thưởng quốc tế.

Dương Diệu Linh (giữa) và đoàn làm phim "Mưa trên cánh bướm" tại Liên hoan phim Venice. (Ảnh: Nhà sản xuất)
Trong bảng phim châu Á dự thi, một số phim là phim truyện đầu tay của các đạo diễn, nhưng cũng đã kịp mang về những giải thưởng điện ảnh quốc tế, đặc biệt là những giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế lớn trên thế giới.
Một trong số đó là “Giấc mơ tỉnh thức” hợp tác giữa Brazil, Argentina và Đài Loan (Trung Quốc), của đạo diễn Nele Wohlatz. Bộ phim kể câu chuyện của Kai, một cô gái từ Đài Loan (Trung Quốc) sang đại lục nghỉ hè và gặp Fu Ang. Fu Ang sau đó bất ngờ biến mất. Trong hành trình đi tìm anh, Kai tình cờ biết đến Xiaoxin cùng nhóm công nhân Trung Quốc đang làm việc tại một tòa nhà chọc trời – nơi câu chuyện của họ dường như phản chiếu câu chuyện của chính cô. Trong cái nóng chậm rãi của mùa hè, những mối liên kết giữa họ dần hình thành.
Phim từng giành giải FIPRESCI cho Phim xuất sắc nhất hạng mục Encounter tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 74.
Một bộ phim từng gây tiếng vang khác trên trường quốc tế là “Hắc Cẩu’, phim Trung Quốc. Phim đi theo những bước chân của Lang, một anh chàng vừa ra tù, trở về nhà mình ở một thị trấn nhỏ ở sa mạc Gobi, vùng Tây Bắc Trung Quốc, nơi đang chuẩn bị được phá dỡ, dọn dẹp để xây dựng lại chào mừng Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Trong thời gian sinh sống ở đây, Lang tìm thấy và gắn bó với một chú chó hoang có bộ lông đen tuyền. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như Bành Vu Yến, Đồng Lệ Á và đạo diễn Giả Chương Kha.
Phim ghi dấu ấn cá nhân mạnh mẽ của đạo diễn Quản Hổ, là một đại diện tiêu biểu của thế hệ đạo diễn thứ sáu tại Trung Quốc. “Hắc cẩu” đã được vinh danh tại hạng mục Un Certain Regard tại Liên hoan phim Cannes 2024.
Bộ phim “Lửa thiêng” – tác phẩm của đạo diễn Ấn Độ Abhilash Sharma đem đến cách thể hiện thực sự khác biệt với góc nhìn về cuộc sống của những con người ở tầng lớp thấp nhất ở xã hội Ấn Độ.

Đạo diễn Abhilash Sharma giao lưu với báo chí tại Liên hoan phim.
Phim kể về cuộc sống của gia đình Rukhiya và Phekan tại một ngôi làng nhỏ hẻo lánh, nơi không có gì ngoài sự nghèo khó và phân biệt tầng lớp trong xã hội. Phekan rời bỏ làng để làm việc tại thành phố nhưng đã phải chịu sự phản bội và bóc lột, mất hết tất cả. Rukhiya bị bỏ rơi, phải chịu đựng sự phán xét khắc nghiệt và ám ảnh bởi những lời thì thầm, ảo ảnh và chấn thương trong quá khứ, khiến cô mất kết nối với thực tại. Nehura, một công nhân hỏa táng, tình cờ gặp Rukhiya và Phekan, kết nối họ trong hành trình tìm kiếm sự cứu rỗi và thức tỉnh đầy khó khăn.
“Lửa thiêng” từng đem lại cho đạo diễn Abhilash Sharma giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở hạng mục Châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải.
“Abel” là phim truyện đầu tay của đạo diễn Kazakhstan Elzat Eskendir, cũng là người từng giành nhiều giải thưởng quốc tế.
Phim kể về tình trạng tư nhân hóa thời kỳ hậu Xô-viết năm 1993, với các nông trang tập thể bị giải thể và tài sản bắt đầu được tư nhân hóa. Việc phân chia tài sản này gặp rắc rối khi những người có quyền đã lạm dụng quyền hạn của họ. Liệu một nông dân với mong muốn giản dị là nhận phần tài sản chính đáng sẽ phải thỏa hiệp với tham nhũng hay dũng cảm đứng về lẽ phải?
Phim từng giành 3 giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Vesoul của điện ảnh châu Á 2025 gồm Phim hay nhất (giải của Hội đồng phê bình), giải thưởng lớn của Ban giám khảo quốc tế và giải NETPAC.
Cuối cùng không thể không nhắc đến của đạo diễn Việt Nam Dương Diệu Linh. Phim là câu chuyện nửa tâm linh nửa hiện thực, xoay quanh câu chuyện đối thoại trong gia đình của mẹ con bà Tâm với người chồng không chung thủy, dưới một ngôi nhà có mái trần nứt nẻ và dột nước mà không ai khác có thể nhìn thấy ngoài hai mẹ con họ.
“Mưa trên cánh bướm” là phim đầu tay của đạo diễn 9x Dương Diệu Linh, từng góp mặt tại nhiều chương trình phát triển dự án như Full Circle Lab, Less Is More, Locarno Open Doors Hub, Attagirl và gần đây nhất là Hongkong-Asia Financing Forum (HAF).
Tại HAF, phim giành được 2 giải thưởng Udine Focus Asia và Wouter Barendretch Award.
Ngoài ra, phim cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam tại 2024 giành hai giải thưởng trong Tuần lễ phê bình quốc tế.
Việc có nhiều phim chất lượng, từng giành các giải thưởng quốc tế tham dự tranh giải tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng là một tín hiệu hết sức đáng mừng, không chỉ là sự tin tưởng, “chọn mặt gửi vàng” của các nhà làm phim quốc tế đối với liên hoan phim non trẻ này, mà còn là thước đo cụ thể nhất cho chất lượng của phim nghệ thuật Việt Nam ngay trên sân nhà.
Và đó cũng là lý do cũng như động lực lớn nhất cho các nhà làm phim Việt để làm ra những bộ phim xứng tầm ngay tại một liên hoan phim của chính mình, nơi yếu tố sân nhà không còn là lợi thế.