Điểm nhấn hợp tác đẩy lùi Covid-19 trong quan hệ Việt - Mỹ
Khi các lãnh đạo Việt Nam tiếp phó tổng thống Mỹ, hai bên nhất trí rằng hợp tác y tế và ứng phó chống dịch là nội dung mới trong hợp tác song phương, và cần được phát huy hơn.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai một số kế hoạch giữa Việt Nam và Mỹ, hai bên vẫn duy trì đà hợp tác, thậm chí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực mới như phòng chống dịch bệnh. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nhất trí đây là nội dung mới trong hợp tác song phương, và cần được phát huy hơn nữa.
Hôm 25/8, trong chuyến thăm tới Việt Nam, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Mỹ sẽ tặng Việt Nam thêm một triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech. Đến nay Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 6 triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX. Con số này đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước tiếp nhận vaccine nhiều nhất từ Mỹ.
Cùng ngày, Phó tổng thống Kamala Harris đã khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ, CDC đóng vai trò đặc biệt phù hợp để tăng cường gắn kết và hợp tác của Mỹ với các lãnh đạo Đông Nam Á, nhằm nâng cao năng lực khu vực trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm và các mối đe dọa y tế mới nổi khác.
Viện trợ vaccine để cứu người, không đi kèm điều kiện
Trong những lần gửi tặng vaccine, các nhà lãnh đạo Mỹ, gồm Tổng thống Joe Biden, nhiều lần khẳng định các lô vaccine mà Mỹ quyên tặng là để cứu người, không đi kèm bất cứ ràng buộc nào.
Thông điệp này được Phó tổng thống Harris tái khẳng định khi trực tiếp gặp gỡ những nhà lãnh đạo Việt Nam, nhấn mạnh một triệu liều vaccine Pfizer "sẽ đến ngay trong 24 giờ".
Mỹ cũng hợp tác với các nước Đông Nam Á để đào tạo chuyên gia y tế, vì "đại dịch Covid-19 sẽ không phải là mối đe dọa cuối cùng kiểu vậy mà chúng ta phải đối mặt", bà Harris cho biết.
"Đại dịch khẳng định rõ rằng thế giới liên kết với nhau và phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết, và các mối đe dọa chúng ta phải đối mặt đang gia tăng nhanh chóng hơn", bà Harris nói thêm.
Trước đó, đầu tháng 4/2020, khi Việt Nam bước vào thời gian giãn cách xã hội đầy căng thẳng, từ bên kia bờ đại dương, nước Mỹ cũng phải căng mình đối phó với dịch Covid-19.
Trong bối cảnh trang thiết bị y tế trở thành món hàng khan hiếm, từ Việt Nam, 400.000 khẩu trang được quyên góp bởi Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Cựu du học sinh Việt - Mỹ tại Hà Nội (VUSAC) được chuyển giao cho FedEx để vận chuyển bằng đường hàng không sang Mỹ.
Cũng trong tháng 4/2020, Việt Nam cùng 2 doanh nghiệp Mỹ vận chuyển nhanh chóng 450.000 bộ quần áo bảo hộ y tế để hỗ trợ Mỹ chiến đấu chống lại dịch bệnh.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều chuyến hàng Việt Nam từng gửi đến Mỹ, giữa lúc cả thế giới nóng lên vì Covid-19.
“Trong hoạn nạn mới biết ai là bạn tốt. Không có người bạn nào khác tốt hơn Việt Nam khi hỗ trợ Mỹ thiết bị bảo hộ cá nhân và khẩu trang”, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink từng xúc động chia sẻ trong buổi họp báo kết thúc nhiệm kỳ công tác ngày 7/4.
“Món quà ý nghĩa này đã cứu sống nhiều người dân của chúng tôi. Mỹ mãi biết ơn các bạn Việt Nam và trân trọng điều đó”, ông nói.
Minh chứng cho cam kết đối tác
Cũng trong buổi lễ khai trương văn phòng CDC Đông Nam Á ở Hà Nội, Phó tổng thống Harris cho biết nước này đã phân bổ 110 triệu liều vaccine Covid-19 cho thế giới, trong đó có hơn 23 triệu liều cho khu vực Đông Nam Á, và bao gồm 6 triệu liều cho Việt Nam - gồm 5 triệu liều vaccine của Moderna nhận trong tháng 7 và một triệu liều Pfizer sắp đến.
Chia sẻ với Zing, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Marie Damour cho biết thông qua các đợt viện trợ vaccine, Mỹ muốn gửi đi thông điệp mong muốn trở thành bạn và đối tác tốt của Việt Nam. “Chúng tôi muốn giúp đỡ Việt Nam vào thời điểm cần thiết”, bà Damour nói.
Trong báo cáo mới được Nhà Trắng công bố gần đây, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia mà Mỹ chia sẻ nhiều vaccine Covid-19 nhất.
Ngoài viện trợ vaccine, Mỹ cam kết tài trợ 500.000 USD cho Quỹ Ứng phó Covid-19 của Đông Nam Á để hỗ trợ mua vaccine. Washington cũng cung cấp hơn 150 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho các nước trong khu vực để thúc đẩy tiêm vaccine và giúp đỡ bệnh nhân Covid-19.
Việt Nam và Mỹ cũng hợp tác nhằm nâng cao năng lực trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Kể từ khi dịch bùng phát, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế trong trao đổi kỹ thuật, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chống dịch.
"Các chuyên gia của CDC Mỹ đã dành hàng nghìn giờ làm việc cùng các chuyên gia Việt Nam trong phòng thí nghiệm, tại hiện trường, xét nghiệm cho đến điều trị, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế, quản lý dữ liệu trong hành trình ứng phó dịch thông minh và hiệu quả của Việt Nam", Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam Eric Dziuban cho biết. "Đây là mối quan hệ hợp tác rất thành công".
Về trang thiết bị y tế, hôm 3/8, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam 4,5 triệu USD để hỗ trợ tiêm chủng và nâng cao năng lực hệ thống y tế trong phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ USAID, đầu tháng 9, dự kiến 77 tủ cấp đông âm sâu sẽ đến Việt Nam. Các tủ cấp đông âm sâu trị giá 691.000 USD sẽ do phi đội Contracting Squadron 36 của Căn cứ không quân Andersen, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, mua và vận chuyển.
Trong số này, 63 tủ đông sẽ phân phối cho 63 tỉnh thành, và 14 tủ đông cỡ lớn hơn sẽ cấp cho cơ quan chức năng để bảo quản vaccine Covid-19.
"Việc này thể hiện cam kết của Mỹ đối với sức khỏe và sự an toàn của người Việt Nam bằng cách cung cấp cứu trợ nhân đạo trong đại dịch Covid-19", ông Christian Luevano, đại diện phi đội Contracting Squadron 36, thông báo.
Trước đó, vào đầu tháng 7, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng trao tặng máy xét nghiệm PCR và thiết bị xét nghiệm lưu động cho Bộ Quốc phòng nhằm nâng cao năng lực xét nghiệm.
“Mỹ và Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ trong hơn 26 năm để xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Cùng nhau, chúng ta có thể vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra”, Đại biện lâm thời Mỹ Christopher Klein cho biết.