Điểm mặt công ty lỗ khủng trong quý 3: Công ty người tình tin đồn Mỹ Tâm và Yeah1 đều góp mặt
Quý 3 năm 2019, trong khi nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra thì cũng có không ít đại gia gây thất vọng khi báo lỗ khủng đến hơn cả trăm tỷ đồng.
Những khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng
Lỗ khủng nhất không thể nào không nhắc đến “vua cá tra” hay công ty người tình tin đồn của Mỹ Tâm - Thủy sản Hùng Vương (HVG).
Trong quý cuối của niên độ 2018 - 2019, Hùng Vương đã báo lỗ 242 tỷ đồng chủ yếu do bán hàng thấp hơn giá vốn và không còn ghi nhận doanh thu tài chính và lãi khác bất thường như cùng kỳ. Lũy kế cả niên độ, Hùng Vương chịu lỗ 476 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tính đến 30/9/2019 lên đến 892 tỷ đồng.
Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) cũng ôm khoản lỗ đột biến trong quý vừa rồi. Trong quý 3, Gỗ Trường Thành chỉ đạt gần 123 tỷ đồng doanh thu, bằng một phần ba cùng kỳ năm trước. Do giá vốn hàng bán gần gấp đôi doanh thu, Công ty ghi nhận khoản lỗ gộp hơn 115 tỷ đồng. Cùng các khoản chi phí hoạt động và lãi vay, Gỗ Trường Thành lỗ ròng gần 178 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần mức lỗ cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế 9 tháng, tình hình kinh doanh cũng không khả quan hơn. Gỗ Trường Thành chỉ đạt hơn 422 tỷ đồng doanh thu, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước và cũng rơi vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Dù giảm bớt chi phí quản lý doanh nghiệp và lãi vay, song Công ty vẫn chịu khoản lỗ gần 500 tỷ đồng.
Lỗ khủng nhất ngành thép phải kể đến Thép Pomina (POM), Công ty báo lỗ gần 119 tỷ đồng trong quý 3. Doanh thu quý 3 chỉ đạt 2.966 tỷ đồng, giảm 15% so cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cũng neo ở mức cao khiến lãi gộp chỉ hơn 9 tỷ đồng.
Song song đó, chi phí tài chính tăng khủng, gấp gần 2 lần so cùng kỳ, ghi nhận gần 100 tỷ đồng. Kết quả, Thép Pomina ghi nhận lỗ gần 119 tỷ đồng trong quý 3, trong khi cùng kỳ lãi hơn 27 tỷ. Đây cũng là quý lỗ thứ 3 liên tiếp của Công ty.
Tính chung 9 tháng, Thép Pomina báo doanh thu thuần đạt 9.151 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ. Đồng thời ghi nhận lỗ hơn 252 tỷ đồng, cách rất xa so với số lãi hơn 400 tỷ đồng cùng kỳ và cũng còn cách rất xa chỉ tiêu lãi sau thuế 400 tỷ đồng mà Đại hội đồng cổ đông để ra.
Chiến binh trong ngành nhiệt điện là Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) cũng thu về khoản lỗ 115 tỷ đồng trong quý 3, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ hơn 102 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2019, Công ty báo doanh thu thuần đạt 2.963 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Nhưng vì gánh nặng chi phí tài chính, nên Nhiệt điện Cẩm Phả vẫn ghi nhận lỗ gần 80 tỷ đồng trong 9 tháng. Tuy vậy tình hình đã khả quan hơn cùng kỳ khi số lỗ quý 3/2018 tới 303 tỷ đồng.
Tập đoàn Yeah1 (YEG) báo lỗ trong quý 3 gần 120 tỷ đồng dẫn đến khoản lỗ tới 230 tỷ đồng trong 9 tháng 2019, trong khi doanh thu thuần của Yeah1 ở mức hơn 1.010 tỷ đồng, xấp xỉ so cùng kỳ. Nói về việc nhận lỗ hàng trăm tỷ này, YEG cho rằng do Công ty trích lập dự phòng một số khoản tiền liên quan đến chuyển nhượng vốn đầu tư tại ScaleLab LLC và trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Phần còn lại đến từ việc tăng chi phí hoạt động do mở rộng kinh doanh như chuyển đổi trụ sở, tuyển dụng thêm nhân sự và hoạt động kinh doanh một số mảng bị ảnh hướng sau sự cố với YouTube.
Nhiều doanh nghiệp “lỡ” sa vào thua lỗ
Trong quý 3, Đạt Phương (DPG) lần đầu tiên báo lỗ sau 10 quý gần nhất kể từ quý 1/2017. Công ty ghi nhận doanh thu thuần trong quý hơn 263 tỷ đồng, giảm 36% so cùng kỳ.
Con số lãi vay mà Công ty phải gánh trong quý hơn 52 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý không giảm nhiều thì lãi vay như cú bồi khiến Đạt Phương chấp nhận lỗ thuần hơn 28 tỷ đồng. Trừ đi phần lỗ từ cổ đông thiểu số, Công ty chịu lỗ 8,7 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, Công ty đạt doanh thu 764 tỷ đồng và lãi ròng 11,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 16% và 86% so với 9 tháng năm trước.
Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) kết thúc quý 3 với kết quả lỗ ròng 4 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước Công ty lãi ròng 17 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên Công ty báo lỗ kể từ khi niêm yết lên sàn chứng khoán (năm 2006).
Kết quả lỗ ròng trong kỳ chủ yếu là do doanh thu thuần của Công ty giảm sút gần 50% trong quý 3 về mức gần 40 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng trong kỳ lên tới gần 41,5 tỷ đồng khiến Công ty lâm vào cảnh kinh doanh dưới giá vốn.
Thêm vào đó, các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 5,4 tỷ đồng vẫn duy trì ở mức cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, chỉ tiêu doanh thu thuần và lãi ròng của VSH đều sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó lãi ròng sụt giảm hơn 61% về còn 107,6 tỷ đồng.