Điểm mặt những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới

Phần lớn quốc gia trên thế giới đều sở hữu lực lượng đặc nhiệm của riêng mình. Đơn vị này có năng lực tác chiến mạnh mẽ, có thể thực thi các nhiệm vụ đặc biệt về chính trị và quân sự.

Lực lượng đặc nhiệm là đơn vị chuyên thực hiện các nhiệm vụ có tính bảo mật và độ nguy hiểm cao nhất trên thế giới. Dưới đây là 10 lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới theo trang quân sự Wearethemighty bình chọn, thứ tự được xếp ngẫu nhiên.

1. Đặc nhiệm hải quân Anh (SBS)

Thành viên lực lượng SBS của Anh. Ảnh: DPL

Thành viên lực lượng SBS của Anh. Ảnh: DPL

SBS trực thuộc thủy quân lục chiến Anh, có hơn 200 người. Quá trình tuyển chọn và huấn luyện vô cùng khắc nghiệt, có tới 90% ứng viên sẽ bị loại. Thành viên SBS có khả năng sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí, có khả năng sinh tồn và tác chiến trong nhiều điều kiện.

2. Đặc công Báo Tuyết Trung Quốc

Đội đặc công Báo Tuyết của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đội đặc công Báo Tuyết của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Thành lập năm 2002, Báo Tuyết được biết tới sau khi tham gia bảo vệ Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Để trở thành thành viên của lực lượng này, các ứng viên phải trải qua quá trình huấn luyện kéo dài 11 tháng. Các thành viên Báo Tuyết được biết tới với khả năng cận chiến, tài thiện xạ.

3. Đặc nhiệm GROM của Ba Lan

Đặc nhiệm GROM của Ba Lan. Ảnh: PSOF

Đặc nhiệm GROM của Ba Lan. Ảnh: PSOF

GROM được thành lập năm 1991, có khoảng 300 người. Chỉ có 1-5% các ứng viên đáp ứng được yêu cầu tuyển chọn. Quá trình huấn luyện của GROM kéo dài 3 năm, tiêu tốn trung bình 1 triệu USD cho mỗi thành viên.

4. Lực lượng đặc nhiệm Pakistan (SSG)

Lực lượng đặc nhiệm SSG của Pakistan. Ảnh: Insider

Lực lượng đặc nhiệm SSG của Pakistan. Ảnh: Insider

SSG, còn có biệt danh "cò đen", được biết tới với những bài huấn luyện như hành quân 60km trong 12 tiếng hay chạy 8km trong 50 phút. Chỉ khoảng 5% ứng viên trải qua được khóa huấn luyện của SSG mỗi năm. SSG là đơn vị nổi bật trong khả năng chống khủng bố và giải cứu con tin.

5. Biệt đội Delta, Mỹ

Đội đặc nhiệm Delta của Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Đội đặc nhiệm Delta của Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Biệt đội Delta được thành lập từ năm 1970, là đơn vị tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Hầu hết nhiệm vụ của Delta đều được giữ bí mật. Trung bình chỉ có 1/10 số ứng viên được chọn để tham gia các bài huấn luyện khắc nghiệt của Delta.

6. Đặc nhiệm Hiến binh Pháp (GIGN)

Đặc nhiệm GIGN của Pháp. Ảnh: Telegraph

Đặc nhiệm GIGN của Pháp. Ảnh: Telegraph

Ra đời năm 1973, GIGN có nhiệm vụ tiêu diệt các phần tử khủng bố, giải cứu con tin và chống bạo động. Thành tích nổi bật nhất của GIGN là giải cứu thành công 224 hành khách trên chuyến bay 89609 của Air France năm 1994. Chương trình huấn luyện của GIGN dài 14 tháng, với tỷ lệ thông qua là 2%.

7. Đặc nhiệm Sayeret Matkal của Israel

Đặc nhiệm Sayeret Matkal của Israel. Ảnh: AG

Đặc nhiệm Sayeret Matkal của Israel. Ảnh: AG

Sayeret Matkal được thành lập năm 1949, chuyên giải cứu con tin, xâm nhập và gián điệp. Các binh sĩ hải quân Israel phải trải qua bài huấn luyện kéo dài 20 tháng nếu muốn gia nhập đơn vị này.

8. Đặc nhiệm hải quân Tây Ban Nha (Fuerza)

Đặc nhiệm Fuerza của Tây Ban Nha. Ảnh: JL

Đặc nhiệm Fuerza của Tây Ban Nha. Ảnh: JL

Được thành lập năm 1952 với khoảng 100 người, đơn vị này có nhiệm vụ chính là bảo vệ các khu vực ven biển của Tây Ban Nha. Tỷ lệ thất bại khi tham gia các đợt tuyển chọn của Fuerza là 70-80%, cá biệt có trường hợp loại bỏ 100% các ứng viên.

9. Đặc nhiệm Spetsnaz - Nga

Đặc nhiệm Spetsnaz của Nga. Ảnh: AY

Đặc nhiệm Spetsnaz của Nga. Ảnh: AY

Spetsnaz được thành lập từ năm 1950, có quy mô 5.500 thành viên, chia làm 46 đại đội. Lực lượng này có nhiệm vụ chính là trinh sát, phát hiện các cơ sở quan trọng ở hậu phương và tiêu hủy các phương tiện tấn công hạt nhân.

10. Đặc nhiệm SEAL - Mỹ

Đặc nhiệm SEAL của Mỹ. Ảnh: DoF

Đặc nhiệm SEAL của Mỹ. Ảnh: DoF

SEAL là đơn vị đặc biệt của hải quân Mỹ, có quy mô khoảng 2.500 người. Thành tích đáng kể nhất của SEAL là tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011. Điều kiện gia nhập SEAL vô cùng khó khăn, các ứng viên cần chứng minh khả năng cả về thể chất lẫn tinh thần.

Việt Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/10-luc-luong-dac-nhiem-tinh-nhue-nhat-the-gioi-2082976.html