Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/7
Tỷ giá trung tâm tăng 6 đồng, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,77 điểm hay PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống mức 48,9 điểm trong tháng 6... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 1/7.

Điểm lại thông tin kinh tế
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ, phiên 1/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 25.058 VND/USD, tăng 6 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá múa USD được niêm yết ở mức 23.856 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 26.260 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 26.130 VND/USD, tăng nhẹ 5 đồng so với phiên 30/6.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 40 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 26.420 VND/USD và 26.500 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 1/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm mạnh 0,20 - 2,88 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 4,72%; 1 tuần 4,82%; 2 tuần 4,74% và 1 tháng 4,78%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giữ nguyên ở các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần trong khi giảm 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: qua đêm 4,30%; 1 tuần 4,36%; 2 tuần 4,42%, 1 tháng 4,45%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp biến động nhẹ trái chiều các tất cả các kỳ hạn, chốt phiên ở mức: 3 năm 2,30%; 5 năm 2,67%; 7 năm 2,99%; 10 năm 3,22%; 15 năm 3,34%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày và 3.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 4,0%. Có 4.201,46 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày, không có khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 91 ngày. Có 4.778.08 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN trong phiên hôm qua, có 3.100 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, hôm qua NHNN bơm ròng 2.523,38 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Có 142.646,06 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 19.400 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường rơi vào diễn biến phân hóa trên diện rộng, các chỉ số giao dịch quanh mốc tham chiếu. Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 1,77 điểm (+0,13%) lên mức 1.377,84 điểm; HNX-Index giảm 0,77 điểm (-0,34%) còn 228,45 điểm; UPCoM-Index mất 0,12 điểm (-0,12%) về mức 100,72 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ với giá trị giao dịch đạt trên 19.600 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 360 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngày 1/7, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 6/2025, cho biết chỉ số PMI đã giảm xuống mức 48,9 điểm trong tháng 6/2025 so với 49,8 của tháng 5/2025, ghi nhận chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ 3 liên tiếp.
Trong đó, có 3 điểm nổi bật: Tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm mạnh; việc làm và hoạt động mua hàng giảm; chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tăng nhẹ.
Một điểm tích cực của chỉ số PMI kỳ này là các công ty tiếp tục tăng sản lượng, nhưng điều này khó có thể tiếp tục lâu dài khi không có sự cải thiện của nhu cầu.
Tin quốc tế
Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 49% trong tháng 6, tăng nhẹ lên mức 48,5% của tháng 5 đồng thời cao hơn so với mức 48,8% theo dự báo. Tuy nhiên, đây vẫn là tháng thứ 4 liên tiếp lĩnh vực sản xuất cho thấy tình trạng thu hẹp trở lại.
Tiếp theo, tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 7,77 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng 5, cao hơn so với mức 7,39 triệu của tháng trước đó và cũng vượt so với dự báo ở 7,32 triệu.
Cũng trong ngày hôm qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu rằng ông không chắc liệu tháng 7 có quá sớm để cắt giảm lãi suất chính sách hay không.
Thông điệp này của ông Powell khiến thị trường kỳ vọng hơn về một đợt cắt giảm lãi suất chính sách sớm, tuy nhiên vẫn còn khá mong manh khi công cụ dự báo của CME cho thấy chỉ có khoảng 27% khả năng Fed cắt giảm 25 điểm cơ bản và tới 73% khả năng giữ lãi suất chính sách đi ngang ở 4,25 - 4,50%.
Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu (Eurostat) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần và CPI lõi tại khu vực này lần lượt tăng 2,0% và 2,3% so với cùng kỳ trong tháng 6, không thay đổi nhiều so với mức 1,9% và 2,3% của tháng 5 đồng thời khớp với dự báo của các chuyên gia.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ECB Philip Lane trả lời báo chí cho rằng giai đoạn kiểm soát lạm phát cao bằng lãi suất chính sách đã hoàn thành, song vẫn luôn cần quan sát dữ liệu. Bên cạnh đó, ECB sẽ không phản ứng với bất cứ sự cố riêng lẻ nào trong tương lai.
Giới phân tích dự đoán ECB có thể giữ lãi suất chính sách đi ngang trong tháng 7, sau đó có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất chính sách trong tháng 9.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-ngay-17-166684-166684.html