Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp được kết nối tìm việc làm mới
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tư vấn, kết nối người lao động (NLĐ) đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm việc làm mới. Qua đó, giúp hàng trăm NLĐ tìm kiếm được việc làm mới phù hợp với yêu cầu, góp phần ổn định thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
Kết nối cho người lao động
Làm việc ở Công ty Cổ phần Thủy sản số 9 (TP. Hồ Chí Minh) được gần 10 năm, tháng 4-2025, ông Lê Văn Hoàng (37 tuổi, ở phường Bắc Nha Trang) nghỉ việc về quê để được gần gia đình. Sau khi nghỉ việc, ông đi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng được hơn 3 triệu đồng. Số tiền trợ cấp hằng tháng không đủ chi phí sinh hoạt khiến cuộc sống của gia đình ông Hoàng gặp nhiều khó khăn. Hiểu được nguyện vọng của ông Hoàng, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động kết nối với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển lao động nhằm tạo cơ hội việc làm cho ông Hoàng. Qua kết nối của trung tâm, ông Hoàng đã được Công ty TNHH Hải Vương tuyển dụng vào làm việc. Ông Hoàng cho biết: “Tôi rất vui mừng khi được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tìm kiếm, kết nối công việc mới phù hợp với nguyện vọng. Qua hơn 1 tháng làm việc tại Công ty TNHH Hải Vương, tôi thấy đây là doanh nghiệp có môi trường làm việc an toàn, thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng; các chế độ phúc lợi, xe đưa đón, ăn ca, bảo hộ lao động… được công ty bảo đảm. Tôi sẽ cố gắng làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”…

Tiếp nhận, giải quyết thủ tục và hỗ trợ tư vấn việc làm mới cho người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Ông Hoàng là một trong số hàng trăm NLĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối việc làm mới. Theo ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 11.398 NLĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp (gồm cả tỉnh Ninh Thuận trước sáp nhập). Sau khi tiếp nhận thủ tục, hồ sơ, trung tâm đã thống kê, phân loại các nhóm lao động về trình độ chuyên môn, độ tuổi, nguyện vọng… để thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ học nghề, kết nối việc làm cho tất cả NLĐ. Qua đó đã kết nối việc làm mới thành công theo đúng nguyện vọng cho hơn 500 NLĐ. Đồng thời, đơn vị còn tư vấn học nghề cho tất cả NLĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, qua đó đã có gần 200 người tham gia và có quyết định được hỗ trợ học nghề theo nguyện vọng để chuyển đổi việc làm mới.
Tăng cường các giải pháp
Qua khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nguyên nhân NLĐ rơi vào tình trạng thất nghiệp chủ yếu do: Hết hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trước thời hạn; doanh nghiệp tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu; NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật và các nguyên nhân khác... 70% NLĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều đang trong độ tuổi lao động. Đây là nguồn lao động mà nhiều doanh nghiệp rất cần vì họ đã có kinh nghiệm trong công việc. Vì vậy, ngoài đảm bảo trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh luôn chú trọng kết nối việc làm mới để NLĐ sớm quay lại thị trường lao động, góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc kết nối việc làm thành công cho số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp thời gian qua vẫn còn hạn chế.
Ông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, sau sáp nhập, đơn vị sẽ tập trung kiện toàn bộ máy, tổ chức. Đồng thời, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cho NLĐ bằng nhiều hình thức. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục, hồ sơ đảm bảo chế độ trợ cấp cho NLĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp; chủ động khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, từ vị trí việc làm, mức lương, phúc lợi để tư vấn, kết nối việc làm cho NLĐ; khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề của từng NLĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động, tổ chức phỏng vấn online hỗ trợ NLĐ đến đăng ký thất nghiệp có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để NLĐ nắm bắt thông tin và tìm kiếm việc làm, đăng ký học nghề chuyển đổi việc làm.
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh tăng từ 5 đến 10%, đặc biệt là trong các ngành điện tử, cơ khí, logistics và thực phẩm chế biến. Trong khi đó, lao động phổ thông có xu hướng khan hiếm do quá trình đô thị hóa nhanh, sự cạnh tranh từ các tỉnh, thành khác và xu hướng chuyển dịch việc làm sang lĩnh vực dịch vụ. Do đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho NLĐ, hạn chế tình trạng thất nghiệp; truyền thông để NLĐ nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường tư vấn nghề, định hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ…