Điểm nhấn cải cách phục vụ doanh nghiệp

Bộ Công thương vừa có quyết định 'lịch sử' khi cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐTKD). Con số lớn chưa từng có này được Bộ đưa ra sau hơn hai tuần các đơn vị rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện ĐTKD thuộc lĩnh vực Bộ quản lý, là điểm nhấn góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường ĐTKD.

Bãi bỏ thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde đối với vải sợi bán thành phẩm mẫu giúp doanh nghiệp tiết kiệm 1,5 triệu đồng mỗi lần kiểm nghiệm. Trong ảnh: Sản xuất sợi tại Công ty cổ phần dệt may Sơn Nam (Nam Định).

Bãi bỏ thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde đối với vải sợi bán thành phẩm mẫu giúp doanh nghiệp tiết kiệm 1,5 triệu đồng mỗi lần kiểm nghiệm. Trong ảnh: Sản xuất sợi tại Công ty cổ phần dệt may Sơn Nam (Nam Định).

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện ĐTKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giai đoạn 2017 - 2018. Theo Quyết định, 675 điều kiện ĐTKD được cắt giảm - là con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng số điều kiện ĐTKD.

Theo báo cáo của Tổ công tác của Bộ Công thương, tính đến ngày 20-9-2017, tổng số điều kiện kinh doanh mà các đơn vị thuộc Bộ rà soát là 1.216 thuộc 27 ngành, nghề, chưa tính đến ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ô-tô là ngành nghề thứ 28. Sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541 thay vì 752 điều kiện như dự kiến.

Khẳng định mục tiêu đổi mới hướng tới Chính phủ kiến tạo của Bộ Công thương, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc cắt giảm điều kiện ĐTKD của Bộ Công thương là một tín hiệu tích cực. Nếu các bộ khác cùng tiếp bước Bộ Công thương thì chắc chắn môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có sự thay đổi rất lớn. Doanh nghiệp có cơ sở để tin vào một sự cải cách, chuyển động mạnh mẽ của ngành công thương trong thời gian tới. Đồng tình quan điểm của ông Đậu Anh Tuấn, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung, tính đến nay, ngoài Bộ Công thương, hiện chưa có bộ nào triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện ĐTKD. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh lần này sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, được xem là công việc trọng tâm xuyên suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường ĐTKD và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo. Kết quả đạt được cho tới nay là khá tích cực; các vấn đề nổi cộm, bị doanh nghiệp phàn nàn nhiều như: Kiểm tra hiệu suất năng lượng, kiểm tra hàm lượng formaldehyde, kiểm tra chất lượng thép, dán nhãn tiết kiệm năng lượng, khai báo hóa chất... đã hoặc sẽ được giải quyết triệt để, dứt điểm. Công tác cải cách thủ tục hành chính và áp dụng thủ tục trực tuyến cũng thu được nhiều kết quả khả quan.

Đơn cử như việc bãi bỏ thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde đối với vải, sợi, bán thành phẩm và sản phẩm mẫu đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 1,5 triệu đồng cho mỗi lần kiểm nghiệm mẫu và rút ngắn được thời gian thông quan từ 2,4 đến 3,8 ngày. Hay như đối với sản phẩm thép, Bộ Công thương đã áp dụng quy trình kiểm tra giảm đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về quản lý chất lượng. Quy trình kiểm tra giảm giúp doanh nghiệp giảm được thời gian thông quan từ ba đến bốn ngày, đồng thời giảm được khoảng hai triệu đồng chi phí thử nghiệm cho mỗi lô hàng. Kể từ ngày 1-10-2017, khi mặt hàng thép được chuyển sang kiểm tra sau thông quan, dự kiến thời gian thông quan sẽ tiếp tục giảm xuống. Bộ Công thương khẳng định, không cố gắng đạt được con số để "gây ấn tượng" mà cân nhắc, rà soát rất kỹ trên cơ sở pháp lý và tình hình thực tế để phục vụ doanh nghiệp một cách tốt nhất, nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước.

Với giải pháp quyết liệt của Bộ Công thương, phần lớn các doanh nghiệp đều khẳng định, nhờ giảm bớt thủ tục hành chính, doanh nghiệp giảm được chi phí, có thêm tích lũy để lớn mạnh, tăng năng lực cạnh tranh. Khẳng định nỗ lực lớn của Bộ Công thương, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho rằng, cắt giảm điều kiện ĐTKD sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp, thương mại, xuất khẩu phát triển, từ đó tạo ra sản phẩm mới, quy trình mới, ý tưởng sáng tạo được áp dụng, thực hiện... có thể nói, đây là yếu tố căn bản thúc đẩy phát triển ngành công thương.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh với những định hướng lớn; tiếp tục rà soát để giảm bớt danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, bao gồm cả trước thông quan và sau thông quan; với các mặt hàng bắt buộc phải kiểm tra, tăng cường hình thức hậu kiểm và đẩy mạnh việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị tham gia đánh giá sự phù hợp; tiếp tục bãi bỏ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các điều kiện ĐTKD thuộc phạm vi quản lý của Bộ; chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam và Quy chuẩn Việt Nam.

Thùy Linh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/34236402-diem-nhan-cai-cach-phuc-vu-doanh-nghiep.html