Điểm mặt những doanh nghiệp địa ốc phía Nam liên tục 'cài số lùi'
Từng đặt mục tiêu kinh doanh táo bạo, một số doanh nghiệp bất động sản quy mô vừa và nhỏ tại TP.HCM nhiều năm qua có mức doanh thu và lợi nhuận về đáy. Cùng với đó, không có sản phẩm mới ra thị trường, nguồn cung cũ bán ì ạch cũng khiến các doanh nghiệp này 'trầy trật' suốt những năm qua.
Trong vài năm trở lại đây, có thể thấy không ít doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM đang ở trạng thái “gồng” hoặc rất khó khăn để trụ được đường dài. Không có sản phẩm bán, hoặc bán không được, không triển khai được dự án… khiến các kế hoạch đề ra trước đó gần như “đổ vỡ”.
Một số doanh nghiệp địa ốc quy mô vừa và nhỏ tại TP.HCM hiện đang thực sự gặp nhiều khó khăn về dòng tiền. Thậm chí, suốt thời gian dài, dự án không có thanh khoản. Trong đó, một số doanh nghiệp 3-5 năm liên tục “cài số lùi” về kết quả kinh doanh. Trước đó, các doanh nghiệp này đa số đặt mục tiêu kinh doanh táo bạo.
Chẳng hạn như, mới đây trong báo cáo tài chính quý 2/2023 của Tập đoàn An Gia cho thấy, doanh nghiệp này dòng tiền âm kỷ lục, giảm 38% so với quý 2/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt 1.866 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận 81 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Đây cũng là doanh nghiệp khá ì ạch trong việc bán dự án. Một số dự án như Westgate (Bình Chánh, TP.HCM); The Standard (Bình Dương) của Tập đoàn này dù đã chào bán vài năm về trước nhưng nguồn hàng cũ vẫn “đọng” lại khá nhiều. Sau nhiều đợt mở bán giai đoạn tiếp theo, thanh khoản các dự án vẫn khá yếu. Trong khi một số dự án mới như The Gió Riverside dù manh nha khá lâu nhưng chưa thể ra được do chưa đủ kiều kiện mở bán.
Vào năm 2020, ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn An Gia từng nhấn mạnh tại Đại hội cổ đông: “Đặc thù ngành bất động sản là lợi nhuận của chúng tôi đã có sẵn trong vòng 3 năm tới, cổ tức sẽ duy trì từ 10% đến 15% mỗi năm”.
Tuy nhiên, nhìn lại 3 năm niêm yết, doanh nghiệp này liên tục “cài số lùi”.
Cụ thể, sau khoảng 1 năm niêm yết, đầu tháng 1/2021, An Gia tiếp tục đưa ra bức tranh tài chính giai đoạn 2021-2025 thể hiện giai đoạn tăng trưởng vượt bậc khi năm 2021 lãi 500 tỷ đồng, năm 2022 lãi 690 tỷ đồng và mục tiêu tới 2025 lãi 1.730 tỷ đồng, tăng 246% so với kế hoạch lãi năm 2021.
Thực tế, kết thúc năm 2021, An Gia lần lượt ghi nhận doanh thu 1.808,4 tỷ đồng, lợi nhuận 419,4 tỷ đồng, lần lượt chỉ bằng 50,2% và 83,9% so với kế hoạch đầu năm. Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi là bất động sản tiếp tục âm năm thứ 2 liên tiếp với giá trị âm 185,15 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 9,45 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 175,7 tỷ đồng.
Bước sang năm 2022, Tập đoàn An Gia đặt ra kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 4.500 tỷ đồng và lãi 690 tỷ đồng. Tuy nhiên, lại một lần nữa, tại Đại hội cổ đông ngày 15/4/2022, Tập đoàn này lại đặt kế hoạch doanh thu 5.500 tỷ đồng và lãi 500 tỷ đồng, giảm 27,5% so với thời điểm đặt kế hoạch đầu năm 2021.
Mặc dù chỉ đặt 500 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2022, khi doanh thu tài chính từ nghiệp vụ đánh giá lại khoản đầu tư và thanh lý một phần vốn góp đáng kể, An Gia báo cáo lợi nhuận giảm 95,5%, tương ứng giảm 400,41 tỷ đồng về còn 18,97 tỷ đồng và hoàn thành được 3,8% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong đó, riêng quý 4/2022, công ty báo lỗ 185,6 tỷ đồng. Đến quý 2/2023, doanh nghiệp này tiếp tục ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục, giảm 33% so với cùng kỳ.
Tương tự, một doanh nghiệp địa ốc khác tại TP.HCM là DRH Holdings cũng liên tục đặt mục tiêu cao nhưng 5 năm nay đều “cài số lùi” về kết quả kinh doanh. Đây cũng là doanh nghiệp gần như không có dự án bất động sản chào bán ra thị trường suốt nhiều năm, mặc dù định hướng bất động sản là mảng kinh doanh cốt lõi.
Dự án Aurora (quận 8, TP.HCM) của doanh nghiệp này cất nóc từ đầu năm 2021, đến đầu năm 2022, tại Đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo doanh nghiệp này đặt mục tiêu hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “dậm chân tại chỗ” vì thiếu vốn.
Cũng tại ĐHCĐ, đại diện DRH Holdings cho biết, sẽ đưa dự án Symbio Garden tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) ra thị trường trong năm 2023. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin gì về việc khởi động dự án.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2022, ông Ngô Đức Sơn, Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc DRH Holdings từng đặt mục tiêu lãi trước thuế 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm 2022, doanh nghiệp này “vỡ kế hoạch” khi đưa ra mục tiêu lãi 100 tỷ đồng mà chỉ đạt được hơn 12 tỷ đồng, tương đương 12%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, doanh thu thuần của DRH đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Đáng chú ý hoạt động liên doanh liên kết lãi chưa đến 2 tỷ đồng so với con số hơn 17 tỷ đồng. Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí DRH chỉ còn lãi sau thuế vỏn vẹn 187,6 triệu đồng – giảm mạnh so với con số gần 7,8 tỷ đồng của quý 4/2021.
Trước đó trong báo cáo tài chính quý 3/2022, DRH công bố lãi sau thuế 10,3 tỷ đồng tuy nhiên đến khi hợp nhất cùng với quý 4 thì lợi nhuận trước thuế đạt 12,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ còn chưa đến 1 tỷ đồng giảm tới 93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào năm 2021, DRH cũng đưa ra một kế hoạch rất hoàng tráng với mục tiêu doanh thu 870 tỷ đồng, lãi trước thuế là 90 tỷ đồng. Nhưng rốt cục kết thúc năm 2021 DRH Holdings cũng chỉ hoàn thành 5% mục tiêu doanh thu và 17% mục tiêu lãi trước thuế.
Là doanh nghiệp lớn và có nhiều dự án gối đầu trên thị trường, nhưng trong năm 2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh chỉ hoàn thành được 10,6% kế hoạch lợi nhuận ròng, khi ghi nhận 149 tỷ đồng, giảm 87,1% so với cùng kỳ. Sự khó khăn của thị trường khiến hai mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty là phát triển bất động sản và dịch vụ đều ghi nhận mức giảm mạnh.
Năm 2023, DXG đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 5.500 tỷ đồng và lãi ròng 158 tỷ đồng, giảm 26% cùng kỳ. Như vậy, so với kế hoạch, nửa đầu năm DXG chỉ thực hiện được 20% mục tiêu doanh thu và 39% lãi ròng của cả năm. Cùng với đó, doanh nghiệp này cắt giảm khoảng hơn 1.000 nhân sự.