Điểm mặt ngân hàng lãi trên 10.000 tỷ đồng năm ngoái
Năm 2022, hệ thống ngân hàng có 10 nhà băng báo lãi trước thuế trên 10.000 tỷ đồng. Một năm sau đó, số lượng này vẫn 'dậm chân tại chỗ', không có thêm cái tên mới nào tham gia.
Trong năm 2023, bên cạnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng không đạt mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra, hệ thống ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro gia tăng nợ xấu, tăng trích lập dự phòng.
Tuy vậy, kết quả kinh doanh tại nhiều nhà băng vẫn ghi nhận con số tích cực. Trong đó, vẫn có 10 ngân hàng báo lãi trước thuế trên 10.000 tỷ đồng năm, bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, MB, Techcombank, ACB, HDBank, VPBank, VIB.
Ngân hàng lãi chục nghìn tỷ "dậm chân tại chỗ"
So với một năm trước (2022), kết quả kinh doanh các ngân hàng có ghi nhận tăng/giảm khác nhau, tuy nhiên, số lượng và danh tính ngân hàng trong "câu lạc bộ chục nghìn tỷ đồng" vẫn giữ nguyên trong năm 2023.
Cụ thể, cả 4 ngân hàng thương mại quốc doanh gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đều đã công bố lợi nhuận với con số tỷ USD. Trong đó, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng quốc doanh, đồng thời dẫn đầu toàn hệ thống với mức lãi kỷ lục 41.244 tỷ đồng, tăng 10% so với năm liền trước.
Kết quả lợi nhuận của Vietcombank năm vừa qua được hỗ trợ chính bởi đà tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng gần 11%, đạt gần 1,27 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2023. Trong khi các hoạt động ngoài lãi (dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán...) không ghi nhận nhiều thay đổi, lợi nhuận Vietcombank tăng trưởng dương còn nhờ việc tiết giảm gần một nửa chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm.
Cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương năm ngoái, BIDV đã thu về 27.650 tỷ đồng trước thuế, tăng hơn 20% và là mức lãi kỷ lục của riêng nhà băng này. Đà tăng trưởng lợi nhuận cao kể trên cũng giúp BIDV nhảy một bậc trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngành ngân hàng từ vị trí thứ 3 năm 2022 lên thứ 2 năm ngoái.
Tương tự Vietcombank, đà tăng trưởng lợi nhuận của BIDV cũng được hỗ trợ bởi tăng trưởng cho vay và tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Ngoài ra, kết quả này còn được hỗ trợ bởi tăng trưởng trong mảng dịch vụ (+16%); kinh doanh ngoại hối (+50%); góp vốn mua cổ phần (+22%). Đặc biệt là mảng chứng khoán kinh doanh chuyển từ lỗ năm trước sang lãi năm 2023, còn lãi từ chứng khoán đầu tư tăng hơn 1.000%.
Xếp sau 2 nhà băng quốc doanh kể trên là MB với 26.306 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+16%); Agribank với 25.400 tỷ đồng (+15%) và VietinBank với 25.100 tỷ đồng (+20%).
Như vậy, trong năm ngoái, MB là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân duy nhất "chen chân" được vào nhóm lợi nhuận tỷ USD cùng với 4 nhà băng quốc doanh.
Động lực tăng trưởng chủ yếu của Ngân hàng Quân đội đến từ hoạt động cốt lõi là cho vay với thu nhập lãi thuần tăng 7% đạt gần 38.700 tỷ đồng. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) được cải thiện từ 33% xuống 32%. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 24%.
Trong nhóm ngân hàng lãi trên 10.000 tỷ đồng năm ngoái, HDBank là nhà băng ghi nhận tăng trưởng cao nhất lên tới 27%, đạt 13.017 tỷ đồng, cũng là kỷ lục mới của ngân hàng này.
Việc lợi nhuận tăng hai chữ số năm vừa qua không chỉ giúp HDBank có năm lãi trên chục nghìn tỷ đồng thứ 2 liên tiếp mà còn giúp nhà băng này nhảy một bậc trên bảng xếp hạng lợi nhuận, từ vị trí thứ 9 lên thứ 8.
Năm 2023, HDBank đã ghi nhận tăng trưởng cao ở toàn bộ chỉ tiêu kinh doanh, nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất ngành. Các chỉ tiêu sinh lời ROA đạt 2%, ROE đạt 24,2%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước và trong nhóm dẫn đầu toàn ngành. Ngân hàng này cũng đã chủ động tăng trích lập dự phòng để củng cố bộ đệm tài chính, sẵn sàng trước các biến động thị trường. Hiện tỷ lệ an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) của HDBank vào khoảng 12,6%, cao hơn so với quy định của ngành ngân hàng.
Cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực năm qua là ACB - ngân hàng do ông Trần Hùng Huy làm chủ tịch - với khoản lãi trước thuế 20.068 tỷ đồng, tăng 17%. Mức tăng trưởng của Ngân hàng Á Châu chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với năm liền trước.
Tính đến cuối năm 2023, quy mô cho vay khách hàng của ACB đã đạt gần 488.000 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của ngân hàng.
Techcombank, VPBank tăng trưởng âm
Ngoài các ngân hàng kể trên, danh sách nhà băng lãi trên chục nghìn tỷ đồng năm vừa qua còn có Techcombank với 22.888 tỷ đồng (-11%); VPBank lãi 10.987 tỷ đồng (-48%) và VIB lãi 10.703 tỷ đồng (+1%).
Theo đó, Techcombank và VPBank là hai nhà băng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm vừa qua nhưng vẫn đạt trên 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là trường hợp của VPBank khi lợi nhuận nhà băng này đã giảm gần một nửa năm vừa qua.
Tính chung nhóm 10 ngân hàng kể trên, tổng lợi nhuận trước thuế ghi nhận được năm qua vẫn tăng trưởng 6%, đạt gần 223.400 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán MB (MBS), 2023 là năm toàn ngành ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.
Nhóm phân tích lưu ý sẽ có sự phân hóa rõ nét về chất lượng tài sản giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm ngoái và nâng chất lượng tài sản lên mức cao có thể ghi nhận nhiều dư địa để xử lý hơn, và do đó sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
Nhận định về năm 2024, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng đây dự báo vẫn là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Dù vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với trước và lợi nhuận trước dự phòng có sự cải thiện, giúp các ngân hàng có dư địa để tạo bộ đệm dự phòng tốt hơn.
Theo ước tính của đơn vị này, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng có thể đạt hơn 15%, tốt hơn so với mức gần 5% trong năm 2023.
Nguồn Znews: https://znews.vn/diem-mat-ngan-hang-lai-tren-10000-ty-dong-nam-ngoai-post1458884.html