Điểm mặt những dự án 'vàng' thuộc diện giám sát vẫn triển khai ì ạch
Dù nằm ở tuyến đường vàng TP Huế nhưng nhiều dự án vẫn cứ thi công ì ạch, kéo dài cả thập kỷ, làm cho bộ mặt thành phố Festival xấu xí, gây lãng phí tài nguyên đất.
Ngày 14-7-2017, HDND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành nghị quyết về việc giám sát tình hình, kết quả sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2016. Theo đó, HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao UBND tỉnh xem xét thu hồi, giám sát đặc biệt, đôn đốc tiến độ 79 dự án. Trong đó, rà soát xem xét thu hồi đối với dự án tòa nhà của VNPT (số 4 Hà Nội); dự án khu dịch vụ du lịch văn phòng, căn hộ cao cấp tại 14 - 20 Lý Thường Kiệt. Dự án Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Huế thuộc diện đôn đốc tiến độ. Vậy nhưng đến nay, các dự án này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
1. Ưu ái chuyển cao ốc văn phòng thành bệnh viện nhưng vẫn chậm tiến độ
Năm 2012, khu đất rộng 2.577,8 m2 ở giao lộ đường Hà Nội - Nguyễn Tri Phương – Lý Thường Kiệt được Công ty CP đầu tư và xây dựng VIWASEEN Huế xây cao ốc 2 tầng hầm và 15 tầng nổi để làm siêu thị, văn phòng cho thuê. Sau khi xây xong phần thô, công trình dường như bỏ hoang, tạo hình ảnh không đẹp ngay giữa trung tâm TP Huế.
Năm 2017, dự án được tỉnh Thừa Thiên – Huế cho phép chuyển thành Bệnh viện Đa khoa quốc tế Huế với vốn đầu tư 400 tỉ đồng, do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế làm chủ đầu tư, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý I/2021.Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp này khẩn trương thi công, lắp kính xung quanh. Những tưởng dự án sớm đưa vào hoạt động nhưng đến nay, hầu như chủ đầu tư không triển khai thêm công đoạn nào.
2- Tòa nhà VNPT xây mãi không xong.
Nằm đối diện bên kia đường, khu đất số 4 Hà Nội mà Tập đoàn VNPT trúng đấu giá được thực hiện dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp theo đúng quy hoạch đã duyệt. Dự án được cấp "sổ đỏ" từ tháng 4-2012 với tổng vốn đầu tư 58,6 tỉ đồng. Sau suốt bao năm khu đất "vàng" này chỉ cho thuê làm chỗ rửa xe, quán nhậu thì đến tháng 12-2018, dự án được làm lễ khởi công rình rang với sự tham gia của nhiều đại biểu, khách mời.
Theo cam kết của Viễn thông Thừa Thiên - Huế (đơn vị được ủy quyền thực hiện dự án), công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2021. Vậy nhưng, đã đến quý II/2022 mà dự án chỉ cơ bản xong phần thô 7 tầng nổi, 1 tầng hầm và thi công cầm chừng.
3 - Khu văn hóa đa năng "méo mó".
Khu công viên Kim Đồng được xem lá phổi xanh của Huế nhưng năm 2015, tỉnh UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty CP Đầu tư Sunrise để biến thành Khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng theo hình thức xã hội hóa. Khu dự án này nằm ở đầu đường Hà Nội, cách 2 dự án trên chỉ khoảng 500 m.
Hàng loạt cổ thụ ở đây được đào đi, thay vào đó là bê tông hóa hầu như toàn bộ trên 4.300 m2 đất để xây dựng tầng hầm bãi đỗ xe, các khu nhà chức năng để tạo khu vui chơi giải trí kết hợp bãi đỗ xe và tổ chức nhiều loại hình văn hóa, dịch vụ văn hóa - thể thao, thương mại, du lịch, vui chơi giải trí công nghệ cao, phục vụ theo nhu cầu của các nhóm đối tượng.
Sau khi được chấp thuận đầu tư, Sunrise khẩn trương triển khai xây dựng các khối nhà. Vậy nhưng qua 2 lần được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có quyết định điều chỉnh về quy mô đầu tư, từ quý IV/2021 dự án đưa vào hoạt động một số khu vực nhưng hiệu quả không cao khi khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 85% so với kế hoạch, chậm tiến độ so với cam kết.
4- Dự án căn hộ cao cấp chờ điều chỉnh.
Cách đó không xa, dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch văn phòng, căn hộ cao cấp tại khu đất 14-20 Lý Thường Kiệt do Công ty CP đầu tư xây dựng du lịch và phát triển Đất Vàng làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt kết quả bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ năm 2009 với diện tích sử dụng đất 6.835 m2, vốn đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng.
Đến nay, dự án đã thi công hoàn thành giai đoạn 1 - phần khối đế gồm tầng hầm, 5 tầng nổi - và chưa thể đưa vào hoạt động. Tháng 11-2019, chủ đầu tư đề xuất thay đổi chiều cao tầng của dự án từ 17 lên 25 tầng nhưng tỉnh Thừa Thiên - Huế trả lời "chưa xem xét thay đổi chỉ tiêu quy hoạch các công trình trục đường này". Tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai để tham mưu phương án giải quyết kiến nghị điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch dự án.