'Điểm mặt' những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng
Tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030, Sở Tư pháp Đà Nẵng đã vạch rõ những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng hiện nay.
Về bản chất, Văn phòng công chứng không thực hiện các hoạt động kinh doanh
Như tin đã đưa, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định 164/QĐ-UBND ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án này nhận định, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật của một số tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) và công chứng viên (CCV).
Theo Sở Tư pháp Đà Nẵng, thực hiện Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng như quy hoạch phát triển các TCHNCC, hiện nay hầu hết các địa phương trong cả nước đang thực hiện quyết liệt chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. Việc phát triển thêm các Văn phòng công chứng (VPCC) đã giúp cho người dân và doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn khi thực hiện các giao dịch dân sự, giúp giảm tải số lượng hồ sơ công chứng và nâng cao tính phục vụ tại các TTHNCC…
Mặc dù hoạt động dưới hình thức công ty hợp danh nhưng về bản chất, VPCC không thực hiện các hoạt động kinh doanh mà là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phòng ngừa tranh chấp góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc phát triển thêm các VPCC cũng kéo theo nhiều vấn đề bất cập, nhất là việc cạnh tranh diễn ra ngày một khốc liệt và không lành mạnh giữa các TTHNCC với nhau nhằm lôi kéo khách hàng, tăng doanh thu của VPCC. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng có nhiều điểm khác biệt so với các hành vi cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh, sản xuất thông thường.
Nguy cơ từ cạnh tranh không lành mạnh
Cụ thể, Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết, theo Thông tư 257/2016/TT-BTC, việc công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản được tính trên giá trị tài sản; trường hợp trong hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay. Tuy nhiên mức thu phí công chứng đối với hợp đồng thế chấp tài sản theo Thông tư 257/2016/TT-BTC quá cao, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh.
Một số TCHNCC đã ký kết nhiều hợp đồng liên danh, liên kết với các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng như chi nhánh ngân hàng nhà nước (gọi chung là ngân hàng) hoặc móc nối, thông đồng, cấu kết với nhân viên các ngân hàng để đưa khách hàng đến thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch thế chấp tại TCHNCC.
Đằng sau việc liên danh, liên kết, móc nối đó là việc TCHNCC trích lại “hoa hồng” cho các ngân hàng, hoặc nhân viên ngân hàng từ tiền phí thu được (từ 15 – 25%, thậm chí 30% tiền phí công chứng tùy theo thỏa thuận của mỗi TCHNCC với ngân hàng). Từ đó, các ngân hàng đã ép buộc khách hàng có thế chấp, vay vốn từ ngân hàng của mình phải ký kết hợp đồng tại TCHNCC mà ngân hàng đã có thỏa thuận.
Sở Tư pháp Đà Nẵng nhấn mạnh, đây là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các TCHNCC và nghiêm trọng hơn là đang làm méo mó hoạt động công chứng, tiềm ẩm nguy cơ rủi ro gây mất an toàn pháp lý trong các giao dịch dân sự; đặc biệt là nguy cơ gây thêm nợ xấu cho ngân hàng khi mà cả hai bên (ngân hàng và TCHNCC) vì lợi nhuận mà không chú ý đến yếu tố pháp lý của các hợp đồng, giao dịch.
Sở Tư pháp Đà Nẵng cũng chỉ rõ, theo quy định, đối với việc công chứng ngoài trụ sở thì phải thu chi phí khác. Tuy nhiên một số TCHNCC vì cạnh tranh, lôi kéo ngân hàng đã hỗ trợ khách hàng bằng cách không thu chi phí khác theo quy định tại Điều 68 Luật Công chứng khi công chứng ngoài trụ sở.
Theo đó, TCHNCC đã ghi không đúng sự thật về nơi ký kết hợp đồng trong Hợp đồng thế chấp (ký ngoài trụ sở TCHNCC nhưng ghi trong hợp đồng là tại trụ sở TCHNCC). Hành vi này, theo Sở Tư pháp Đà Nẵng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn nếu bên thế chấp tài sản vì lý do khác nhau không muốn trả nợ ngân hàng mà khởi kiện ra tòa án thì sẽ gây thiệt hại cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, một số CCV của TCHNCC móc nối với người đi công chứng để giúp người đi công chứng (chủ yếu là người kinh doanh bất động sản) trốn thuế khi ký kết các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản. Cụ thể là CCV cho người mua bán, chuyển nhượng bất động sản “ký gửi”, “ký chờ” vào Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản nhưng không đóng dấu, vào sổ và gửi lại TCHNCC để người nhận chuyển nhượng tiếp tục tìm người khác để chuyển nhượng.
Từ đó dẫn đến có trường hợp một bất động sản trên thực tế đã được mua bán, chuyển nhượng nhiều lần nhưng chỉ nộp thuế chuyển quyền có một lần. Hành vi này vừa gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, vừa tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất an toàn gao dịch rất cao trong trường hợp người chuyển nhượng cố tình lừa đảo, có thể mua bán, chuyển nhượng ở nhiều TCHNCC khác nhau, làm phát sinh tranh chấp.
Ngoài ra, một số TCHNCC có hành vi đùn đẩy, chỉ công dân đến các phòng công chứng đối với các hồ sơ công chứng có mức thu phí thấp; từ chối tiếp nhận đối với những hồ sơ phức tạp, khó, nhằm tập trung tiếp nhận, giải quyết công chứng các hợp đồng, giao dịch về thế chấp vay vốn, trong đó có một bên tham gia giao dịch là các ngân hàng để thu phí công chứng nhiều hơn.