'Điểm mặt' những rủi ro gọi vốn của startup thời 4.0
'Cuộc đời của startup là đi gọi vốn nên rất rủi ro vì hoàn toàn dựa vào giả định, chưa có khách hàng, thị trường, tất cả phụ thuộc vào khả năng thuyết trình với nhà đầu tư'.
Ngày 24/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Các chuyên gia, doanh nghiệp đã nêu ra các vấn đề về ảnh hưởng, lợi ích và rủi ro cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, đặc biệt là đối với cộng đồng startup.
Bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Vietnam Sillicon Valley cho rằng, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện không còn là “chiếc mũ” phù hợp đối với các doanh nghiệp startup. Bởi lẽ, có những mô hình kinh doanh chưa có mã ngành, rất khó đăng ký và thường xuyên bị trả lại hồ sơ.
“Cuộc đời của startup là đi gọi vốn nên rất rủi ro vì hoàn toàn dựa vào giả định, chưa có khách hàng, thị trường, tất cả phụ thuộc vào khả năng thuyết trình với nhà đầu tư. Startup có 90% thất bại, chỉ có 10% là thành công. Nhiều trường hợp thất bại mắc vào tội lừa đảo, đọng lại khoản nợ rất lớn.
Một trong những nguyên nhân là do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể thu hút vốn tư nhân, nếu làm tốt việc này không chỉ tốt cho startup giai đoạn đầu mà còn tạo cầu nối giữa nhà đầu tư trong nước, tạo điều kiện và sự yên tâm cho các quỹ đầu tư nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư vào Viêt Nam”, bà Thạch Lê Anh nói thêm.
Theo bà Thạch Lê Anh, hiện nay các quy định không tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư, hỗ trợ người thực thi vì họ không tìm thấy văn bản luật hướng dẫn. Chẳng hạn như nhà đầu tư mong muốn thoái vốn nhưng không tìm được văn bản, lĩnh vực thuế cũng phải tự tìm hiểu…
Ông Lê Minh Khiêm, Phó trưởng phòng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, chính sách pháp luật làm sao thúc đẩy cách mạng 4.0, đặc biệt đối với doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo.
Ông Khiêm đánh giá, phương thức quản lý thuế hiện nay chưa theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ nên dễ tạo rủi ro cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.
Đối với cơ quan quản lý, do chưa có quy định chuyên ngành có thể xử lý sai. Còn rủi ro cho doanh nghiệp, khi hệ thống pháp luật chưa rõ ràng, doanh nghiệp đã tuân thủ pháp luật nhưng có thể đối mặt với việc kê khai nộp thuế chưa đúng.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Khiêm cho biết, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu trình Chính phủ, trình Quốc hội cách chính sách thuế phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, trong đó tập trung doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chính sách thuế với lĩnh vực công nghệ cao… Cùng với đó, Bộ, ngành tài chính đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai thu nộp thuế và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong thu thuế.
Còn theo bà Thạch Lê Anh, cần sớm ban hành bộ luật đầu tư mạo hiểm để “đỡ lưng” cho startup và thí điểm đầu tư vốn mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước.
Tại buổi hội thảo, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, hiện nay ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, có nhiều bạn trẻ làm việc ở nhà, nhưng gửi sản phẩm đi nước ngoài như Singapore và kiếm bộn tiền. Vậy phải khuyến khích, phát triển lao động đó như nào?
Về vấn đề này, ông Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động thương binh và xã hội cho rằng, tất cả loại hình lao động hợp pháp đều phải được công nhận. Tuy nhiên có những loại hình pháp luật chưa quy định nên cần phải tiếp tục điều chỉnh khung pháp lý.