Diễn biến mới về tranh cãi thuế xe điện giữa EU và Trung Quốc

Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, các mức thuế tạm thời, từ 17,4% đến 37,6%, nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các loại xe điện giá rẻ được nhà nước trợ cấp.

Xe ôtô điện BYD Co.'s Atto 3. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Xe ôtô điện BYD Co.'s Atto 3. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Công ty ô tô SAIC Motor (Trung Quốc) thông báo sẽ yêu cầu một phiên điều trần từ Ủy ban châu Âu (EC) về các khoản thuế bổ sung mà họ phải đóng, trong bối cảnh mức thuế tạm thời của Liên minh châu Âu (EU) đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.

Trong tuyên bố, SAIC Motor cho biết EC đã bỏ qua một số thông tin và lập luận phản bác do công ty này đưa ra trong quá trình điều tra.Yêu cầu của SAIC được đưa ra một ngày sau khi EC công bố kết quả cuộc điều tra kéo dài chín tháng về thị trường xe điện của Trung Quốc.

EC kết luận rằng xe điện chạy pin sản xuất tại Trung Quốc được hưởng lợi từ việc trợ cấp không công bằng, điều này gây ra mối nguy thiệt hại kinh tế cho các nhà sản xuất ôtô điện của EU.

Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, các mức thuế tạm thời, từ 17,4% đến 37,6%, nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các loại xe điện giá rẻ được nhà nước trợ cấp.

Báo cáo nêu chi tiết sự thiếu tích cực của SAIC trong việc hợp tác điều tra, dẫn đến doanh nghiệp này phải trả mức thuế cao nhất 37,6%. SAIC là công ty mẹ của thương hiệu MG.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc BYD và Geely phải đối mặt với mức thuế thấp hơn lần lượt là 17,4% và 19,9%, vốn vẫn cao hơn mức thuế 10% tiêu chuẩn của EU đối với ôtô nhập khẩu.

Mức thuế này có hiệu lực tạm thời trong 4 tháng, trong thời gian đó dự kiến sẽ diễn ra các cuộc đàm phán giữa EU và Trung Quốc. Sau khi công bố mức thuế tạm thời, các bên liên quan bao gồm cả Trung Quốc và các nhà sản xuất xe điện có thời hạn đến ngày 18/7 để đưa ra ý kiến và yêu cầu điều trần.

Trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục, các nhà sản xuất ôtô đang đánh giá lại chiến lược định giá của họ dựa trên mức giá tạm thời này. Bất chấp sự không chắc chắn do các mức thuế này tạo ra, các chuyên gia trong ngành tin rằng các công ty xe điện của Trung Quốc hiện có thể điều chỉnh chiến lược toàn cầu của mình để phù hợp với môi trường thương mại mới này.

Theo dữ liệu từ nhà phân tích Matthias Schmidt, các thương hiệu Trung Quốc chỉ chiếm 2,9% tổng doanh số bán ôtô ở Tây Âu trong 4 tháng đầu năm 2024, nhưng riêng MG đã chiếm tới 61% con số này nhờ chính sách giá rất quyết liệt.

Tình hình có thể sẽ diễn biến ít thuận lợi hơn trong thời gian tới. Tỷ suất lợi nhuận của MG và BYD ở châu Âu được các nhà phân tích đánh giá là đáng kể. Khi mẫu xe điện MG4 mất quyền tiếp cận phần thưởng sinh thái 4.000 euro (khoảng 4.330 USD) ở Pháp vào cuối năm 2023, thương hiệu này đã bù đắp bằng việc giảm giá 5.000 euro.

Nhưng tới đây, MG chắc chắn sẽ phải tăng giá do tổng mức thuế nhập khẩu vào châu Âu cao hơn. Trong khi đó, EC đã "nhẹ nhàng" hơn đối với BYD, vốn chỉ bị áp mức thuế phụ thu 17,4% và do đó mức thuế tổng cộng sẽ là 27,4% - mức đủ để tạo ra chi phí bổ sung vài nghìn euro cho mỗi chiếc ôtô.

Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận dự kiến của BYD tại thị trường châu Âu trong bối cảnh doanh nghiệp này đang cạnh tranh giá cả quyết liệt ở thị trường nội địa.

Nhưng theo một số nhà phân tích, tỷ suất lợi nhuận có được sẽ cho phép BYD hấp thụ phần lớn cú sốc, đồng thời vẫn giữ được mức giá thấp hơn đáng kể so với những thương hiệu phương Tây. BYD chắc chắn cũng sẽ đẩy nhanh việc mở rộng ưu đãi ở châu Âu đối với các mẫu xe plug-in hybrid vốn được miễn phụ phí.

Trong khi đó, mức thuế bổ sung đối với Geely là 19,9%. Điều này chủ yếu sẽ tác động đến thương hiệu Volvo mà công ty này nắm quyền kiểm soát.

Như vậy, doanh nghiệp này có thể sẽ buộc phải tăng giá EX30 lắp ráp tại Trung Quốc, trong khi mẫu xe này đứng ở vị trí thứ hai về doanh số bán xe điện ở châu Âu trong tháng 4/2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dien-bien-moi-ve-tranh-cai-thue-xe-dien-giua-eu-va-trung-quoc-post963172.vnp